6 thực phẩm tốt cho sức khỏe tổng thể nhưng lại ăn mòn răng
- Được viết ngày Thứ hai, 06 Tháng 2 2023 15:14
Khi nhắc đến thực phẩm hại răng, hầu hết mọi người đều nghĩ tới nước ngọt, bánh kẹo, rượu bia… Tuy nhiên, một số thực phẩm lành mạnh mà ăn quá nhiều hoặc ăn sai cách cũng sẽ trở thành “kẻ thù” của hàm răng.
Mòn răng không chỉ làm mất thẩm mỹ hàm răng mà còn gây đau đớn, bất tiện khi sinh hoạt. Cụ thể, bác sĩ nha khoa Lưu Phú Xuân (Trung Quốc) cho biết, răng sẽ bị mất độ bóng, xỉn màu, vàng ố, biến đổi về hình dáng. Mòn răng cũng là nguyên nhân chính gây phá hủy mô răng khiến nhiều người đau buốt răng, nhất là khi ăn các đồ lạnh, nóng, chua… Sau đó, bạn sẽ rất dễ gặp phải tổn thương lợi, viêm nha chu, tụt lợi, lung lay và thậm chí là mất răng.
Mòn răng gây ra rất nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến ăn uống và mọi sinh hoạt hàng ngày (Ảnh minh họa)
Bà cũng nhắc nhở rằng, tình trạng men răng nói riêng và sức khỏe răng miệng nói chung phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta ăn uống hàng ngày. Khi nhắc tới các thực phẩm gây hại cho răng, đa số chúng ta đều nghĩ ngay đến cà phê, nước ngọt, bia rượu hay thực phẩm chứa nhiều đường mà không biết rằng một số thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe tổng thể lại là “kẻ thù” của hàm răng. Trong đó có thể kể đến 6 món phổ biến, được nhiều người yêu thích sau đây:
1. Trái cây họ cam quýt
Các loại trái cây họ cam quýt vốn chứa rất nhiều vitamin C giúp cho cơ thể tăng cường được sức đề kháng. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến răng của bạn. Những thực phẩm này sẽ làm gia tăng mức độ của axit trong miệng và theo thời gian sẽ ăn mòn men răng. Trong đó cần chú ý nhiều nhất là cam và chanh.
Theo bác sĩ Lưu, để hạn chế axit ăn mòn răng thì chúng ta nên uống nước hoặc nhai kẹo cao su không đường sau khi ăn những loại trái cây họ cam quýt. Bởi vì nó có thể giúp bạn “rửa trôi” axit, kích thích tiết nước bọt để trung hòa nó.
Ngoài ra, cũng đừng đánh răng ngay sau khi ăn trái cây họ cam quýt. Thay vào đó, hãy đánh răng hoặc dùng nước súc miệng sau khi ăn chúng ít nhất 20 phút để tránh gây phản tác dụng, làm mòn men răng nhanh hơn.
2. Trái cây sấy khô
Chắc chắn sẽ không ít người bất ngờ khi trái cây sấy khô cũng nằm trong danh sách thực phẩm gây mòn răng nhanh. Đó là do chúng thường chứa hàm lượng đường rất cao và dễ dàng bám vào răng.
Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các vi khuẩn sinh sôi và phát triển, sau đó tấn công răng. Trong khi đó, hoa quả sấy khô rất dễ bị sót lại, bám dính ở răng và khó làm sạch. Lượng đường cao cũng góp phần làm mất cân bằng môi trường răng miệng và làm xói mòn răng.
Chưa kể, chất xơ cellulose không hòa tan trong hoa quả sấy khô cũng gây hại rất lớn cho men răng. Những điều này là lý do mà nhiều nha sĩ nhận định rằng thường xuyên ăn hoa quả sấy khô thậm chí còn hại răng hơn cả bánh kẹo.
3. Giấm
Giấm thường được xếp vào nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nó được sử dụng vào rất nhiều mục đích như y học, nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, thực hành và trong cả ẩm thực.
Chúng ta thường được khuyên ăn giấm thường xuyên vì nó giàu chất dinh dưỡng, giúp tăng cường hấp thụ canxi. Đồng thời giấm còn giúp giảm cân, chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, tốt cho tim mạch, chống nhiễm trùng, giảm đường trong máu. Thậm chí, giấm cũng rất tốt cho tim mạch, điều hòa huyết áp và còn góp phần ngăn ngừa các bệnh ung thư.
Tuy nhiên, trên góc độ nha khoa thì giấm là loại thực phẩm có tính axit cao dễ dẫn đến sự đổi màu răng, làm mòn men răng. Vì vậy, bạn không nên dùng quá thường xuyên, nhất là đối với giấm táo. Ngoài ra, không nên dùng giấm trực tiếp mà hãy pha loãng, không ăn hoặc uống giấm để lâu ngày, lên men quá độ. Một số chuyên gia cũng cho rằng ăn giấm cùng rau diếp có thể bảo vệ răng.
4. Tinh bột
Tinh bột là thứ không thể thiếu đối với cơ thể con người. Nó tạo ra nguồn năng lượng, đảm bảo mọi hoạt động về cả thể chất và tinh thần. Rất nhiều người biết rằng thiếu tinh bột ảnh hưởng lớn thế nào đến sức khỏe, nhưng lại không biết nó gây hại cho răng miệng như thế nào.
Quá trình phân hủy và chuyển hóa tinh bột thành carbohydrate, sau đó là glucose được bắt đầu ngay từ quá trình nhai dưới sự tác động của enzyme nước bọt. Trong lúc này, tinh bột cũng làm tăng mức axit từ vi khuẩn trong miệng, từ đó bào mòn men răng.
Đương nhiên, chúng ta không thể bỏ tinh bột nhưng hãy chỉ ăn đủ lượng cơ thể cần và học cách chọn lựa thực phẩm. Các món giàu tinh bột nhất bao gồm bánh mì, mì ống, gạo và khoai tây cần được hạn chế. Cũng nên nhớ rằng, các thực phẩm giàu tinh bột được chế biến càng lâu thì khi ăn các món ăn này sẽ càng có nhiều khả năng khiến nồng độ axit trong miệng tăng. Tuy nhiên, các dạng tinh bột thô, chẳng hạn như trong các loại rau củ hay yến mạch thường không gây nguy hiểm cho men răng.
Thức ăn tinh bột trắng (bột loại bỏ nhiều lớp vỏ bám bên ngoài của hạt ngũ cốc) làm cho đường và acid bám chắc vào răng. Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, ta nên xen kẽ các thức ăn tinh, thô với các thức ăn có nhiều chất xơ (xenlulose) sẽ làm cho răng chắc khoẻ và sạch răng. Sau khi ăn tinh bột cũng nên uống nhiều nước hoặc súc miệng để loại bảo vệ men răng.
5. Táo
Từ xưa đến nay, táo luôn được ca ngợi là loại trái cây tốt cho sức khỏe. Thậm chí còn được xem là “thực phẩm vàng” cho tim mạch, hệ tiêu hóa, não bộ và ngăn ngừa cả ung thư. Tuy nhiên, lười khuyên “ăn một trái táo mỗi ngày” lại không hề tốt cho sức khỏe răng miệng chút nào.
Táo là trái cây tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều để bảo vệ răng (Ảnh minh họa)
Khi ăn quá nhiều, táo sẽ trở thành sát thủ đối với bộ răng của bạn vì tính axit cao trong nó. Thậm chí, trong một nghiên cứu năm 2012 của Các chuyên gia Viện Nha khoa, Đại học Hoàng gia London (Anh) từng kết luận rằng ăn táo có hại cho răng cao gấp gần 4 lần so với những đồ uống có ga.
Bởi vì một trái táo tương đương với một muỗng canh đường, đồng thời các thành phần trong nó làm tăng axit, mất cân bằng môi trường khoang miệng. Từ đó dễ khiến vi khuẩn răng miệng sinh sôi cũng như làm mòn men răng nhanh hơn. Theo bác sĩ Lưu, chúng ta không nên ăn táo mỗi ngày và mỗi lần chỉ nên ăn một nửa tới 1 quả. Có thể ăn táo kèm với phomat vì canxi trung hoà axit để tránh ảnh hưởng đến men răng.
6. Nước ép trái cây
Nước ép trái cây cũng là thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe tổng thể nhưng lại là “kẻ thù” của răng miệng.
Nước ép trái cây cung cấp nhiều năng lượng, vitamin cho cơ thể nhưng đồng thời cũng rất nhiều đường. Hàm lượng đường hòa tan cao trong nước trái cây là nguyên nhân khiến răng trở nên hư hại và yếu hơn. Các loại trái cây quá chua khi sử dụng làm nước ép cũng làm mất cân bằng môi trường axit trong miệng, phá hủy men răng nhanh hơn bạn tưởng.
Một số người thường dùng ống hút khi uống nước ép trái cây để giảm bớt tác hại đối với răng do tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, dưới góc độ của các nha sĩ thì điều đó là chưa đủ hiệu quả. Tốt nhất là nên uống nước lọc trước và sau khi uống nước ép trái cây, sau đó cần phải đánh răng sau 30 phút sử dụng để ngăn ngừa việc axit làm tổn hại tới răng.
Theo Phụ nữ Việt Nam
* Nguồn: https://phunuvietnam.vn/6-thuc-pham-tot-cho-suc-khoe-tong-the-nhung-lai-an-mon-rang-20230206075800806.htm
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Lời Cảnh Báo: Ngộ độc do tiêm botulinum để làm đẹp - 28/09/2023 11:08
- 6 thực phẩm không nên ăn vào bữa sáng - 17/04/2023 03:40
- 4 biểu hiện của bàn chân 'bắt' ra bệnh mỡ máu cao - 01/03/2023 08:26
- Điều gì xảy ra khi chơi điện thoại trước lúc ngủ? - 24/02/2023 03:17
- Lương y tiết lộ 3 loại rau chính là 'siêu thực phẩm' bổ máu, 'rẻ hơn thịt, bổ hơn thuốc' - 21/02/2023 07:41
Tin cũ hơn
- Thanh lọc cơ thể bằng trà xanh, nước dừa - 03/02/2023 09:15
- Phòng khám Tuệ Phúc Đường: Chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp đông y, vật lý trị liệu - 09/01/2023 02:46
- Lương Hòa – Minh Đăng: khi hai ta về một nhà – cả thế giới mở ra - 08/01/2023 03:16
- 7 lời khuyên của chuyên gia để giảm nhanh mỡ bụng - 29/12/2022 06:51
- 6 điều kiêng kị trước và sau khi ăn tối - 28/12/2022 07:15