Tập vừa sức và đúng thời điểm
Một lần đến thăm cháu, một số người thân trong gia đình chồng chị B. đã mắng té tát khi thấy chị tập yoga tại nhà. Họ kiểm tra khẩu phần ăn của B, trách móc rằng bà mẹ sau sinh phải ăn như 2 người mới có sữa cho con, chị ăn như người bình thường là vô trách nhiệm. Việc chị B. tập thể dục cũng bị “lên án” bởi người nhà cho rằng phụ nữ mới sinh con mấy tháng mà đã cố làm ốm lại thì cũng ảnh hưởng đến việc cho con bú. Cuối cùng, cả nhà phải dắt díu nhau đi tìm vị bác sĩ (BS) từng theo dõi thai kỳ cho chị B.
Đăng ký khám bệnh tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM), cho biết việc lấy lại vóc dáng sau sinh quả là mối quan tâm của khá nhiều sản phụ. Lời khuyên đầu tiên cho họ là nên kiên nhẫn và không nóng vội vì đó là cả một quá trình. Hơn nữa, không chỉ lo vóc dáng bên ngoài, người phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động hợp lý… để phục hồi sức khỏe tổng thể, đó mới là điều cốt yếu.
Theo BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, cái “mốc” để phụ nữ có thể bắt đầu lại các bài tập thể dục là 6 tuần sau sinh, tức khi đã kết thúc thời kỳ hậu sản. Tuy nhiên, không nên tập luyện quá độ mà chỉ tập nhẹ, phù hợp với sức khỏe tổng thể, nhất là những người đã gặp các “trục trặc” trong thai kỳ hoặc sinh nở. Việc tập luyện quá độ vì muốn mau lấy lại vóc dáng có thể dẫn đến nguy cơ mất sữa, tương tự người phải lao động quá nặng. Về các môn thể thao, chị em có thể bắt đầu chơi lại sau vài tháng. Chẳng hạn, có thể bơi lội lại sau khoảng 3 tháng, các môn nặng hơn thì sau khoảng 6 tháng…
Hãy hỏi bác sĩ
Hiện nay, tại khoa sản của nhiều BV, trung tâm y tế… có hẳn một đơn vị hướng dẫn chị em luyện tập trước và sau sinh. Trong đó, khá nhiều động tác thể dục đơn giản mà phụ nữ sau sinh có thể tự luyện tập tại nhà để sớm lấy lại sức khỏe, độ săn chắc của cơ thể lẫn vóc dáng như trước khi mang thai.
“Tùy vào thời điểm, thai phụ sẽ được hướng dẫn những bài tập tác động đến các phần cơ thể phù hợp. Ví dụ, các động tác ngóc đầu ngồi dậy từ tư thế nằm, động tác co cơ âm đạo… có thể tập vào ngày 15, 16 sau sinh. Một số động tác khác giúp giảm đau vùng thắt lưng, làm săn chắc cơ lưng, cơ bụng… có thể tập sau 6 tuần. Các động tác do những đơn vị y tế cung cấp cho bà mẹ sau sinh này nhằm giúp họ hồi phục nhanh thể lực và tuần hoàn máu, thúc đẩy sự co hồi của tử cung và cơ tầng sinh môn, làm giảm đau mỏi, phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa hay gặp, làm săn chắc lại cơ bụng…” - bà Trần Tú Hằng, nữ hộ sinh trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết.
Nhiều bà mẹ sau sinh khác thì băn khoăn về chế độ dinh dưỡng. Quan niệm “ăn cho 2 người” để có sữa trước đây đã bị nhiều BS chuyên khoa bác bỏ vì việc béo phì sau sinh sẽ gây hại nhiều mặt cho phụ nữ, nhất là những người vốn tăng cân quá mức khi mang thai. Tuy nhiên, một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng cho bà mẹ đang cho con bú và cần phục hồi sau sinh là rất cần thiết.
“Không nên “ăn cho 2 người” nhưng tuyệt đối cũng không được ăn kiêng, ăn thiếu chất. Chế độ ăn ra sao sẽ tùy thuộc vào chỉ số cơ thể (BMI) của bà mẹ, người quá cân có chế độ khác, người gầy yếu có chế độ khác. Nếu băn khoăn về vấn đề này, tốt nhất sản phụ nên nhờ sự tư vấn của BS sản khoa ngay sau sinh” - BS Hải khuyến cáo.
Nuôi con bằng sữa mẹ, lợi cả đôi đường
Phụ nữ thường được khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ, tốt nhất là hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cố gắng duy trì cho đến khi trẻ 18 tháng vì nhiều lý do có lợi cho sự phát triển, hệ miễn dịch và nhiều yếu tố khác ở em bé. Tuy nhiên, ít ai biết việc làm này lại rất hữu ích cho các bà mẹ có nhu cầu lấy lại vóc dáng thon gọn sau sinh. “Cho trẻ bú mẹ là cách để các bà mẹ giải phóng năng lượng rất hiệu quả. Theo các nghiên cứu, việc cho con bú giúp mẹ đốt cháy lượng calo tương đương với một người lao động nặng. Vì vậy, những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có cơ hội lấy lại vóc dáng ban đầu dễ dàng hơn” - BS Trần Ngọc Hải lưu ý.