VTV thoái vốn khỏi K+ vì thua lỗ
- Được viết ngày Thứ tư, 20 Tháng 4 2016 14:30
Theo VTV, kết quả kinh doanh năm 2016 của Đài truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) sẽ lỗ hơn 260 tỷ đồng, đến năm 2017 sẽ lỗ khoảng 120 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) – ông Nguyễn Thành Lương vừa có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình tổ chức hoạt động quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+).
Theo đó, vốn hoạt động chủ yếu của VSTV là vốn vay (66 triệu USD/86 triệu USD), chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư nên chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn nhất là trong bối cảnh tỷ giá USD biến động mạnh theo hướng bất lợi. Hiện chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỷ đồng.
Liên tục lỗ trong 6 năm
K+ liên tục thua lỗ trong 6 năm qua? (Ảnh: ICTNews)
Về thực tế hoạt động của VSTV, theo VTV, K+ liên tục chịu lỗ trong suốt 6 năm qua. Năm 2009, số lỗ trước lãi vay là 59,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 154-400 tỷ đồng những năm sau đó (nếu tính sau lãi vay, con số này dao động trong khoảng 59,5-453 tỷ mỗi năm).
Riêng năm 2015, dù tuyên bố vào giữa năm đã đạt điểm hòa vốn, song kết thúc năm tài chính, K+ vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Đến hết năm, lỗ lũy kế của K+ là gần 2.000 tỷ đồng.
Theo nhà đài, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ của K+.
Thứ nhất là thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới và mạnh về hạ tầng kỹ thuật, tài chính như Viettel, MobiFone, FPT.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này “thiếu lành mạnh, vi phạm bản quyền phổ biến, sức mua của người dân giảm mạnh” do tác động của nền kinh tế, tâm lý giá rẻ và miễn phí ăn sâu… cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của K+.
Về nguyên nhân chủ quan, VTV cũng cho rằng chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động kinh doanh chưa linh hoạt, nhạy bén để kịp thay đổi, dẫn đến để mất thị phần vào tay các đối thủ khác.
Cũng theo lãnh đạo VTV, công tác quản lý điều hành của VSTV phụ thuộc hoàn toàn vào phía CO theo cam kết hợp tác, nên Đài truyền hình Việt Nam không có vai trò điều hành trong công ty.
2016 VSTV sẽ tiếp tục lao dốc?
Bản quyền Ngoại hạng Anh - lối thoát duy nhất cho K+?
Báo cáo của VTV nêu rõ, từ năm 2016, CO đề xuất thay đổi chiến lược kinh doanh của K+ theo hướng giảm giá thuê bao còn 125.000 đồng một tháng. Bên cạnh đó, ngoài tiền thu từ thuê bao, K+ sẽ tìm thêm nguồn thu từ quảng cáo và các nguồn thu khác.
Tuy nhiên, theo dự đoán của lãnh đạo VTV, năm 2016, K+ vẫn lỗ khoảng 12 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) và 2017 lỗ 120 tỷ đồng.
Nguyên nhân là việc thay đổi giá (một gói thuê bao giá thấp) ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, chi phí tài chính cao (chi phí lãi vay và tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh) do kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay; đầu tư nội dung để đối phó với nhiều đối thủ cạnh tranh…
Thậm chí, theo các báo cáo kết quả khảo sát và tính toán của phía đối tác CO, các phương án kinh doanh khác đều xấu hơn (hoặc phá sản ngay hoặc kéo dài thời gian lỗ mà không có điểm dừng). Tương lai của K+ cũng rất khó khăn trước khoản lỗ lũy kế và nợ vay quá cao.
“Nếu duy trì tình trạng hiện tại, VSTV sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới kể cả khi đạt lợi nhuận vì phải trả lãi vay”, nhà đài nhận định.
Thoái vốn để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, giảm lỗ?
Bàn về các giải pháp nhằm tránh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại với phần vốn nhà nước tại VSTV, lãnh đạo VTV cho rằng, VSTV nên phủ sóng vệ tinh miễn phí các kênh truyền hình thiết yếu quốc gia của VTV đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tăng rating trên hệ thống DTH.
Về phần mình, VTV sẽ thực hiện đàm phán với CO về thỏa thuận hợp đồng liên doanh và điều lệ công ty chưa phù hợp.
Cùng với đó, Đài truyền hình Việt Nam chỉ đạo người đại diện của VTV thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ tại K+, tích cực tìm giải pháp tăng thu, giảm chi phí, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và giảm lỗ.
“Trong trường hợp áp dụng mọi giải pháp vẫn không đạt được các mục tiêu, VTV đề nghị thoái vốn Nhà nước tại K+, trình Thủ tướng xem xét”, báo cáo nêu rõ.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thành Lương cho biết, VTV đang xin chủ trương xin Chính phủ rút 26% vốn khỏi K+, chỉ giữ lại 25%. Mức này đảm bảo VTV bảo toàn được vốn góp để trả lại cho nhà nước, và vẫn duy trì phần vốn trong K+, duy trì khả năng thu lợi nhuận. Trong trường hợp được Chính phủ chấp thuận, công ty sẽ phải thuê 1 đơn vị độc lập đánh giá lại giá trị để bán ra ngoài.
Trước đó, thông tin VTV sẽ bán vốn tại K+ đã được ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV cho biết tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Truyền hình cáp Việt Nam VTVcab hồi giữa tháng 9/2015, cùng với quá trình cổ phần hóa ở VTVcab và SCTV. Sau khi thoái vốn VTV chỉ nắm quyền quản lý các đơn vị, bao gồm K+ về mặt nội dung theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Bình Minh, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ triển khai đến hết năm 2016. Hiện nay, VTV đã bắt đầu thực hiện cổ phần hóa với VTVcab, và SCTV. Lộ trình thoái vốn của VTV tại K+ chưa được thông báo cụ thể.
Trong khi đó, báo cáo gửi Bộ Thông tin & Truyền thông về kế hoạch kinh doanh của K+ cũng cho biết, nếu không đàm phán được để mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh, đơn vị này sẽ lỗ nặng vì khó cạnh tranh được với các đơn vị truyền hình trả tiền khác.
Hiện đại diện K+ vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước phân tích trên của nhà đài VTV. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm ngoái, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Truyền hình số vệ tinh K+ từng tuyên bố, K+ đạt điểm hòa vốn sau hơn 5 năm hoạt động, trong khi theo thông lệ thế giới với một đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền thì thời gian đạt điểm hòa vốn phải từ 7 đến 10 năm.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Lai Châu lấy đâu ra 8.000 tỷ để xây sân bay? - 25/04/2016 09:33
- Hành trình mắc nợ của công ty bầu Đức - 25/04/2016 04:30
- Murad được vinh danh 'Thương hiệu vàng thế kỷ 21' - 23/04/2016 05:44
- Khách hàng điên đầu với chính sách đổi trả sản phẩm - 22/04/2016 07:33
- Ai là người đại diện 30% vốn Nhà nước tại BIDV? - 22/04/2016 05:05
Tin cũ hơn
- Thu tiền tỷ mỗi năm từ trồng cây atiso - 20/04/2016 02:48
- Ông lớn dầu khí Nhật sẽ bán lẻ xăng ở Việt Nam - 19/04/2016 08:24
- Người mua vàng bị móc túi - 19/04/2016 07:28
- Gạo Việt rồi chỉ bán được cho người nghèo? - 18/04/2016 02:22
- Khu du lịch Mộc Châu: Lộn xộn trong khâu quản lý xây dựng - 15/04/2016 08:21