• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khu du lịch Mộc Châu: Lộn xộn trong khâu quản lý xây dựng

Sau hơn một năm công bố quy hoạch, tình trạng tranh chấp đất đai, xây dựng không phép, đào núi, lấp hồ phá vỡ cảnh quan môi trường tại đây đang diễn ra phức tạp.

Ngày 12/11/2014, Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Đào núi, lấn đường

Ông Phạm Đăng Loan (trưởng xóm 7, tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu) cho biết, gia đình ông về định cư, làm ăn sinh sống ở km73 từ năm 1993. Ban đầu chỉ có hơn mười hộ dân đến đây làm nghề rừng, trồng rau, chăn nuôi.

Nhưng khoảng hai năm trở lại đây, dọc tuyến quốc lộ số 6 khu vực km73, gần 100 hộ dân từ các nơi kéo về mua đất, dựng nhà, xây dựng công trình, cát bụi bay mịt mù.

Tình trạng đào núi phá vỡ cảnh quan môi trường, vi phạm hành lang an toàn giao thông, xây nhà không phép mạnh ai nấy làm diễn ra dẫn đến việc hàng chục ngôi nhà kiên cố hai, ba tầng xây dựng dọc quốc lộ số 6.

Chỉ khi các công trình xây dựng trái phép khiến cho lòng suối bị lấn, lũ ngập tràn vào nhà dân, các cơ quan chức năng của huyện mới đến lập biên bản, phạt hành chính.

Lon xon trong quan ly xay dung o khu du lich Moc Chau hinh anh 1

Đào núi, lấn đường phá vỡ cảnh quan tại dốc Ba Con Chín, thị trấn nông trường Mộc Châu.

Ngày 11/11/2015, bà Quách Thị Trụ và 15 hộ dân có nhà và đất ở km73 làm đơn kiến nghị gửi UBND huyện Mộc Châu xử lý doanh nghiệp Thường Hạt và nhà nghỉ Nhiệt Đới xây dựng lấn suối, vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây mất trật tự trong khu vực.

Doanh nghiệp Thường Hạt đề nghị cấp giấy phép xây dựng bãi đỗ xe tĩnh, đón khách tham quan nhưng lại xây nhà nghỉ. Sở Xây dựng tỉnh Sơn La đã ra quyết định rút giấy phép, nhưng UBND huyện Mộc Châu không phối hợp công tác quản lý xây dựng trên địa bàn. Cơ quan chức năng của huyện cho rằng, cấp giấy phép xây dựng đối với doanh nghiệp do tỉnh thực hiện, cho nên trường hợp nêu trên huyện không sai.

Trong lúc các cơ quan chức năng đổ lỗi cho nhau thì mới đây, doanh nghiệp này lại tiếp tục xây dựng nhà khung sắt lấn ra hành lang giao thông, gây mất mỹ quan ngay cửa ngõ vào thị trấn Mộc Châu.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến khúc cua dốc Ba Con Chín, phía trên khu khách sạn du lịch Công Đoàn, thuộc sự quản lý của thị trấn Nông trường Mộc Châu. Con đường với những vòng cua nối nhau, một bên là khu dân cư, một bên hướng ra đồng cỏ, đồi chè, gắn với cảnh sắc thiên nhiên đẹp là thế, nay hai bên đường bị người dân lấn chiếm, đào núi, dựng nhà không cần giấy phép, không theo trật tự quy hoạch.

Khúc cua ở đỉnh dốc Ba Con Chín, trên đoạn đường dài hơn 100 m bị đào bới, xẻ đất đá nham nhở. Cách đó chừng 2 km, từ nhà nghỉ Trường Giang ngược về phía TP Sơn La, hai bên bờ núi từ nhiều năm nay người dân khoan đá, kè đường xây dựng nhà cửa rất lộn xộn.

Những vụ việc nêu trên chỉ là thí dụ rất nhỏ trong hàng chục điểm nóng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, đào núi, lấn chiếm hành lang giao thông đang diễn ra ở khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Cần đối thoại giữa chính quyền và người dân

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chúng tôi được biết, UBND huyện Mộc Châu đã giải quyết thiếu kiên quyết và buông lỏng quản lý. Các cơ quan quản lý của huyện không thực hiện đúng các quy định về quy hoạch, quy trình quản lý, thu hồi đất đai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngày 15/3/2016, UBND huyện Mộc Châu ra Quyết định số 347/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với bà Nguyễn Thị Xuyến, tại tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu.

Trước đó, năm 1996, UBND huyện Mộc Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn rừng cho bà Phan Thị Lệ, tại km73 xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Năm 2004, bà Lệ chuyển nhượng khu đất cho bà Xuyến và một số hộ dân khác.

Năm 2005, UBND huyện Mộc Châu điều chỉnh quy hoạch đã đưa toàn bộ khu đất này vào dự án làm vườn hoa cây xanh, nhưng “quên” không thông qua ý kiến người dân, chưa thực hiện quyết định thu hồi đất, thống kê, đền bù và các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng.

Ngày 5/4/2016, ông Vũ Trọng Điền cùng các hộ dân trong khu đất “quy hoạch” làm vườn hoa tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan của tỉnh Sơn La.

Làm việc với UBND huyện Mộc Châu, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao khi quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư làm vườn hoa, UBND huyện không tổ chức đối thoại, thống kê, bồi thường cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Phạm Đức Chính cho rằng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm vườn rừng của các hộ dân đến nay đã hết hạn, và việc mua bán của người dân không thông qua chính quyền là bất hợp pháp.

Cách đặt vấn đề và trả lời của Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu như vậy là chưa thỏa đáng. Khu đất 3.500 m2 tại km73 huyện Mộc Châu 20 năm trước chỉ là vườn rừng không có giá trị kinh tế đáng kể, nhưng nay giá trị khu đất tăng lên hàng chục tỷ đồng.

Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp giữa người dân và chính quyền. 15 hộ dân có quyền và nghĩa vụ trên khu đất đó đã chấp hành ý kiến của huyện nên chưa xây dựng công trình kiên cố thì bị đưa vào quy hoạch. Trong khi một loạt khu đất liền kề của hàng chục hộ dân khác xây dựng nhà kiên cố không có giấy phép thì dường như được chính quyền “làm ngơ” chưa bị xử lý.

Chính việc giải quyết không công bằng, thiếu dân chủ, chưa thấu tình đạt lý của UBND huyện Mộc Châu đang gây ra những căng thẳng, tranh chấp đất đai ở khu vực km73 thị trấn Mộc Châu.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND huyện Mộc Châu cần sớm chấn chỉnh lại công tác quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý đô thị.

Kiên quyết xử lý những hộ dân cố tình vi phạm đào núi phá vỡ cảnh quan môi trường, tránh để xảy ra “sự đã rồi” mới giải quyết hậu quả. UBND huyện Mộc Châu cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, thực hiện các quy định, quy trình quy hoạch theo Luật Xây dựng.

 http://nhandan.com.vn/xahoi/item/29307902-lon-xon-trong-quan-ly-xay-dung-o-khu-du-lich-quoc-gia-moc-chau.html

Theo Nhân Dân