Quản Uber, Grab như taxi truyền thống?
- Được viết ngày Thứ năm, 29 Tháng 6 2017 10:53
Bộ GTVT để ngỏ khả năng cho phép Hà Nội, TP.HCM dừng thí điểm với xe hợp đồng điện tử như Uber và Grab, cũng như khống chế số lượng xe.
Tuy nhiên, tranh cãi việc Uber, Grab có nên được quản lý chặt như taxi hay không vẫn chưa được chốt lại.
Taxi truyền thống “chết” vì cơ quan quản lý
Sáng 28.6, cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống và Uber, Grab tại Bộ GTVT đã biến thành cuộc tranh cãi kịch liệt. Lo ngại xung đột giữa 2 loạihình taxi truyền thống và taxi công nghệ nếu không sớm được tháo gỡ sẽ gây hậu quả, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho rằng: “Taxi có thể thua lỗ phá sản, nguyên nhân không vì Grab, Uber mà “chết” vì chính sách của nhà nước nếu không kịp thay đổi”. Ông Hỷ cũng cho rằng Bộ GTVT đang gọi chung là xe hợp đồng điện tử, nhưng phải nhận diện rõ bản chất của Uber và Grab tại VN là gì; mới chỉ cho thí điểm thì vì sao số lượng xe phát triển không có điểm dừng, làm sao bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa 2 loại hình taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử?
Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban Thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội, dẫn ra số liệu chỉ sau 17 tháng hoạt động thí điểm, xe hợp đồng điện tử đã lên tới gần 40.000 xe, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, gấp rưỡi số lượng xe mà taxi truyền thống phát triển suốt 30 năm qua. “Taxi truyền thống và taxi công nghệ tuy có những điểm khác về mặt hình thức, nhưng bản chất hoạt động, mô hình kinh doanh giống nhau, phải chung quy định quản lý như nhau”, ông Long nói.
Đại diện một số DN taxi cũng “tố” Uber, Grab không tuân thủ pháp luật khi Bộ GTVT đã có công văn không đồng ý nhưng Grab vẫn triển khai dịch vụ Grabshare. Bên cạnh đó, taxi truyền thống chịu 13 điều kiện quy định như “vòng kim cô” thì Uber, Grab lại được thả lỏng.
Trước những cáo buộc của DN taxi truyền thống, đại diện của Grabtaxi và Uber VN phản pháo, khẳng định kinh doanh đúng pháp luật VN, nhưng từ chối cung cấp số lượng chính xác xe đang hoạt động với lý do bí mật kinh doanh. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc GrabTaxi, cho rằng: “Chúng tôi làm gì cũng bị phàn nàn, khuyến mãi giá thấp cũng bị kêu, nhân giờ cao điểm cũng bị kêu. Đây là chính sách linh hoạt về giá, về tăng thêm thu nhập cho lái xe. Tại sao taxi truyền thống kêu khó khăn nhưng không chuyển sang thí điểm hợp đồng điện tử?”.
Bộ GTVT đẩy quyền quyết về địa phương
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng đang có nhiều bất cập quản lý số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử và đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội tạm dừng thí điểm đối với DN mới và khống chế số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Theo ông Quang, quan điểm của Hà Nội là quản lý xe hợp đồng điện tử Uber, Grab… quy về hoạt động như xe taxi.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đang cùng các sở ngành tham mưu TP có quyết định về việc thí điểm Uber hay không. Ông này cho rằng phải nhận diện rõ Grab, Uber là taxi kiểu mới hay hợp đồng điện tử để có hình thức quản lý, điều tiết và đề xuất nên định hướng Grab, Uber như taxi công nghệ. Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng thì bức xúc: “Lý do tại sao Đà Nẵng không đồng ý cấp phép nhưng vẫn có 1.000 xe Grab chạy tại TP này, Grab vi phạm pháp luật sao không bị xử lý?”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ chỉ đưa ra chủ trương thí điểm xe hợp đồng điện tử, việc dừng thí điểm hay khống chế số lượng xe thí điểm, các địa phương phải tự quyết, vì Bộ đã ủy quyền, không cần xin ý kiến của Bộ nữa. Theo ông Trường, các tỉnh, TP căn cứ vào QĐ 24 của Bộ GTVT về thí điểm loại hình này để làm hết chức trách, không đổ lỗi cho Bộ GTVT hay các bộ ngành khác trong việc này. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Công ty TNHH Grabtaxi và Uber VN tham mưu cho công ty mẹ thực hiện đúng pháp luật VN, không làm loạn thị trường.
“Về Grabshare, tôi đã phải ký văn bản hỏa tốc mà vẫn khai trương tưng bừng là vi phạm pháp luật. Tôi làm việc với đại diện Uber, Grab người nước ngoài rất coi trọng pháp luật VN, nhưng các anh là người VN mà không tôn trọng luật VN, sẽ phải xử lý nghiêm”, ông Trường nói. Về phía taxi truyền thống, Bộ sẽ xem xét 13 điều kiện ràng buộc có phải gỡ bỏ không, để tạo bình đẳng. Ông Trường cũng yêu cầu taxi công nghệ phải công khai số lượng phương tiện, để cơ quan quản lý có giải pháp và đưa ra lộ trình phát triển số lượng theo hạ tầng.
Lỗ do chi phí lớn, bộ máy cồng kềnh
Tại buổi làm việc, ông Trường cũng nhắn nhủ, taxi truyền thống phải hiểu khi Uber, Grab đã giảm giá rất nhiều mà vẫn có lãi, thì giá taxi đang có vấn đề. Lỗ là do chi phí quá lớn, bộ máy cồng kềnh. Taxi các nước lịch sự, sạch sẽ, có điểm dừng đỗ, hành khách phải xếp hàng chờ đến lượt lên. Taxi truyền thống ở nước ta làm được thế thì taxi công nghệ cũng khó vào. Thay vì tìm lỗi người khác, sao không tăng chất lượng dịch vụ của mình.
Theo Thanh Niên
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Điều hấp dẫn nhất của KOTF2017 - 06/07/2017 05:01
- Top 25 nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới cho sinh viên mới tốt nghiệp - 04/07/2017 09:40
- 5 năm và 3 'đế chế' ở Sacombank - 02/07/2017 03:52
- EVN được tự quyết tăng giá điện từ 3% đến dưới 5% - 01/07/2017 04:23
- Điều kiện kinh doanh 'giết' doanh nghiệp - 01/07/2017 03:52
Tin cũ hơn
- Đưa 'núi' tiền từ 500 dự án 'trùm mền' vào thị trường - 28/06/2017 09:53
- 'Leader Talk' vai trò gắn kết: gia đình - nhà trường - doanh nghiệp - 27/06/2017 05:08
- Vị thế thống trị của Apple Apple iPhone iPhone 8 Apple là số 1 Apple thống trị smartphone - 26/06/2017 09:00
- Leader talk 'chiến lược cho thế hệ kế thừa' - 23/06/2017 01:49
- Bỏ việc ra làm riêng? Chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ, bạn cần nhiều yếu tố khác nữa - 22/06/2017 02:43