Chàng trai bỏ thu nhập hằng tháng hơn 30 triệu để được làm sinh viên
- Được viết ngày Thứ sáu, 27 Tháng 5 2016 16:37
Đang có mức thu nhập hằng tháng hơn 30 triệu và việc làm ổn định, tuy nhiên, chàng trai ấy đã quyết định tạm gác và hi sinh nhiều thứ để được đi học, trở thành sinh viên theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, tương lai của bản thân.
Đó là trường hợp hi hữu của Trương Quốc Phong - chàng sinh viên năm 2, khoa Kinh tế - quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. 34 tuổi, vẫn đều đặn đi học cùng lúc 2 trường phấn đấu cho mục tiêu sự nghiệp.
Trương Quốc Phong
- Thường thì người ta chỉ hay chọn đi học thay cho làm việc khi bị thất nghiệp hoặc không suôn sẻ trên con đường tìm kiếm việc làm. Anh đang có những cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tốt, tại sao lại quyết định nghỉ ngang như vậy để đi học?
Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy và họ cũng không tin rằng tôi lại dám lựa chọn và đánh đổi như thế. Thực sự, ngay cả người sếp nơi tôi làm việc trước đây cũng cảm thấy bất ngờ và người sếp ấy đã dành cho tôi rất nhiều lời khuyên, chia sẻ cũng như phân tích cho tôi thấy những điều được - mất khi chọn quyết định này. Dĩ nhiên, cuối cùng thì tôi cũng thuyết phục được người sếp của tôi đồng ý và ủng hộ tôi tiếp tục hành trình hoàn tất sự học theo mơ ước và định hướng từ nhiều năm trước đó của tôi. Phải nói rằng tôi làm việc gì hay ra quyết định nào cũng có kế hoạch rất rõ ràng từ trước do tính tôi rất hay lo xa và cẩn thận. Tôi thường hay đặt ra những mục tiêu cá nhân gần và xa để thực hiện và một khi có mục tiêu rồi thì tôi hoàn toàn yên tâm cũng như kiên định lựa chọn nó.
- Mức thu nhập hằng tháng hơn 30 triệu mà anh hi sinh để đi học là có thật?
(Cười) Bản thân tôi ít khi muốn đề cập hay nói nhiều về chuyện tiền lương hay tiền bạc nhưng bạn đã thắc mắc và hỏi rồi thì tôi sẽ trả lời luôn cho một lần. Tôi phải thú thật với bạn rằng, nghề báo là một nghề khá đặc biệt và không phải ai sinh ra cũng may mắn có năng khiếu và đủ trí tuệ để trở thành là một trong những người thuộc vào quyền lực thứ 4 đó (báo chí là quyền lực thứ 4 sau tam quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp). Và dĩ nhiên, vì nó là một nghề nghiệp đặc biệt, bán trí tuệ, tâm huyết, chất xám và sức khỏe nên nó cũng được trả mức thù lao tương xứng nên ở một mặt nào đó có thể nói, báo chí là một nghề nghiệp có mức lương vào loại trung bình khá, hơn hẳn nhiều nghề nghiệp khác trong xã hội. Bản thân tôi ngay từ nhỏ đã có những nỗ lực cố gắng nên ngay khi chưa ra trường tôi đã có thể kiếm được tiền từ công việc viết lách này và vì nhanh nhạy nên tôi có thể viết rất khỏe, rất nhiều và rất nhanh. Lực viết tốt nên tôi cũng có mức thu nhập kha khá từ nhuận bút và khoản lương cứng mà tòa soạn, đơn vị tuyển tôi trả lương. Có thể nói chính nghề này đã thay đổi cuộc đời và số phận của tôi, từ một cậu bé nhà quê sinh ra trong một gia đình gặp nhiều khó khăn, suốt ngày chỉ biết đồng ruộng thoát khỏi lũy tre làng để đi tìm tri thức cho mình. Cũng chính nghề này đã nuôi sống tôi và gia đình tôi, giúp người thân của tôi vượt qua khó khăn. Bản thân tôi, cho tới thời điểm này vẫn là trụ cột chăm lo cho gia đình nên nếu không nhờ có nghề báo này không biết cuộc đời của tôi sẽ trôi về đâu nữa.
Trương Quốc Phong & Ca sĩ Hoàng Hải
Ai từng tiếp xúc hay làm việc với tôi hoặc chứng kiến cảnh tôi làm việc thì có lẽ họ cũng sẽ rất bất ngờ bởi vì tôi làm việc gần như 24/24 và rất ít khi tôi để cho quỹ thời gian của mình bị trống. Có thể là do tôi tham việc hoặc cũng có thể là tôi có nhiều áp lực về cuộc sống, cần phải làm việc thật nhiều để kiếm tiền tự chăm cho lo cho bản thân mình, cho người thân trong gia đình. Thời sung sức nhất của tôi, tôi chỉ ngủ được khoảng 4 - 5 tiếng/ngày. Cá biệt, có thời điểm khi nhận show bên ngoài như tổ chức sự kiện, quản lý nhân sự sự kiện... thì tôi ngủ rất ít. Bạn cứ hình dung như thế này, ban ngày khi các thí sinh của một cuộc thi tham gia các hoạt động thì tôi cũng như bao người, vừa vác máy ảnh đi chụp các hoạt động vừa giám sát các em nhỏ trong nhóm quản lý thí sinh để điều hành các em làm việc cho tốt và khi mọi người ăn uống hay nghỉ ngơi thì tôi lại tranh thủ mang laptop ra làm việc. Buổi tối 9 - 10h khi mọi người đi ngủ thì tôi sẽ thức khuya hơn họ, có khi là 1 hoặc 2 giờ sáng để ngồi hoàn thành nốt phần công việc nhiều “job” mà tôi đảm nhận. Dĩ nhiên, sau đó khi 6h sáng mọi người lên xe tham gia các hoạt động của ngày mới thì tôi cũng đã sẵn sàng bắt đầu cho một ngày như mọi người.
Trương Quốc Phong trong một buổi talkshow
Tôi làm việc nhanh, tập trung và hiệu quả. Một phần là do tôi luôn làm việc theo kế hoạch và sự logic vốn có của một dân chuyên Toán đã giúp tôi sắp xếp một cách khoa học để có thể đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Dĩ nhiên, tôi cũng không chối bỏ là bản thân mình quá may mắn khi luôn nhận được sự hậu thuẫn và hỗ trợ về công việc khi cần thiết của các anh chị em và bạn bè đồng nghiệp trong nghề. Chính những mối quan hệ thuận lợi, nhiều người hỗ trợ nên tôi có thể làm việc rất nhanh và năng suất, hiệu quả công việc cao hơn thông thường. Có lẽ cũng vì điều này mà tôi luôn được trả lương cao hơn mọi người dù bằng cấp hay chứng chỉ của tôi chẳng có gì nhiều hơn mọi người để có thể mang ra khoe hay cảm thấy tự hào.
- Nhưng bỏ hết tất cả để đi học là một điều không tưởng vì bạn vẫn phải sống, trang trải, đó là chưa kể học phí hiện nay cũng khá đắt đỏ. Bạn lấy tiền ở đâu ra để nuôi cho việc học chính quy 4 năm dài?
Tôi luôn có sự chuẩn bị và dĩ nhiên, tôi vẫn phải liên tục làm việc để tự chăm lo cho mình. Mặc dù với hoàn cảnh đặc biệt, nhất là tự lập và chăm nuôi cha mẹ già ngoài tuổi lao động, tôi rất có khả năng được miễn giảm học phí theo chế độ nhưng tôi chưa bao giờ có ý định sẽ xin xỏ để được điều này. Tôi quan niệm, bản thân mình còn có thể lao động, còn có thể cố gắng để hoàn thành mục tiêu, đam mê của mình thì vẫn cứ phải cố gắng, không nên trông chờ vào những gì người khác sẽ ban phát. Học bổng hay miễn giảm rất cần thiết cho những sinh viên vượt khó nhưng bản thân tôi, tôi nghĩ mình có thể vượt khó và đối diện với những thử thách của cuộc sống. Thời gian để làm các thủ tục hay chờ đợi tôi có thể dùng nó cho việc cày cuốc để kiếm tiền ngoài xã hội để chăm lo cho học phí và bản thân. Hiện tại, tiếng là không làm việc ký hợp đồng dài hạn chính thức cho một cơ quan hay đơn vị nào nhưng tôi luôn có những hợp đồng công việc ngắn hạn và vẫn phải chạy nhiều job ngoài thời gian lên lớp học. Ở thành phố này mọi thứ đều đắt đỏ và lịch học chính quy thì gần như liên tục nên tôi càng phải nghĩ cách làm việc sao cho hiệu quả nhất. Cũng may sau nhiều năm đi làm và rút ra kinh nghiệm tôi đã biết cách buông bỏ những gì không cần thiết và nắm bắt những cơ hội. Trước đây khi chưa có kinh nghiệm tôi luôn bị loay hoay và lúc nào cũng rơi vào trạng thái ôm đồm. Còn hiện tại, ngoài việc viết lách để có lương và nhuận bút (dù nó không thể nào cao và bảo đảm như trước) thì tôi còn tổ chức sự kiện, làm truyền thông, tổ chức chụp ảnh, xây dựng hình ảnh cá nhân cho người khác để có thêm thu nhập. Hiện tại, ngoài thời gian học thì tôi làm ăn lương 4 job cùng một lúc nên mọi thứ vẫn ổn và rất tốt, ít ra là cho đến thời điểm này.
- Bạn vừa nhắc đến chuyện ôm đồm và buông bỏ. Tôi có thắc mắc là vì sao bạn không chọn làm 1 job to (dĩ nhiên là mức lương sẽ cao) mà lại chọn nhiều job nho nhỏ như thế?
(Cười) Nói là job nhỏ chứ thực tế mà mức lương 1 job tôi nhận không hề thấp hơn lương tháng của một sinh viên mới ra trường. Hôm trước tôi có tham dự những hội hội thảo nghề nghiệp dành cho sinh viên sắp ra trường tôi mới biết rằng có nhiều bạn chỉ mơ ước học xong ra trường kiếm được công việc với mức lương khởi điểm khoảng 7 - 8 triệu là đủ hạnh phúc, còn phần đông chỉ mong thu nhập cơ bản mức lương hằng tháng chỉ khoảng ở mức 4 đến 5 triệu mà thôi. Tôi thấy hơi xót và đặt ra phép tính, vậy với những trường hợp đầu tư học mất khoảng 100 triệu/năm thì sau 4 năm ra trường nếu chỉ kiếm được lương 4 triệu/tháng thì bao giờ mới thu hồi được vốn? Tôi không nghĩ là các doanh nghiệp hiện nay đang bóc lột sức lao động của nhân viên, nhất là sinh viên mới ra trường mà suy nghĩ rằng, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp, chuẩn bị nghề nghiệp và hoạch định tương lai của nhiều bạn có vấn đề. Các bạn chọn học đại học như một cứu cánh, để có một tấm bằng, để lấp chỗ trống cho những năm học xong phổ thông trung học thì không biết làm gì tiếp theo. Như vậy liệu có phải là một sự uổng phí quá lớn. Đó là chưa kể, nhiều bạn đi học với tâm thế vật vờ, đến trường không phải để tiếp thu kiến thức và thay đổi bản thân thì rõ ràng đó là một sự lãng phí quá lớn cho gia đình và cả cho xã hội.
Trương Quốc Phong & đồng nghiệp
Tôi chọn sống cho cảm xúc, đam mê nhưng tôi luôn có những mục tiêu, định hướng cho bản thân. Tôi chọn làm nhiều job cùng lúc vì thực sự không có nhiều job lớn theo mong muốn của tôi mà họ sẵn sàng trả lương cao như con số tôi chờ đợi và đề nghị bởi tôi liên tục bị vướng lịch học, không dành quá nhiều thời gian cho công việc được. Tôi làm nhiều job nhỏ thuận với thế mạnh của mình, dựa trên mối quan hệ tốt mình đang có để bản thân có thể làm tốt nhất cho người thuê mình làm và dĩ nhiên, năng nhặt thì chặt bị. Tôi không có nhiều sự lựa chọn khác trong thời điểm này và cũng có thể là trong quãng thời gian trong 2 năm tới nữa khi tôi chưa hoàn tất được hết bằng cấp và việc học.
- Bạn từng chia sẻ không quan trọng chuyện bằng cấp, chỉ quan trọng là lượng kiến thức mà chúng ta dung nạp được theo thời gian. Vậy nay bạn học thêm ngành kinh tế là để có bằng cấp sao?
Tôi từng chứng kiến cảnh nhiều cử nhân ra trường vác đơn đi xin việc nhiều nơi vẫn thất nghiệp và bản thân tôi cũng từng loại bỏ không ít ứng viên có 2 bằng đại học thậm chí là bằng thạc sĩ nhưng vẫn không thể hiện được khao khát, năng lực để làm việc và hoàn thành tốt công việc. Tôi chia sẻ điều này để bạn hiểu rằng tôi nhận ra rằng trong thực tế bằng cấp chỉ đơn giản là tấm vé thông hành, giống như chuyện chúng ta đi xe buýt phải có vé xe buýt, không có vé xe tháng thì chúng ta có thể đưa tiền cho họ để họ trao cho mình tấm vé, cách nào thì chúng ta cũng đến được nơi cần đến. Vấn đề là bạn chọn chuyến xe nào để đi và thậm chí là gắn bó với nó suốt đời. Mọi sự chuẩn bị và chu đáo cho nghề nghiệp và tương lai đều cần thiết và tôi đi học thêm là vì thế. Tôi muốn mình có sự chuẩn bị tốt nhất cho những bước tiến khác như mong muốn ở thì tương lai.
- Một người lớn (tuổi) như bạn vừa đi làm vừa đi học ắt hẳn là có rất nhiều niềm vui phải không?
Điều đó thì chắc chắn rồi vì được đi học là vui lắm. Nó là mơ ước từ nhỏ của tôi và cả gia đình tôi cũng kỳ vọng tôi sẽ học hành đến nơi đến chốn như mơ ước và sống được một cuộc sống đầy cảm xúc. Học ở trường đại học quốc tế Hồng Bàng, vì lớn tuổi nên tôi cũng thường được các giảng viên chú ý đến và tạo điều kiện, giúp đỡ. Các em sinh viên học cùng tôi cũng giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi luôn biết cách hòa đồng, hòa mình với mọi người trong tất cả những hoạt động tập thể để mỗi buổi lên lớp của tôi không cảm thấy buồn và nhàm chán. Vì là sinh viên lớn tuổi trong lớp nên tôi rất khó để trốn học bởi đâu có ai ở tuổi 34 rồi mà còn cắp cặp đi học nghiêm túc lại chọn học chính quy như tôi đâu.
- Còn những chuyện vui khác hay nhầm lẫn bạn là giảng viên thì sao?
(Cười) Chuyện này thì tôi gặp hoài. Có lần khi thấy tôi đi từ cầu thang lên thì nhiều em ở lớp khác xì xầm với nhau tưởng tôi là giảng viên hay giám thị coi thi các em. Cũng có trường hợp tuy học chung trường, chung khóa nhưng gọi tôi bằng chú vì không biết tôi cũng là sinh viên như các bạn. Cũng có nhiều bạn không biết ngoài vai trò sinh viên nơi giảng đường thì tôi đóng rất nhiều vai trò và có vị trí ngoài xã hội nên có nhiều lúc các bạn cảm thấy rất bất ngờ khi thấy tôi ngồi làm giám khảo ở một cuộc thi uy tín nào đó trong khi bạn chỉ là một cán bộ hoặc sinh viên được mời đi cổ vũ cho chương trình đó. Thông thường thì khi học ở trường, những hoạt động nào vui, bổ ích, thiết thực cho tập thể và ý nghĩa cho xã hội tôi mới cổ vũ và tham gia. Tính tôi khá trầm và hay quan sát. Tôi thích những hoạt động và phong trào hiệu quả thôi nên cũng hay lựa chọn và cân nhắc chuyện tham gia.
- Được biết anh rất thích đi phượt và hay xê dịch lắm phải không?
Tôi nghĩ mình chắc phải có rất nhiều... hoa chân nên mới đi dữ như vậy (cười). Từ nhỏ, tôi đã thích phiêu lưu và mạo hiểm rồi nên có lẽ cũng vì vậy mà tôi đã chọn báo chí là nghề đầu tiên để mình dấn thân. Tôi thấy mình còn trẻ, còn nhiều năng lượng và thích một cuộc sống hứng khởi, giàu cảm xúc nên khi cần thì tôi vác ba lô lên và đi thôi. Có một điều mà nếu để ý bạn sẽ thấy mặc dù đi chơi, đi phượt hay du lịch thì sau những trải nghiệm bao giờ tôi cũng có thu hoạch cho chính mình đó là những bài báo. Tôi vừa chơi nhưng vừa học và làm việc. Tôi đã có rất nhiều chuyến đi trong và ngoài nước theo cách đó và tôi thấy mình đúng là người hạnh phúc.
Ý Nhi
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Quế Trân, Thanh Thúy trúng cử đại biểu HĐND TPHCM - 31/05/2016 07:48
- Ca sinh 3 giống hệt nhau hiếm có trên thế giới - 31/05/2016 03:40
- Tăng mức phạt đối với nhiều vi phạm giao thông từ 1/8 - 31/05/2016 03:07
- 'Bàn tay đen' nào đã tung 'hồ sơ Panama làng báo'? - 30/05/2016 03:32
- Mỹ: Đa số người già cũng đã ủng hộ hôn nhân đồng giới - 28/05/2016 03:01
Tin cũ hơn
- Katy Perry đến Việt Nam tham gia dự án từ thiện của UNICEF - 27/05/2016 04:24
- Sau đêm mưa lớn, đường Hà Nội ngập trong 'biển nước' - 25/05/2016 01:45
- Obama: Sông núi nước Nam, vua Nam ở - 24/05/2016 09:04
- TT Obama dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, Vietjet Air mua 100 máy bay Mỹ - 23/05/2016 07:47
- Những món có thể có trong bữa tiệc mời tổng thống Obama - 23/05/2016 07:28