'Bàn tay đen' nào đã tung 'hồ sơ Panama làng báo'?
- Được viết ngày Thứ hai, 30 Tháng 5 2016 10:32
Lộ bảng kê khai nói về việc chi tiền "mua" các báo. Dòng thứ 2 trong bảng này, ngay từ khi công bố đã bị bôi đen và không ai biết đây là tờ báo nào.
Các dòng 1, 3, 4 do PetroTimes chủ động bôi đỏ để tránh ảnh hưởng cho các tờ báo trong bối cảnh vụ việc chưa được xác minh rõ ràng. Cuối bài viết, chúng tôi cũng sẽ trình bày quan điểm vì sao có tên 1 tờ báo bị che mờ trong hồ sơ “Panama làng báo Việt Nam”.
* Việc sản phẩm nước C2 và Rồng đỏ nhiễm chì: Đây là việc của cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý để bảo vệ người tiêu dùng.
* Việc có tin đồn URC đút lót cho các báo, chúng ta cần đợi các cơ quan chức năng làm rõ.
* Chúng tôi chỉ muốn nói về một “bàn tay đen” đang nhân khi doanh nghiệp có bê bối, cố tình đẩy cao thành khủng hoảng để tàn phá doanh nghiệp, từ đó dễ dàng thâu tóm. Họ lôi cả báo chí vào để đẩy quan hệ báo chí – doanh nghiệp về 2 phía đối lập.
Trước tiên, bạn đọc cần hiểu rằng: Thị trường nước giải khát Việt Nam rất màu mỡ, doanh thu khoảng 60.000 tỷ 1 năm. Hiện đang là cuộc cạnh tranh giữa Suntory Pepsico, Tân Hiệp Phát, Coca – Cola, URC, Tribeco, Chương Dương…
Cuộc chiến giành miếng bánh thị phần rất quyết liệt, được ví von theo kiểu “một con ngựa đau cả tàu được thêm cỏ”.
Các công ty Việt Nam thường không đủ nguồn lực và kinh nghiệm để đi “thâu tóm” công ty khác để giành thị phần.
Các liên doanh quốc tế thường giành thị phần của doanh nghiệp Việt Nam bằng cách làm cho doanh nghiệp đó mất giá trị bằng các khủng hoảng. Sau đó mua lại cổ phần.
Khi đã có cổ phần trong doanh nghiệp, vì trường vốn nên các cổ đông nước ngoài này ra các chính sách để chủ động cho hãng thua lỗ nhiều năm liền. Các cổ đông Việt Nam “không chịu nổi nhiệt” và phải bán cổ phần của mình. Lúc này, các cổ đông nước ngoài gom mua và thâu tóm toàn bộ hãng đó.
Đây là cách thâu tóm “kinh điển” mà các hãng giải khát Tribeco, Chương Dương… từng là nạn nhân và đã “bán mình” cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thị phần nước giải khát Việt Nam năm 2012.
Quay lại câu chuyện chúng tôi nghi ngờ có “bàn tay đen” phá hoại thị trường nước giải khát Việt Nam. Doanh nghiệp này tìm cách thâu tóm các công ty nhỏ hơn, để mở rộng thêm miếng bánh thị phần.
Trường hợp của URC có vẻ như đang diễn ra theo đúng kịch bản mà Tân Hiệp Phát mắc phải trước đây.
Việc sản phẩm của URC có chì và phải xử lý, thu hồi là đương nhiên. Nhưng “bàn tay đen” cơ hội này lại một lần nữa xuất hiện, “mang xăng đi cứu hỏa”.
Họ “dập lửa” bằng cách tung “Hồ sơ Panama làng báo” để kích động báo chí. Để các báo muốn chứng minh mình trong sạch thì chỉ còn cách tiếp tục lao vào “đánh” URC.
Chúng tôi tạm gọi doanh nghiệp có thói quen “mang xăng đi cứu hỏa” này là P… Việt Nam.
Ngày 11/10/2015, một lãnh đạo của P… Việt Nam đã viết về công ty mẹ ở nước ngoài một bức thư điện tử xin kinh phí để mua 20.000 chai nước (834 thùng) của đối thủ cạnh tranh.
Lá thư còn nói về việc phải thuê kho bảo quản ở Bắc Ninh, không dùng kho của công ty P… Việt Nam.
Tiền chuyển về thì chuyển thẳng từ công ty mẹ về để thanh toán, mà không dùng tiền của P…Việt Nam.
Đặc biệt là email này lưu ý sản phẩm đối thủ cạnh tranh phải được sản xuất cùng 1 lô, 1 ngày, trong khoảng từ tháng 5 – tháng 8/2015.
Mặc dù được doanh nghiệp này mua về bảo quan trong kho ở Bắc Ninh với lý do “nghiên cứu” nhưng thật ngạc nhiên: Mua nghiên cứu làm sao phải mua đến 20.000 chai, 834 thùng?
Ngạc nhiên hơn là nhiều sản phẩm trong lô hàng 20.000 chai này xuất hiện ở Cà Mau trong tình trạng hỏng, đóng cặn.
Thùng hàng lỗi đầu tiên xuất hiện ngày 16/12/1015, một ngày trước phiên tòa xử Võ Văn Minh.
Các thùng hàng này đều nằm trong thời gian như email đề cập.
Chai nước lỗi đầu tiên đó do một phụ nữ phát hiện. Người này báo tin cho cơ quan chức năng nhưng khi cơ quan chức năng đến thì người này đã… biến mất.
Chắp nối những thông tin trên, có thể hình dung kịch bản: Công ty P đã gom mua 20.000 chai nước Dr Thanh mang ra tận Bắc Ninh bảo quản trong kho ngoài và thực hiện việc phá hoại. Sau đó tuồn vào Cà Mau, tung ra sản phẩm lỗi trước phiên xét xử Võ Văn Minh 1 ngày để tạo dư luận.
Toàn bộ quá trình phá hoại cùng chứng lý đã được tập hợp và gửi trong đơn cầu cứu tới Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) vào tháng 5/2016.
Email của lãnh đạo Công ty P… Việt Nam viết về công ty mẹ xin cấp kinh phí để mua 20.000 sản phẩm của đối thủ. Email gốc bằng tiếng nước ngoài và được chúng tôi lược dịch 1 đoạn như trên. Bức thư bằng tiếng nước ngoài nguyên bản đã được cung cấp cho cơ quan công an.
Quay trở lại vụ việc Facebook tung thông tin hối lộ cho phóng viên, thì có tên 1 tờ báo bị che.
Theo nhận định của chúng tôi, đây là tờ báo “mạnh tay” nhất trong khủng hoảng “con ruồi 500 triệu”.
Và Công ty P… Việt Nam không hiểu vô tình hay cố ý là đối tác quảng cáo hàng đầu của tờ báo này.
Nói như vậy để thấy, việc che tên tờ báo này, dường như là có chủ đích.
Và việc “mang xăng đi cứu hỏa” vụ URC, việc tung “hồ sơ Panama làng báo” cũng như “tìm diệt THP” đều cùng 1 bàn tay?
“Bàn tay” này chủ động che tên tờ báo đó, đơn giản vì bàn tay này xem đó là… chiến hữu?
Theo petrotimes.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Thu Minh, Lý Băng Băng và dàn sao tham gia chiến dịch 'Wild for life' - 01/06/2016 04:12
- Ngày hội tuyển dụng 2016: Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên - 31/05/2016 10:13
- Quế Trân, Thanh Thúy trúng cử đại biểu HĐND TPHCM - 31/05/2016 07:48
- Ca sinh 3 giống hệt nhau hiếm có trên thế giới - 31/05/2016 03:40
- Tăng mức phạt đối với nhiều vi phạm giao thông từ 1/8 - 31/05/2016 03:07
Tin cũ hơn
- Mỹ: Đa số người già cũng đã ủng hộ hôn nhân đồng giới - 28/05/2016 03:01
- Chàng trai bỏ thu nhập hằng tháng hơn 30 triệu để được làm sinh viên - 27/05/2016 09:37
- Katy Perry đến Việt Nam tham gia dự án từ thiện của UNICEF - 27/05/2016 04:24
- Sau đêm mưa lớn, đường Hà Nội ngập trong 'biển nước' - 25/05/2016 01:45
- Obama: Sông núi nước Nam, vua Nam ở - 24/05/2016 09:04