Dịch COVID-19 bùng phát, chuyên gia cảnh báo cha mẹ không nên bỏ tiêm nhắc lại cho trẻ
- Được viết ngày Thứ ba, 28 Tháng 9 2021 17:15
TS. BS Phạm Quang Thái cảnh báo: Tình trạng phụ huynh không cho trẻ đi tiêm các loại vắc-xin, trễ lịch diễn ra ở khắp cả nước có thể dẫn đến hậu quả xuất hiện các đợt dịch bệnh về sau.
Tiêm nhắc lại là cách để bảo vệ trẻ
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tiêm nhắc Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà- Bại liệt - Bước quan trọng để bảo vệ trẻ 4 - 6 tuổi” do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức, TS. BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi tại Việt Nam hằng năm được tiêm các mũi vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt khá cao, nhờ hiệu quả của chương trình tiêm chủng quốc gia và mạng lưới tiêm chủng công lập cũng như tư nhân rộng khắp các tỉnh thành.
TS. BS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khả năng bảo vệ đối với bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt từ các mũi tiêm này không tồn tại bền vững, mà giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, trong giai đoạn trẻ từ 4 - 6 tuổi, kháng thể có được từ những mũi tiêm trong hai năm đầu đời đối với các bệnh giảm đi đáng kể.
“Mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ 3 mũi cơ bản trước 12 tháng và một mũi nhắc trước 2 tuổi, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh khi trẻ lớn lên nếu tiếp xúc với nguồn lây. Trẻ từ 4-6 tuổi thường bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài, ví dụ như như trường học, các sân chơi. Đây cũng là lúc gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt nếu trẻ chưa có đủ kháng thể. Ngoài ra, mũi nhắc này cho trẻ 4-6 tuổi giúp bảo vệ trẻ tối ưu khỏi bại liệt, góp phần bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt tại Việt Nam. Theo khuyến cáo của Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hội Y học dự phòng Việt Nam, phụ huynh nên tiêm nhắc vắc-xin phòng các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt cho trẻ từ 4 – 6 tuổi để duy trì khả năng phòng bệnh tối ưu cho con đến tuổi thiếu niên.”, TS. BS Phạm Quang Thái chia sẻ.
Chuyên gia cũng cho biết, trên thế giới đã có hàng triệu trẻ 4-6 tuổi được tiêm nhắc lại để phòng 4 bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ tiêm nhắc tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa biết rõ tầm quan trọng của các mũi tiêm nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt cho trẻ ở độ tuổi này.
TS. BS Thái nhấn mạnh: “Việc tiêm nhắc bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt cho trẻ từ 4 – 6 tuổi không chỉ gia tăng hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn giúp tránh lây nhiễm cho trẻ nhỏ hơn chưa tiêm ngừa sống trong gia đình, nhất là trẻ từ 0 – 6 tháng vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.”
Bên cạnh đó, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vắc-xin giảm rõ rệt. Tình trạng bỏ mũi, trễ lịch diễn ra ở khắp cả nước có thể dẫn đến hậu quả xuất hiện các đợt dịch bệnh về sau.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên cho phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm nhắc các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt sớm nhất có thể trong độ tuổi từ 4 – 6 tuổi.
Khi đưa trẻ đi tiêm, phụ huynh cần chủ động đặt lịch hẹn trước để không phải chờ đợi lâu và tuân thủ các quy tắc 5K phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam đang tăng trở lại
Theo TS. Phạm Quang Thái, từ năm 2015 đến nay, thống kê cho thấy tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam đang tăng trở lại. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2020, khu vực Tây Nguyên ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Năm 2019, tỷ lệ ho gà cũng tăng đột biến lên hơn cả nghìn ca so với trước đây.
Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện dần dần, bắt đầu bằng đau họng, sốt và giả mạc ở vùng hầu họng. Giả mạc này có thể gây tắc nghẽn đường thở khiến bệnh nhân ho, khó thở,khó nuốt. Độc tố vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào dòng máu gây ra các biến chứng bao gồm viêm và tổn thương cơ tim, viêm dây thần kinh, các vấn đề về thận và chảy máu do giảm tiểu cầu.
Các triệu chứng của bệnh ho gà đầu tiên thường xuất hiện từ 7 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi và ho, trong những trường hợp điển hình dần dần phát triển thành ho khan sau đó ho thành từng cơn liên tục, dẫn đến kiệt sức, tím tái, thiếu oxy. Viêm phổi là một biến chứng tương đối phổ biếnco giật và bệnh não hiếm khi xảy ra. Bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ sơ sinh, là nguyên nhân gây bệnh và tử vong đáng kể ở lứa tuổi này.
Theo Dân Việt
* Nguồn: http://danviet.vn/dich-covid-19-bung-phat-chuyen-gia-canh-bao-cha-me-khong-nen-bo-tiem-nhac-lai-cho-tre-50202128916590315.htm
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Tại sao một số người có sức đề kháng tự nhiên với C kém hơn những người khác? - 06/10/2021 09:40
- 30 phút sau bữa ăn chính là thời gian để bảo toàn sức khỏe - 05/10/2021 05:35
- Đu đủ vào mùa đang ngon rẻ nhưng 5 điều này nhất định phải biết trước khi ăn - 04/10/2021 08:41
- 7 điều nên làm và 5 điều cần tránh để tăng khả năng làm cha cho nam giới - 01/10/2021 13:28
- 6 thói quen phổ biến ở người trẻ tai biến mạch máu não - 29/09/2021 09:41
Tin cũ hơn
- Người mắc tiểu đường cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Covid-19? - 27/09/2021 01:29
- Một số mẹo để loại bỏ tình trạng hôi miệng - 23/09/2021 09:59
- Bộ phận 'độc nhất vô nhị' trên cơ thể con lợn, ăn nhiều rất tốt cho tim và máu - 20/09/2021 08:30
- Sống chung với F0, làm sao cho an toàn? - 17/09/2021 05:01
- Bộ Y tế cấm tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi, cấm kết hợp 2 loại vắc-xin không theo hướng dẫn - 16/09/2021 09:48