Thực phẩm Tết tăng giá 'chóng mặt'
- Được viết ngày Thứ ba, 13 Tháng 2 2018 16:43
Hôm nay 28 tháng Chạp âm lịch, sức tiêu thụ thực phẩm tươi sống, hoa quả... đã bắt đầu tăng, khiến giá bán những mặt hàng này "nhảy múa" từng ngày.
Trái cây tăng giá từng ngày
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng), chợ Hôm, chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa)... hiện giá bán các loại trái cây đều tăng, nhất là các loại trái cây để bày mâm ngũ quả như phật thủ, chuối, bưởi, cam Canh… Đặc biệt chuối xanh có mức tăng giá gấp 5 lần so với thời điểm trước.
Tại chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm) những nải chuối to, đẹp, người bán “hét” giá lên tới 150.000 - 200.000 đồng/nải. Những nải nhỏ, mẫu mã xấu cũng có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/nải. Trong khi trước đó giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/nải.
Trái cây bày mâm ngũ quả tăng giá từng ngày
Tương tự, giá cam Canh tại các chợ cũng liên tục “phi mã”. Nếu như tháng trước, giá cam Canh bán tại các chợ chỉ dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg loại đẹp thì nay đã tăng lên ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg. Các loại trái cây bày mâm ngũ quả khác như xoài Cát Chu, vú sữa, xoài keo, táo xanh Bình Thuận, hồng xiêm Tiền Giang, bưởi da xanh Bến Tre… cũng tăng giá từ 20-30% so với thời điểm tháng 1/2018.
“Từ 23 tháng Chạp trở ra là giá hoa quả tăng từng ngày, càng gần Tết càng tăng. Do giá mình nhập vào tăng nên bán ra cũng buộc phải tăng chứ không phải tự mình tăng. Chủ yếu là do gần Tết nhu cầu mua hoa quả về bày mâm ngũ quả, ăn Tết của người dân tăng mạnh”, chị Nguyễn Thanh Huyền, tiểu thương chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Trong khi đó, giá phật thủ năm nay lại khá ổn định. Quả to, nhiều tay mập giá dao động 70.000 - 150.000 đồng/quả.
Theo chị Nguyễn Thị Yến, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), từ nay đến 30 Tết giá trái cây sẽ còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao đến ngoài Rằm tháng Giêng.
“Giờ là nhu cầu trái cây bày Tết. Ra Tết nguồn hàng khan hiếm hơn mà nhu cầu đi lễ nhiều nên giá còn tăng. Phải qua Rằm tháng Giêng, giá cả mới ổn định được”, chị Yến “dự báo”.
Trong khi trái cây tại các chợ truyền thống tăng giá từng ngày thì tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội lại không tăng, nhất là trái cây nhập ngoại, nguyên nhân là do các siêu thị đã dự trữ nguồn hàng từ trước đó và cam kết không tăng giá.
Nhiều thực phẩm 'cháy hàng'
Không chỉ trái cây, hoa tươi tăng giá theo đà cuối năm, mà thực phẩm cũng đã bắt đầu tăng, từ giá thịt lợn, giò chả, gia cầm... Tại các chợ truyền thống, giá bán thịt lợn cũng tăng nhẹ. Hiện giá thịt ba chỉ ngon đã ở mức 85.000 – 90.000 đồng/kg, tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg, dự kiến từ nay đến 30 Tết có thể tăng lên 100.000 đồng/kg; sườn ở mức 100.000 đồng/kg và dự báo có thể lên mức 110.000 đồng/kg…
Thịt bò cũng đã ở mức 240.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, bắp bò đã tăng lên 300.000 – 350.000 đồng/kg, thậm chí có cửa hàng bán 400.000 đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”, phải đặt trước mới có thể mua được.
“Tết năm nay nhiều người thích mua bắp bò về làm bắp bò ngâm giấm, bắp bò ngâm mắm nên nhu cầu tăng đột biến. Giá cao nhưng không đặt trước cũng không có để mua”, chị Nguyễn Thị Mùi, tiểu thương chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa) chia sẻ.
Giá gà lông được bán với giá 120.000 – 130.000 đồng/kg, trong khi tháng trước chỉ ở mức 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Chị Phan Hương Giang, tiểu thương chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhiều khách quen đặt mua từ trước đây cả tuần, vì sợ giá thịt gà tăng từng ngày, đặc biệt là gà ta, gà dùng để cúng lễ...
Nhu cầu gà lễ tăng cao
“Giá gà mua tại chuồng đã bị đội giá lên nên giá bán cũng phải tăng theo. Năm nay nhiều người có nhu cầu gà làm lễ chế biến sẵn nhiều nên nhà tôi làm thêm dịch vụ buộc gà cánh tiên, luộc sẵn gà chỉ việc mua về cúng”, chị Giang nói.
Hiện tại các chợ, giá giò cũng tăng vì thịt nguyên liệu làm giò tăng lên mỗi ngày.
“Cận Tết, giá giò lụa có thể lên đến 160.000 đồng/kg. Khách càng đặt mua giò cho Tết sớm, giá sẽ rẻ hơn, đặt mua muộn do nguyên liệu ngày giáp Tết tăng sẽ phải mua giá cao”, tiểu thương chợ Hôm cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá là do người tiêu dùng đang có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều người đổ xô đi mua hàng về để dành cho những ngày Tết sắp đến, chính điều này đã khiến cho hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ quá nhanh trong một thời gian ngắn. Từ đó, giá cả các loại sản phẩm dần được đẩy lên theo.
“Năm nay nhiều siêu thị mở cửa phục vụ xuyên Tết. Đến mùng 2 Tết, các chợ cũng đã bán hàng trở lại nên không người dân không cần tích trữ quá nhiều thực phẩm, vừa không tươi vừa bị ép giá”, ông Phú khuyến cáo.
Theo Diệp Diệp - vov.vn - 13/02/2018
Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/thuc-pham-tet-tang-gia-chong-mat-730244.vov
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- NHNN yêu cầu các ngân hàng đảm bảo an toàn giao dịch tiền - 24/02/2018 07:42
- Chủ nhân bặt vô âm tín, giải Jackpot 105 tỷ xử lý ra sao? - 22/02/2018 05:36
- Điểm danh những doanh nghiệp lên sàn trong năm con Gà có giá cổ phiếu tăng mạnh - 20/02/2018 01:07
- Dự trữ ngoại hối kỷ lục gần 60 tỷ USD: Cao nhưng vẫn thấp - 18/02/2018 17:23
- Thị trường quà tặng Valentine 'lu mờ' vì không khí Tết - 13/02/2018 18:13
Tin cũ hơn
- Hộp dâu tây anh đào, cặp bưởi thỏi vàng giá cả triệu vẫn hút hàng - 12/02/2018 01:57
- PVC sẽ thoái vốn tại hai công ty con - 11/02/2018 07:42
- Hút hàng quất bonsai trồng trong bình gốm - 10/02/2018 05:45
- Cùng nhà phân phối độc quyền Lê Bảo Minh trải nghiệm đẳng cấp Canon - 09/02/2018 07:39
- Đến nhà hàng Le Royal Saigon thưởng thức hương vị Tết Việt - 08/02/2018 04:35