Thị trường Tết tràn ngập hàng ngoại
- Được viết ngày Thứ bảy, 23 Tháng 1 2016 09:42
Nếu trước đây bánh kẹo nội áp đảo bánh kẹo ngoại thì nay ngược lại, bánh kẹo ngoại tràn ngập thị trường. Đây là thách thức và cơ hội để các doanh nghiệp nội nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo khảo sát của chúng tôi, càng gần tết bánh kẹo Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… càng xuất hiện nhiều trên thị trường TP. HCM.
Trăm hoa đua nở
Ở một số siêu thị như Big C, Lotte Mart, Aeon Citimart… xuất hiện nhiều mẫu mã bánh kẹo ngoại mới, bắt mắt. Bánh kẹo nước ngoài thường được trưng bày ở những vị trí tốt để khách hàng dễ quan sát và chọn lựa. Trong khi hàng Việt thường nằm ở những vị trí khách hàng khó quan sát hơn.
Hiện cũng có một số thương hiệu bánh nội như Bibica, Phạm Nguyên, Hữu Nghị… góp mặt trên các quầy ở siêu thị. Nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là bánh ngoại với đủ loại. Đơn cử Malaysia có thương hiệu Royal British, Đức với Lambertz, Mỹ có Peperidge Farm... Giá bánh ngoại thường dao động từ hơn 100.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/hộp tùy loại và trọng lượng.
Chị Trần Hồng Hạnh, nhà ở quận Tân Bình, đang tìm mua bánh để chưng và biếu trong Siêu thị Co.opmart Rạch Miễu. “Tôi thường chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là ngoại hay nội. Ví dụ khi mua để biếu, chưng trên bàn thờ, tôi chọn hộp bánh trông sang trọng một chút. Nếu hàng nội và ngoại giá tương đương nhau thì tôi sẽ chọn bánh ngoại vì mẫu mã trông bắt mắt hơn” - chị Hạnh nói.
Với mặt hàng kẹo cũng tương tự. Kẹo Việt chỉ có vài ba thương hiệu quen thuộc nhưng không đặc sắc và đa dạng bằng hàng ngoại. Hiện kẹo ngoại Butter Toffes của Mexico giá 115.000 đồng/hộp 600 g, kẹo Frutal Arcor loại đựng trong hộp thiếc sang trọng của Thổ Nhĩ Kỳ giá hơn 130.000 đồng/hộp 400 g.
Không chỉ ở siêu thị mà ở các chợ, cửa hàng bán lẻ cũng bày bán la liệt bánh kẹo và chocolate Đức, Bỉ, Nga, Mỹ, Thụy Sĩ; hạt dẻ, mận khô, nho khô, cherry của Đức, Mỹ.
Riêng hàng Trung Quốc một thời làm mưa làm gió nay đã lép vế. Chủ một sạp bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây cho biết gần đây khách hàng không còn dám ăn bánh kẹo Trung Quốc do lo ngại không an toàn, ngay cả những mối lấy hàng mang về các tỷnh cũng ít tìm mua.
Có thể mất thị phần 40.000 tỷ đồng
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), doanh thu ngành bánh kẹo Việt năm 2013 đạt 26.000 tỷ đồng, năm 2014 hơn 27.000 tỷ đồng và dự báo đến năm 2018 khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị phần bánh kẹo Việt đang teo tóp dần.
Thực ra lâu nay Việt Nam có một số đại gia lớn trong ngành bánh kẹo như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà, Hải Châu, Phạm Nguyên… Song cách nay không lâu, Kinh Đô đã chính thức bán 80% cổ phần cho Tập đoàn Mondelez của Mỹ. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã nắm giữ 44% cổ phần từ Công ty Bánh kẹo Bibica…
Từ đây cán cân thị phần đã nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại. Điều này cũng lý giải vì sao mùa tết năm nay thị trường tràn ngập bánh kẹo nước ngoài.
Thêm vào đó, gần đây hàng loạt siêu thị nội rơi vào tay các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Kéo theo đó nhiều loại bánh kẹo ngoại cũng đổ bộ dồn dập vào Việt Nam. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng với đà tiến công như hiện nay, chẳng bao lâu nữa bánh kẹo nội sẽ “hoàn toàn rút vào hoạt động bí mật” chứ không chỉ thoi thóp như hiện nay.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Phạm Nguyên, nói công ty đã xác định cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn đa quốc gia là điều không tránh khỏi.
“Bánh kẹo ngoại nhập từ các nước ASEAN hiện đang tràn ngập thị trường, do giá nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thấp. Trong năm vừa qua, khi đi thăm dò thị trường, chúng tôi nhận thấy số lượng hàng nhập khẩu tăng lên nhiều lần” - bà Thảo nêu thực tế.
Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM phân tích hiện nay nhiều nguyên liệu, máy móc, thiết bị… sản xuất bánh kẹo đều nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ từ các nước ngoài với chi phí cao. Điều này làm mất lợi thế cạnh tranh của bánh kẹo nội so với các sản phẩm nước ngoài.
Nếu thay đổi, vẫn còn đất sống
Theo báo cáo mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, tính đến tháng 11/2015, thị trường bánh kẹo vẫn tăng trưởng khá mạnh. Điển hình như mặt hàng bánh quy tăng trưởng 7% về mặt giá trị tiêu thụ ở thành thị và tăng 6% ở nông thôn. Các mặt hàng khác như chocolate, bánh ngọt đều đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Điều này cho thấy thị trường bánh kẹo vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển, nhất là ở thị trường nông thôn.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, nói các mặt hàng bánh kẹo ngoại với chất lượng và giá cao hơn đa phần được tiêu thụ tốt ở khu vực thành thị, nơi có thu nhập tương đối cao. Ngược lại, ở khu vực nông thôn hoặc phân khúc có thu nhập thấp hơn thì khách hàng vẫn dành ưu tiên cho các mặt hàng Việt.
“Bánh kẹo nội hay ngoại đều có những lợi thế riêng. Nếu biết tận dụng, phát huy và kết hợp với các chiến lược phù hợp thì ai cũng đều có cơ hội chiếm được sự tin dùng của khách hàng Việt” - ông Hoàng nhận định.
Cũng theo ông Hoàng, việc bánh kẹo Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… tràn vào thị trường trong nước vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để các doanh nghiệp nội cải thiện hình ảnh thương hiệu một cách bài bản, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Quan trọng nhất là phải nắm bắt được sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người Việt là hướng đến sự mới mẻ, hiện đại, sang trọng và bắt mắt. Vì ngoài nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt trong các dịp lễ, tết khách hàng còn có nhu cầu mua để làm quà biếu, quà tặng.
Chẳng hạn, dòng bánh biếu tặng trong dịp tết phải được thiết kế với mẫu mã tinh tế, màu sắc rực rỡ và mang đậm không khí tết cổ truyền của người Việt. Nếu dung hòa được các yếu tố này, cơ hội cho bánh kẹo trong nước vẫn còn.
Sức tiêu thụ tăng tám lần
Dịp tết truyền thống là thời gian mua sắm lớn nhất trong năm của người Việt. Doanh số tiêu dùng trong dịp này thường tăng gấp 5-6 lần so với trước tết, thậm chí ở khu vực nông thôn tăng gấp 7-8 lần. Riêng đối với mặt hàng bánh quy, doanh số dịp tết 2015 chiếm khoảng 1/3 doanh thu cả năm và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Đại diện một số siêu thị cho biết hiện nay bánh hộp nội vẫn chiếm ưu thế ở phân khúc bình dân nhưng ở phân khúc cao cấp thì gần như đã nhường sân cho thương hiệu nước ngoài.
Theo cafebiz.vn/phapluattp
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Nhộn nhịp chợ hoa đào Tết những ngày rét đậm - 25/01/2016 07:13
- Giá xăng dầu thế giới giảm, trong nước vẫn cao ngất ngưởng - 25/01/2016 04:28
- 'Độ cân' tràn lan móc túi khách hàng - 25/01/2016 03:59
- Doanh nghiệp nội địa đua với đại gia ngoại - 25/01/2016 03:51
- TGDĐ công bố kết quả kinh doanh vượt trội, nhưng vẫn phải dè chừng nhiều đối thủ - 24/01/2016 07:35
Tin cũ hơn
- DN thủy sản Việt Nam bị 'kiểm soát đặc biệt' vì hóa chất - 23/01/2016 02:09
- Việt Nam cần dè chừng vết xe đổ của Trung Quốc - 23/01/2016 01:52
- Google đã phải trả Apple 1 tỷ USD để 'hiện diện' trên iPhone - 22/01/2016 08:52
- Đại sứ Doanh nhân Phạm Xuân Thụy và nỗ lực hướng đến lợi ích cộng đồng - 22/01/2016 07:31
- Vitaestra nhận giải thường sản phẩm Vàng vì sức khỏe cộng đồng - 22/01/2016 04:23