Sacombank cho khách hàng 'ăn quả lừa'
- Được viết ngày Thứ sáu, 11 Tháng 3 2016 09:24
Hai DN ký hợp đồng mua bán nhà xưởng, đất đai rồi thỏa thuận tài sản đặt cọc là sổ tiết kiệm trị giá 2,5 tỷ đồng mở tại Sacombank. Và chính ngân hàng đã "lật quẻ" thỏa thuận.
Hai doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán nhà xưởng, đất đai rồi thỏa thuận tài sản đặt cọc là sổ tiết kiệm trị giá 2,5 tỷ đồng mở tại Sacombank. Ngân hàng làm giấy ủy quyền cho phép bên bán được phép rút toàn bộ vốn, lãi của thẻ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau đó cũng chính ngân hàng từ chối cho bên được ủy quyền rút tiền.
Ông Vũ Văn Phước.
Xác nhận ủy quyền nhưng không cho rút tiền
Ngày 5/2/2016, ông Vũ Văn Phước (Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Song Ngưu - Cty Song Ngưu) ký hợp đồng với ông Nguyễn Trung Hiếu (Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Mộc Anh Phát - Cty Mộc Anh Phát) chuyển nhượng một số nhà xưởng, quyền sử dụng đất tại Đồng Nai với giá 14,5 tỷ đồng.
Để làm tin, ông Hiếu đặt cọc cho ông Phước một thẻ tiết kiệm Sacombank có kỳ hạn 1 tháng mang tên Nguyễn Trung Hiếu (số tài khoản 050059287971) trị giá 2,5 tỷ đồng.
Rất cẩn thận, ngày 5/2 ông Phước đến Phòng giao dịch Sacombank Trảng Bom (PGD Trảng Bom) kiểm tra thẻ tiết kiệm nêu trên và được xác nhận: Đây là thẻ thật. Cùng với đó, PGD Trảng Bom còn lập Giấy ủy quyền theo mẫu của Sacombank với nội dung: Ông Nguyễn Trung Hiếu (chủ thẻ tiết kiệm) ủy quyền cho ông Phước được toàn quyền rút, chuyển khoản, cầm cố, thế chấp tài khoản tiết kiệm của thẻ tiết kiệm này từ ngày 5/2 đến ngày 3/3/2016.
Giấy ủy quyền này có đầy đủ chữ ký của bên ủy quyền (ông Hiếu), bên được ủy quyền (ông Phước), nhân viên thực hiện (Cao Thụy Yến Ngân), Trưởng đơn vị (Nguyễn Thị Kim Oanh).
Tin tưởng ở xác nhận của PGD Trảng Bom, ông Phước ra về.
Ngày 15/2/2016, ông Phước quay lại PGD Trảng Bom để rút 500 triệu đồng và chuyển khoản 2 tỷ đồng thì bị nhân viên PGD từ chối.
Trao đổi với PLVN, ông Phước cho biết ông không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tại sao PGD Trảng Bom làm giấy ủy quyền cho phép ông được rút toàn bộ vốn, lãi của thẻ tiết kiệm nhưng sau đó lại không cho ông thực hiện quyền này?
Theo ông Phước, nếu không được định đoạt tiền trong thẻ tiết kiệm trên, doanh nghiệp của ông sẽ bị thiệt hại nặng nề. Bởi trước đó, Cty Song Ngưu đã hủy chuyển nhượng tài sản, bồi thường cho một đối tác khác để có thể ký hợp đồng với Cty Mộc Anh Phát. Mà đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Cty Mộc Anh Phát sẽ không thực hiện hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký với Cty của ông.
Sacombank nói gì?
PLVN đã chuyển các phản ánh của ông Phước tới Sacombank. Ngày 4/3, Sacombank Chi nhánh Đồng Nai có văn bản trả lời như sau: Ngày 3/2/2016, ông Hiếu có phát sinh thẻ tiết kiệm trị giá 2,5 tỷ đồng. Đồng thời, thẻ tiết kiệm này cũng đang đảm bảo cho khoản vay của ông Hiếu tại Sacombank - PGD Trảng Bom và được phong tỏa từ ngày 3/2 đến ngày 3/3/2016.
Cùng ngày 3/2/2016, ông Hiếu có giấy đề nghị mượn thẻ tiết kiệm để hoàn thiện hồ sơ đi du lịch và cam kết sẽ hoàn trả Sacombank sau khi thực hiện xong thủ tục.
Ngày 5/2/2016, ông Hiếu và ông Phước đến làm thủ tục ủy quyền sổ tiết kiệm trên. Theo đó, ông Hiếu ủy quyền cho ông Phước sử dụng thẻ tiết kiệm này. Theo quy định, chủ thẻ tiết kiệm có quyền ủy quyền cho người khác sử dụng hoặc tất toán thẻ tiết kiệm. Trên giấy ủy quyền không đề cập đến mục đích ủy quyền và ghi rõ nội dung người ủy quyền có quyền liên hệ Sacombank để hủy bỏ, chấm dứt việc ủy quyền bất cứ lúc nào mà không cần xác nhận của người được ủy quyền.
Ngày 15/2/2016, ông Phước đến PGD Trảng Bom để rút tiền trong thẻ tiết kiệm. Tuy nhiên, thẻ tiết kiệm đang trong thời gian phong tỏa để đảm bảo cho nghĩa vụ của ông Hiếu theo như thông tin nêu trên nên PGD Trảng Bom từ chối thực hiện yêu cầu rút tiền của ông Phước.
Sau khi trao đổi, làm việc với ông Hiếu và ông Phước thì Sacombank biết được thông tin: Ông Hiếu sử dụng thẻ tiết kiệm để đặt cọc cho việc mua bán đất đai với ông Phước. Ông Hiếu thừa nhận việc sử dụng thẻ tiết kiệm để đặt cọc trong việc mua bán đất đai là không đúng quy định và vi phạm cam kết của chính ông Hiếu. Vì vậy, ông Hiếu đã đề nghị Sacombank hủy bỏ giấy ủy quyền và ông Hiếu đã cam kết sẽ làm việc với ông Phước để giải quyết vấn đề đặt cọc theo Hợp đồng mua bán đất đai.
Trong quá trình hoạt động, Sacombank luôn quán triệt các cán bộ nhân viên phải tuân thủ các quy định pháp luật, không cho phép thực hiện bất kỳ hành vi nào để tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật. Do vậy, Sacombank sẵn sàng hợp tác, làm việc với các bên liên quan để giải quyết sự việc.
Dựa trên nội dung trả lời của Sacombank Chi nhánh Đồng Nai cho thấy ông Phước đã “ăn quả lừa” từ tờ giấy ủy quyền của Sacombank vì ông Hiếu đã đặt cọc thẻ tiết kiệm chứa khoản tiền mà ông Phước không thể rút ra được.
Cũng theo trả lời của Sacombank, thẻ tiết kiệm 2,5 tỷ của ông Hiếu là tài sản “đang đảm bảo cho khoản vay”, nhưng PGD Trảng Bom lại thực hiện giấy ủy quyền cho phép ông Phước “được quyền rút toàn bộ vốn, lãi” của thẻ tiết kiệm nêu trên, liệu có đúng luật?
Việc Sacombank “phát sinh” thẻ tiết kiệm của ông Hiếu liệu có được thực hiện đúng quy trình, thủ tục?... Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
http://baophapluat.vn/phong-su-dieu-tra/sacombank-cho-khach-hang-an-qua-lua-265128.html
Theo Pháp Luật Việt Nam
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Doanh nhân Cao Thị Mỹ Vàng: Tôi và Hùng Cửu Long cùng nhau ‘tác chiến’ - 13/03/2016 09:15
- Cảng Cam Ranh muốn là khu dịch vụ hàng hải tầm quốc tế - 12/03/2016 04:04
- Thương hiệu Aquaclean xác nhận thay đổi đối tác sản xuất - 11/03/2016 17:07
- Công ty bầu Đức bị ngân hàng ACB 'siết nợ' gần 6 triệu cổ phiếu - 11/03/2016 10:01
- Unilever, Vinamik tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - 11/03/2016 07:12
Tin cũ hơn
- Nhiều doanh nghiệp lại bị bêu tên nợ thuế - 10/03/2016 09:51
- Hội đồng Tiền lương Quốc gia chuẩn bị xét tăng lương tối thiểu vùng 2017 - 10/03/2016 07:13
- Đắk Lắk ra 'tối hậu thư' với cà phê Trung Nguyên - 10/03/2016 05:19
- Nguy cơ phá sản dự án cá ngừ đại dương sang Nhật - 08/03/2016 07:49
- Sau PVN đến lượt Petrolimex 'kêu khó' - 07/03/2016 08:23