'Mê trận' iPhone bao vây người dùng
- Được viết ngày Thứ hai, 17 Tháng 4 2017 14:43
Gần mười năm nay, người tiêu dùng Việt Nam khi đi mua cho mình một chiếc điện thoại iPhone như bị lạc vào “ma trận” với hàng chục thuật từ do các đại lý đặt ra.
Với tình trạng hỗn loạn các loại iPhone tại thị trường Việt Nam, Apple vừa có động thái mạnh tay nhằm siết chặt lại thị trường bằng cách yêu cầu các đại lý buôn bán thiết bị của hãng này mà không được sự chấp thuận của Apple, phải tháo những bảng quảng cáo có thương hiệu, logo nếu không sẽ bị kiện.
“Mê trận” iPhone
Đi cùng một người bạn đến một cửa hàng chuyên bán iPhone trên đường Ba Tháng Hai (quận 10), chúng tôi không khỏi choáng bởi hàng loạt những thuật từ mà nhân viên nơi này giới thiệu về mẫu iPhone 6S được phát hành cách đây ngót nghét 2 năm. Khi thấy anh này muốn mua một máy giá rẻ nhưng có dung lượng bộ nhớ cao, nhân viên nơi đây tư vấn rất nhiệt tình.
Cô nhân này cho biết, cửa hàng mình không bán hàng khóa mạng (lock) vì rủi ro khi dùng sim ghép cho khách nên chỉ bán hàng xách tay. Nếu khách cần máy có dung lượng bộ nhớ cao mà không quan tâm đến màu sắc, ngoại hình thì có dòng máy cũ, bản màu xám, dung lượng 128GB với giá 8,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đúng với câu “tiền nào của nấy” nên khi chấp nhận mua loại máy này, khách phải chịu mua một chiếc máy điện thoại không còn nguyên vẹn với vỏ ngoài bị cấn, móp khá nặng. Chưa kể, do đã sử dụng quá lâu nên khi kiểm tra thời hạn bảo hành của loại máy này đều đã hết thời hạn khá xa.
Thấy khách lưỡng lự về ngoại hình trầy trụa của chiếc iPhone, cô nhân viên đưa ra một chiếc khác cũng cùng loại 6S còn khá mới, nói đây là loại “like new”. Nhân viên này cho rằng loại “like new” là hàng đã qua sử dụng nhưng ngoại hình còn mới, ít trầy xước và hầu hết còn bảo hành chính hãng tầm vài tháng. Giá của loại hàng này không chênh nhiều so với loại hàng được Apple tân trang (với tên gọi là “Refurbeshed”), thường từ 1 đến 2 triệu đồng. “Anh mua hàng tân trang thì sẽ được Apple bảo hành 12 tháng chính hãng nhưng giá thì hơi cao so với loại like new. Nếu anh chọn loại có bộ nhớ lớn thì em khuyên anh nên chọn hàng like new vì giá sẽ mềm hơn hàng tân trang rất nhiều” - cô nhân viên tư vấn.
Cầm trên tay chiếc máy iPhone 6s “like new” bản 128GB, anh bạn của chúng tôi tỏ vẻ thích thú nên hỏi giá. Cô nhân viên nói giá chiếc này là 9,7 triệu đồng, nếu khách cần bảo hành lâu hơn thì có thể mua thêm gói bảo hành thêm của cửa hàng với gái 500 nghìn đồng/1 năm. Ngoài ra, cửa hàng sẽ hỗ trợ cập nhật phần mềm, tải ứng dụng miễn phí trong 12 tháng. Bị khách chê mắc, cô nhân viên đưa ra thêm một chiếc iPhone 6s vẫn còn mới cóng, nói đây là bản “near new”.
Theo giải thích của nhân viên này thì đây là bản iPhone mới 99%, được bán kèm với một ốp lưng bằng nhựa trong suốt. Tuy nhiên, do là hàng xách tay nên các phiên bản trên đều không có hộp đựng, tai nghe, dây sạc chính hãng và chất lượng sẽ được đảm bảo trong thời gian còn được bảo hành của Apple và gói bảo hành được khách mua thêm từ cửa hàng.
Apple ra tay dẹp loạn thị trường iPhone
Với tình trạng hỗn loạn các loại iPhone tại thị trường Việt Nam, Apple đã có động thái mạnh tay để dẹp tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của hãng. Mới đây, theo giấy thông báo của công ty Võ Trần - Đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple - gửi đến các cửa hàng bán lẻ đang sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở, Apple, iPhone và nhiều tên gọi khác như App Store, Apple Store, iPad, iPod, Macbook... tại Việt Nam.
Theo đó, việc các cửa hàng sử dụng các nhãn hiệu trên mà không được sự chấp thuận của Apple là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Văn bản này yêu cầu các cửa hàng phải tự tháo dỡ các biển quảng cáo có logo của Apple, dừng ngay lập tức việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Apple trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Với động thái này, rất nhiều cửa hàng buôn bán iPhone nhỏ lẻ có nguy cơ sụt giảm doanh số bởi việc không thể trưng các biển hiệu, logo của “nhà táo” lên sẽ khiến người tiêu dùng không có đủ niềm tin để mua hàng.
Chưa kể, sắp tới Apple sẽ từ chối bảo hành hàng xách tay cũng khiến cho người tiêu dùng không dám mua dù giá có rẻ hơn so với hàng chính hãng. Theo một chủ cửa hàng bán hàng Apple lớn tại quận 5 thì đây được xem là đợt “ra tay” quyết liệt của hãng công nghệ lớn này để chấn chính thị trường. Theo thông tin anh này biết được thì gần đây, các trung tâm sửa chữa uỷ quyền của Apple cũng thay đổi cách thức tiếp nhận bảo hành với iPhone không được phân phối chính thức ở Việt Nam (không có mã VN/A). Khi bảo hành, máy mua về từ nước ngoài được yêu cầu có thêm hoá đơn hoặc giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Trong khi một thời gian trước đó, việc bảo hành được chấp nhận ngay cả với hàng xách tay.
Một đại diện nhà bán lẻ điện tử có uy tín tại quận 10 cho biết, với việc siết chặt này từ Apple thì các cửa hàng mua bán điện thoại nhỏ lẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng dù sao thì đây cũng là điều cần nên làm để lành mạnh hóa thị trường hàng công nghệ tại Việt Nam.
Theo Lao Động
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Doanh nghiệp nhỏ sẽ được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm - 06/05/2017 05:32
- Máy trộn bột đa năng Kenwood đã có tại Thị trường Việt Nam - 28/04/2017 09:29
- Đêm tiệc các món ngon châu Á tại nhà hàng Saigon Café - 25/04/2017 08:31
- Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần - 22/04/2017 04:21
- Hưng Thịnh chặng đường 15 năm hành trình vì một cộng đồng - 19/04/2017 09:30
Tin cũ hơn
- Cổ phiếu của Petrolimex lên sàn, áp lực chốt lời hiện ngay trước mắt - 17/04/2017 04:14
- Bị tẩy chay, United Airlines tuyên bố sẽ không còn khách bị lôi khỏi máy bay - 16/04/2017 04:15
- Petrolimex kiểm điểm tập thể, cá nhân sau kết quả thanh tra - 15/04/2017 04:52
- CEO VietJet Air: Chúng tôi không lấy khách hàng của hãng nào cả! - 14/04/2017 04:00
- Bí mật sau quyết định bán vé 0 đồng của Vietjet Air hay khuyến mãi 50% của Viettel, Mobifone - 13/04/2017 09:12