CEO VietJet Air: Chúng tôi không lấy khách hàng của hãng nào cả!
- Được viết ngày Thứ sáu, 14 Tháng 4 2017 11:00
Tại sự kiện Forbes Vietnam Women 's Summit chiều 12/4, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: "Có đến 20-30% khách của VietJet là những người lần đầu tiên đi máy bay. Các anh chị có thể đến sân bay Bình Định, Chu Lai... để cảm nhận điều này.
Chúng tôi tạo cơ hội cho cho triệu người đi máy bay. Chúng tôi không lấy khách hàng của hãng nào cả".
Trong phần ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, phỏng vấn CEO VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại sự kiện chiều 12/4, bà Thảo đã có nhiều chia sẻ thú vị phía sau sự thành công của hãng hàng không bikini.
Làm việc liên tục 800 ngày để IPO
- Ông Dominic: IPO của Vietjet có thể nói là chuyên nghiệp nhất từ trước tới giờ. Chị chia sẻ như thế nào về quá trình này?
- Bà Thảo: Gần đây tôi phải làm quen với danh từ tỉ phú. Tôi vẫn chưa quen với danh từ này. Suốt 30 năm, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền và chưa từng đặt ra mục tiêu làm tỷ phú và triệu phú.
Tôi lớn lên chưa bao giờ ở cảnh thiếu thốn về vật chất để phải đặt mục tiêu kiếm tiền là trên hết. Tuy nhiên khi làm doanh nghiệp tôi tâm niệm phải làm sao doanh nghiệp mình mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng. Lãnh đạo phải làm sao mang lại điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ nhân viên. Từ đó mà doanh nghiệp của tôi cứ phát triển lên.
Lần đầu đưa Vietjet Air lên sàn chứng khoán (IPO) mục tiêu chúng tôi hướng đến mang lại cho nhà đầu tư, thị trường chứng khoán một sản phẩm mới mẻ. Tôi biết nhiều công ty Việt Nam chuẩn bị cho việc này. Nhưng phải thực sự bắt đầu mới biết có nhiều rào cản. Vì có khoảng cách rất lớn giữa những chuẩn mực trong nước và những chuẩn mực quốc tế để đảm bảo một doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Ở dự án này, chúng tôi mất hơn 800 ngày với sự tư vấn của 3 ngân hàng quốc tế. Thật may mắn và thuận lợi, chúng tôi đã đi đến cùng của quá trình đó. Riêng chi phí cho bên luật cũng ngốn vài triệu đô la. Chất lượng tài liệu đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất để đáp ứng được tiêu chuẩn của thế giới.
Tháng 11 năm ngoái, ban dự án đã từng phải ngồi lại để thảo luận về việc chúng tôi có đi tiếp tục hay không. Và thời điểm đó, chúng tôi đã có quyết định là đi đến cùng để làm hài lòng các nhà đầu tư, để mang giá trị tốt hơn cho họ, mang đến sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán, và thị trường vốn của Việt Nam.
- Quy trình 800 ngày chắc ít người chịu nổi. Nguồn sức mạnh nào giúp chị vượt qua được 800 ngày đó?
- Tôi không phải dồn sức gì trong 800 ngày này. Làm việc chăm chỉ ăn vào máu của tôi rồi. Thách thức không phải từ cá nhân tôi, mà là từ dự án. Tôi phải động viên nhân viên, hướng dẫn để mọi người cùng được nghỉ ngơi, tiếp nhận kiến thức và nhẫn nại để đi đến cùng.
Trong 4 ngân hàng có những bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận có những đòi hỏi khác nhau. Lâu nay mọi người chỉ quen với công việc của họ, nhiệm vụ của tôi lúc đấy là truyền tinh thần cho đội ngũ để họ nỗ lực đi đến cùng. Có khi họ cũng bế tắc về thủ tục hành chính, dù họ toàn là các tên tuổi lớn. Tôi đảm nhiệm nhiệm vụ này, tôi đi thuyết phục họ, không phải để làm sai quy định mà để họ hướng dẫn đúng để làm đúng.
Nếu chúng ta không có chút nhẫn nại, bao dung thì khó đi đến cùng kết quả.
Biểu diễn bikini: Tai nạn nghề nghiệp
- Chị có thể bình luận xung quanh việc này: Biểu diễn bikini không được cấp phép?
- Đây là tai nạn. Trong một chuyến bay dịp vào hè, chúng tôi có tổ chức trình diễn bikini ở tàu bay và bị Cục hàng không phạt vì biểu diễn bikini không xin phép. Mọi người bảo đó là chiêu marketing, nhưng thực ra là tai nạn nghề nghiệp.
Tại sao VietJet lại tổ chức show đó? Vì chúng tôi muốn hướng tới sự tự do do cao nhất của con người. Nhân viên, hành khách có thể mặc mọi thứ mà họ thích. Mọi người có thể thích hoặc không thích, nhưng tôi thấy vui và hạnh phúc. VietJet mang lại hạnh phúc cho mọi người thì VietJet cũng hạnh phúc.
Nếu anh hỏi lại tôi có làm hay không thì tôi vẫn làm (vẫn biểu diễn).
VietJet không lấy khách hàng của hãng nào
- Nhiều người nói rằng VietJet đấu lại Vietnam Airlines. Nhiều người nói VietJet tạo cơ hội bay cho người chưa từng bay. Chị nghĩ sao?
- Ai đó nói VietJet cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không nào đó thì thực sự không chính xác. VietJet tạo ra những khách hàng mới cho mình và tạo cơ hội bay cho người mới. Có đến 20-30% khách của VietJet là những người lần đầu tiên đi máy bay. Các anh chị có thể đến sân bay Bình Định, Chu Lai... để cảm nhận điều này. Chúng tôi tạo cơ hội cho cho triệu người đi máy bay. Chúng tôi không lấy khách hàng của hãng nào cả.
Ỏ các đường bay quốc tế, chúng tôi mang đến những hành khách mới ở khoảng hơn 30 đường bay quốc tế. Quá nửa là đường bay mới chưa có hãng nào khai thác như tại Myanmar, Đài Loan, đất phật ở Ấn Độ. VietJet đã phát triển và tự bay các chuyến bay của họ và không lấy khách của hãng khác nhiều lắm.
- VietJet có nghiên cứu lĩnh vực đầu tư mới không ngoài hàng không không, thưa chị?
- Hàng không là công ty niêm yết. Thực tình chúng tôi đã có các công ty khác như tài chính ngân hàng, điện, bất động sản, khách sạn, du lịch.
Gần đây, chúng ta nghe nói nhiều về quá tải ở sân bay Việt Nam với nhiều quan ngại rằng quá tải thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch và hàng không. Bên cạnh những lo lắng thái quá của dư luận thì tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt về phát triển. Trên thế giới, một đất nước vắng vẻ không phải là dấu hiệu của phát triển, chẳng hạn như Hong Kong, sân bay Kennedy của New York (Mỹ) đều rất đông đúc.
Việt Nam có 22 sân bay thương mại, so với Singapore chỉ có 2 sân bay. Có sân bay khai thác 10% và chỉ có một số sân bay quá tải. Chính phủ cũng đã rất kiên quyết và mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này và xã hội hóa sân bay.
VietJet tháng nào cũng đi khai trương ở các nhà ga. Như vậy là tinh thần và quyết tâm của Chính phủ nâng cấp hạ tầng sân bay rất rõ rệt. VietJet cũng đã đề xuất xin tham gia làm chủ đầu tư vào các nhà ga này.
- Chị quan niệm thế nào về cân bằng cuộc sống. Vừa là doanh nhân, vừa là phụ nữ thì chị cân bằng như thế nào?
- Sự cân bằng của tôi là mang chất phụ nữ vào kinh doanh, mang công việc vào thực tiễn điều hành nhân sự. Cái gì tốt nhất thì lại mang về nhà.
Có thể mọi người nghĩ tôi bận rộn nhưng tôi vẫn xem phim với con lớn, tắm và bế ẵm con bé.
Ngày nay, mọi người nói nhiều đến bình đẳng giới để phụ nữ được trân trọng. Anh Dominic lúc nãy có hỏi tôi suy nghĩ thế nào về triết lý của Khổng Tử về việc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Cách của tôi là Khổng Tử hay triết lý phương Đông hay phương Tây thì cũng đều là: Hãy cho đi và đừng mong chờ nhận lại điều gì.
Khi cho đi với tất cả tâm và bao dung của người phụ nữ thì hy vọng cộng đồng, đối tác, bằng những năng lực, kinh nghiệm, văn hóa, tâm của mình thì sẽ được ghi nhận.
Khi đó chúng ta sẽ đạt được sự bình đẳng. Nếu chỉ kêu gọi được công nhận thì chỉ là một chiều. Cá nhân tôi không gặp nhiều lắm sự bất bình đẳng. Tôi chỉ nghĩ là mình nên làm gấp 3 lần người thường và nếu không đạt được thì cũng bằng lòng.
Theo Trí thức trẻ
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Hưng Thịnh chặng đường 15 năm hành trình vì một cộng đồng - 19/04/2017 09:30
- 'Mê trận' iPhone bao vây người dùng - 17/04/2017 07:43
- Cổ phiếu của Petrolimex lên sàn, áp lực chốt lời hiện ngay trước mắt - 17/04/2017 04:14
- Bị tẩy chay, United Airlines tuyên bố sẽ không còn khách bị lôi khỏi máy bay - 16/04/2017 04:15
- Petrolimex kiểm điểm tập thể, cá nhân sau kết quả thanh tra - 15/04/2017 04:52
Tin cũ hơn
- Bí mật sau quyết định bán vé 0 đồng của Vietjet Air hay khuyến mãi 50% của Viettel, Mobifone - 13/04/2017 09:12
- EU đầu tư hơn 21,5 tỉ USD vào VN - 11/04/2017 08:06
- Ưu đãi đặc biệt tháng 4 - 5 tại Tùng Garden - 11/04/2017 04:22
- Kiều Oanh, Võ Minh Lâm cover hit 'Sai' của Mỹ Tâm cực hay - 11/04/2017 03:06
- Bài học kinh doanh vượt lên nghịch cảnh của người Do Thái - 09/04/2017 02:13