• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Máy bay Boeing vô chủ ở Nội Bài được định giá ra sao?

7 năm nằm một chỗ, "ngốn" hết gần 13 tỷ đồng chi phí bãi đỗ, chiếc máy bay Boeing vô chủ ở Nội Bài được định giá ra sao và bán được với giá bao nhiêu là câu hỏi được đặt ra.

Cuối tuần trước, một số thông tin cho hay chiếc máy bay Boeing B727-200 vô chủ ở sân bay Nội Bài đã được mở cửa, để bước đầu phục vụ công tác thẩm định giá trước khi đem ra đấu giá.

Trao đổi với Zing.vn sáng 17/7, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết bất kỳ trường hợp đấu giá tài sản nào cũng phải tuân thủ theo quy định thẩm định giá.

“Quy trình thẩm định giá đã có trong Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Đơn vị có tài sản đề nghị đấu giá sẽ lựa chọn nơi có đủ điều kiện thẩm định theo công bố danh sách của Bộ Tài chính”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, trường hợp tài sản có giá trị lớn thì đơn vị có tài sản sẽ dùng phương pháp đấu thầu cung ứng dịch vụ thẩm định giá.

Đối với chiếc máy bay cũ này, bên sở hữu tài sản sẽ lựa chọn đơn vị có đủ tiêu chuẩn thẩm định, sau đó có văn bản đề nghị thẩm định giá. Bên thẩm định xem xét tài sản, tiếp nhận nhu cầu và ký hợp đồng rồi tổ chức thẩm định.

Ông Thỏa cho hay quy trình thẩm định này sẽ có 6 bước cơ bản. Những bước đầu tiên là xác định tổng quan thị trường của tài sản. Tiếp theo là thu thập thông tin, phân tích, khảo sát tình hình tài sản bên ngoài thực tế. Cuối cùng là đưa ra chứng thư thẩm định và kết quả thẩm định giá.

Cũng theo lãnh đạo Hội Thẩm định giá Việt Nam, một phương pháp có thể thực hiện trong thẩm định là so sánh giá. Tuy nhiên, nếu tài sản đem đi thẩm định là đặc biệt, không có tài sản khác để so sánh giá thì cần áp dụng cơ sở giá phi thị trường.

May bay Boeing vo chu o Noi Bai duoc dinh gia ra sao? hinh anh 1

Máy bay Boeing vô chủ trên sân bay Nội Bài. Ảnh: Người Lao Động.

Trường hợp chiếc máy bay Boeing 727-200 này, ông Thỏa cho biết nếu sử dụng phương pháp so sánh thị trường sẽ phải tìm 3 loại máy bay tương tự về hãng, năm sản xuất, công năng và các đặc tính kỹ thuật, chi phí vận hành để so sánh. Nếu chiếc Boeing 727-200 cũ tốt hơn những chiếc so sánh thì cộng vào, còn kém hơn thì trừ đi.

Còn phương pháp tiếp cận chi phí là tính theo giá trị máy bay sản xuất mới 100% và trừ hao mòn của máy bay cần định giá. Tùy từng trường hợp, đơn vị thẩm định sẽ lựa chọn áp dụng phương pháp phù hợp.

"Mỗi phương pháp có những cách thu thập thông tin đầu vào để phân tích khác nhau", ông Thỏa chia sẻ. Theo ông, phía vị thẩm định giá sẽ tiếp cận để xem áp dụng phương pháp nào là phù hợp.

Máy bay Boeing này mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007.

Phía cơ quan quản lý hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi với đại diện Royal Khmer Airlines để triển khai khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không liên hệ lại.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia sau đó đã thông báo việc giấy chứng nhận khai thác máy bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi. Chiếc máy bay B727-200 trên đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia và Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Do bị bỏ hoang, máy bay này hiện đã xuống cấp trầm trọng và tiền phí lưu trú sân bãi của chiếc B727-200 này đã lên tới hơn 600.000 USD trong khoảng thời gian 7 năm. Lãnh đạo cục Hàng không từng khẳng định chiếc máy bay đã cũ nát, khó có thể đưa vào khai thác bay nên nhiều khả năng phải đấu giá theo giá sắt vụn.

Một chuyên gia hàng không nhận định máy bay như Boeing B727-200 nếu phá ra chỉ bán sắt vụn cũng đã thu được số tiền 10 tỷ đồng.

Tháng 2/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chấp thuận phương án đấu giá đối với máy bay và giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện bán đấu giá tài sản theo đúng quy định.

Theo Thanh Niên