Từ tài liệu Panama nhìn về nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam
- Được viết ngày Thứ năm, 07 Tháng 4 2016 09:48
TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng từ vụ rò rỉ tài liệu Panama có thể thấy việc trốn thuế và rửa tiền có thể xảy ở bất cứ quốc gia nào.
Hàng chục lãnh đạo thế giới đang như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ.
Các tài liệu trên như một cuốn nhật ký chung của 72 nhà lãnh đạo và cựu lãnh đạo các quốc gia, các ngôi sao thể thao, tỷ phú… trong suốt 40 năm qua (từ 1977 – 2015).
Cuốn nhật ký mô tả tường tận về mạng lưới khổng lồ đã hỗ trợ hàng loạt chính trị gia, doanh nhân các nước che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
TS Cao Sỹ Kiêm
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vụ rò rỉ tài liệu Panama chứng minh một điều là "việc trốn thuế và rửa tiền có thể xảy ở bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ trình độ nào. Rõ ràng, tham nhũng không từ bất cứ người nào.
Nếu luật lệ không nghiêm túc, quản lý không chặt chẽ, xử lý không nghiêm thì ở vị trí càng cao, việc lợi dụng kẽ hở pháp luật càng dễ do người ta nhìn các lỗ hở rõ ràng và tinh vi hơn, dẫn tới hậu quả lớn”, TS Cao Sỹ Kiêm nói.
Theo cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những nhân vật tầm cỡ mà vi phạm, niềm tin của người dân với họ sẽ giảm rất nhanh, uy tín của họ sẽ bị hạn chế rất nhiều do sự việc có sức công phá lớn.
Ngoài ra, khả năng lãnh đạo đất nước của họ sẽ có những trục trặc, khó khăn, không chỉ ở quốc gia ấy mà cả trên thương trường quốc tế bởi người ta sẽ có sự cảnh giác, đề phòng.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Mỹ là nước nổi tiếng có trình độ quản lý các hoạt động kinh tế rất cao, pháp luật rất nghiêm, nhưng tài liệu Panama đặt ra nghi vấn về sai phạm của hàng loạt ngân hàng và những doanh nhân tên tuổi. Trong khi đó, ở Việt Nam, "luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật còn chưa được chặt chẽ, chế tài xử lý cũng chưa được nghiêm nên việc khai thác lỗ hở của luật lệ còn nhiều", ông Kiêm lo ngại.
Theo ghi nhận của ông Kiêm, việc rửa tiền ở Việt Nam chưa tinh vi và mạnh mẽ như ở các nước khác, nhưng những hiện tượng vi phạm luật lệ với tính chất nhỏ nhẹ, vụn vặt lại rất phổ biến.
“Đặc biệt, một bộ phận đội ngũ cán bộ phục vụ cho cơ quan công quyền còn lợi dụng kẽ hở luật để tư lợi. Đây là một vấn nạn, là vấn đề tồn tại kìm hãm sự phát triển, làm giảm tính hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Kiêm nói.
Ông Kiêm cũng quan ngại về sự xuất hiện của các DN sân sau như nhiều đại biểu Quốc hội khác lo lắng. "Dù không có tính thao túng tập đoàn ở mức độ cao như các nước, nhưng như thế cũng là rất nguy hại tới sự phát triển của nền kinh tế cũng như đạo đức xã hội, thượng tôn pháp luật", ông Kiêm nêu.
Cựu quan chức này cho hay, khi xây dựng pháp luật, kể cả khi tổ chức thực hiện, chỉ đạo điều hành, Việt Nam rất chú ý tới nội dung này.
"Chúng ta bắt đầu có kiểm soát, nhưng quản lý còn yếu, xử lý chưa được triệt để nên kết quả đạt được chưa tương xứng với Nghị quyết đề ra và mong muốn của các cấp lãnh đạo. Cái khó nhất của chúng ta là địa chỉ cụ thể. Chỉ khi có địa chỉ cụ thể, chúng ta mới có thể đưa ra giải pháp cho từng đối tượng được”, ông Kiêm nêu.
Trong khi đó, một thành viên khác cũng thuộc Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đại biểu quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) lại nêu quan điểm: “Mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau, không thể lấy nước này so với nước kia được”.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Dùng 20 bình xịt hơi cay khống chế học viên trốn trại - 14/04/2016 07:15
- Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm vào cuối năm 2016 - 14/04/2016 03:19
- Hàng trăm học viên trung tâm giáo dục bỏ trốn - 14/04/2016 03:15
- Mỹ hỗ trợ Việt Nam đối phó hạn mặn lịch sử - 08/04/2016 09:37
- 6 tàu cá Trung Quốc xâm phạm sâu vùng biển Quảng Bình - 08/04/2016 07:05
Tin cũ hơn
- Đắp đập ngăn mặn xâm nhập Long An, Tiền Giang - 07/04/2016 01:48
- Máy bay phải diệt muỗi trước khi đến Tân Sơn Nhất - 06/04/2016 07:15
- Tài liệu Panama lật tẩy sự mờ ám của các đại gia ngân hàng - 06/04/2016 07:01
- Không phát hiện bất thường trong vụ cơm chuyển màu đỏ - 06/04/2016 03:39
- Những điểm mới của Luật Báo chí (sửa đổi) - 06/04/2016 01:59