Tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm ra mắt người dân Thủ đô
- Được viết ngày Thứ sáu, 15 Tháng 3 2019 15:30
Sau gần 3 năm bảo quản và chế tác, mẫu vật rùa Hoàn Kiếm cuối cùng của Hồ Gươm đã được hoàn thiện và bàn giao vào ngày mai tại Đền Ngọc Sơn, Quận Hoàn Kiếm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, 9h sáng mai Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đơn vị chế tác và bảo quản cá thể Rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sẽ bàn giao tủ bảo quản, trưng bày và mẫu vật rùa Hoàn Kiếm cho UBND thành phố Hà Nội.
Trước đó, cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở hồ Gươm.
UBND thành phố Hà Nội sau đó quyết định bảo quản cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa-phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ này nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thuê hai chuyên gia hàng đầu từ Bảo tàng Berlin của Đức.
TS Phan Kế Long, Phó giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, dự kiến ban đầu việc chế tác diễn ra trong một năm. Tuy nhiên việc chế tạc cụ rùa chậm hơn so với dự kiến do mẫu vật quá lớn lại thuộc hàng độc. Cụ rùa có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay. “Các chuyên gia Đức chia sẻ, họ thường làm mẫu vật 20-30kg, chưa làm mẫu vật rùa mai mềm lớn như thế này. Đây là mẫu vật hết sức độc đáo”, TS Long chia sẻ.
Cũng do cụ rùa là mẫu vật lớn, độc, đặc biệt quý hiếm nên vật liệu chế tạo được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều bộ phận phải đặt hàng, sản xuất đơn chiếc như mắt. Riêng tủ kính để trưng bày cụ rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức. Tủ trưng bày cụ rùa phải đảm bảo về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, tránh tia UV. Các hệ thống để duy trì các yếu tố trên sẽ nằm hoàn toàn bên dưới để hình ảnh trưng bày được đẹp nhất.
Theo TS Long, quá trình chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cần trọng, trong đó chế tác mắt rùa là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật. Các chuyên gia Đức phải tiến hành nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh cụ rùa lúc còn sống, nhìn vân, nhìn con người, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái cụ rùa như mong muốn.
Được biết, mẫu vật cụ rùa có thể trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm.
Theo Tiền Phong
Tin mới hơn
- Tranh chấp dự án nghìn tỷ ở huyện Đức Hòa, Long An: Cục Thi hành án tỉnh Long An không thi hành chỉ đạo của cấp trên - 02/04/2019 07:12
- Vụ tai nạn 7 người tử vong ở Vĩnh Phúc - 29/03/2019 04:00
- Vụ thi hành án ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty Hồng Phát: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An nói gì? - 27/03/2019 02:04
- Gần 100 thanh tra xây dựng ở Hà Nội bị kỷ luật vì sai phạm - 25/03/2019 09:16
- Hé lộ nguyên nhân gây sập tường khiến 6 người chết ở Vĩnh Long - 20/03/2019 03:50
Tin cũ hơn
- Biến 'đặc sản' kẹt xe ở Sân bay Tân Sơn Nhất thành nơi tạo nguồn thu - 14/03/2019 07:57
- Tiến sĩ Lương Hoài Nam: 'Việt Nam giờ mới cấm xe máy là hơi muộn”' - 13/03/2019 01:45
- Đoàn quân chỉ tuyển chiến sĩ cao từ 1,8 mét - 12/03/2019 08:52
- 'Phạt vạ' 400 triệu đồng sau tai nạn là vi phạm pháp luật - 05/03/2019 04:23
- Hôm nay, chính thức xóa bỏ sổ khám bệnh - 01/03/2019 08:04