Rừng Sơn Trà bị phá, hàng trăm loài động vật quý bị đe dọa
- Được viết ngày Thứ sáu, 26 Tháng 2 2016 14:14
Lực lượng chức năng lơ là trong quản lý khiến nhiều ha rừng nguyên sinh ở Sơn Trà (Đà Nẵng) bị tàn phá. Hàng trăm động vật quý hiếm ở đây đang bị thu hẹp không gian sống.
Sáng 26/2, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang báo cáo nhanh gửi UBND TP về việc nhiều ha rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà bị tàn phá khiến dư luận bất bình trong những ngày qua.
Trong khi đó, hiện mới chỉ có ông Phan Văn Khoa (Kiểm lâm quản lý địa bàn thuộc Hạt kiểm lâm quận Sơn Trà) bị đề nghị truy cứu trách nhiệm và kiểm điểm.
Hàng trăm loài động vật quý bị đe dọa
Nhắc lại những vụ một số cá thể khỉ chạy xuống chân núi cắn người trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia về động vật hoang dã cho rằng, nguyên nhân là do môi trường sống đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Không chỉ là “lá phổi xanh" điều tiết khí hậu, bán đảo Sơn Trà còn được nhiều người biết đến là “vương quốc” của loài linh trưởng quý hiếm có tên Voọc chà vá chân nâu. Ảnh: Nguyên Vũ.
Bà Lê Thị Trang - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), cho biết hành vi khai thác rừng trái phép của một số người dân đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng Sơn Trà, đặc biệt là các loại động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ như Vọoc chà vá chân nâu, khỉ, chim, sóc...
Theo bà, những năm qua, do tình trạng tàn phá rừng diễn ra nhiều nên các loài động vật hoang dã bị thu hẹp không gian sống dẫn đến tử vong. Những cá thể còn sống chạy xuống khu dân cư để tìm kiếm thức ăn.
Ông Bùi Văn Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu của GreenViet, cho biết ở bán đảo Sơn Trà có khoảng 250 cá thể Vọoc chà vá chân nâu, hơn 280 loài thú, 106 loài chim và 15 loài động vật quý hiếm khác. Riêng ở quanh khu vực tiểu khu 62 - nơi vừa phát hiện vụ phá rừng, có gần 10 "gia đình" với khoảng 80 cá thể Vọoc chà vá chân nâu.
Khu vực rừng nguyên sinh bị một số người dân khai thác trái phép. Ảnh: Văn Tuấn
"Đối với loài động vật này, ở nơi nào có đa dạng sinh học cao thì chúng tìm đến tụ tập sinh sống. Ở tiểu khu 62 có nhiều loại cây và dây leo nên rất lý tưởng cho 'nữ hoàng linh trưởng' sinh sống. Việc người dân lên đây chặt cây, xây dựng lán trại để khai thác rừng khiến môi trường sống của động vật hoang dã bị mất đi. Nếu cứ đà này, thời gian không lâu nữa số lượng ít ỏi động vật quý hiếm sẽ không còn", ông Tuấn lo lắng.
Chỉ một cán bộ kiểm lâm bị đề nghị kỷ luật
Ông Điểu cho biết, qua kiểm tra thì có đến 4 hộ dân lên rừng Sơn Trà dựng lán trại, chặt cây làm đường để khai thác rừng trái phép. Cụ thể, ngày 9/11/2015, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã giao 7 ha rừng và đất lâm nghiệp ở tiểu khu 62 cho UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Sau đó, 4 hộ dân được nhận khoán số diện tích trên là các ông Nguyễn Văn Tâm, Lê Việt Hồng, Hoàng Văn Mạnh và Đỗ Văn Hởi (cùng trú phường Thọ Quang). Thời gian sau, ông Tâm ủy quyền sử dụng phần đất giao khoán của mình cho 3 người còn lại.
Trên thực tế, cả 4 hộ trên mới được UBND phường Thọ Quang cho nhận khoán diện tích đất rừng chứ chưa được phép khai thác. Nếu muốn khai thác họ phải có văn bản xin phép cơ quan chức năng. Trong quá trình khai thác, lực lượng kiểm lâm có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể để tránh ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở rừng nguyên sinh.
Quy định là vậy nhưng từ cuối năm 2015, ba người trên đã tự ý thuê hơn 10 công nhân vào rừng xây dựng lán trại, đốn hạ cây cao, phát quang dây leo để làm đường, phục vụ cho việc khai thác gỗ.
Điều đáng nói là nơi ông Hồng làm lán trại nằm bên đường dẫn vào khu du lịch Bãi Cát Vàng. Hàng ngày, lực lượng kiểm lẫm vẫn thường xuyên đi qua tuyến đường này.
"Khu vực này nằm sát con đường lớn mà lực lượng kiểm lâm không biết là điều khó có thể chấp nhận", ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông TP Đà Nẵng, bức xúc.
Phá rừng Sơn Trà, nhiều động vật quý bị đe dọa
Lực lượng chức năng kiểm tra việc một số người dân dựng lán trại để phá rừng nguyên sinh ở núi Sơn Trà. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà, thì phân trần do anh em nhầm lẫn khu vực này đã giao UBND phường Thọ Quang quản lý nên lơ là kiểm tra.
Vị này cũng cho hay, khu vực diễn ra vụ phá rừng do ông Phan Văn Khoa (Kiểm lâm quản lý địa bàn thuộc Hạt kiểm lâm quận Sơn Trà) phụ trách nên đơn vị đã bị đề nghị cơ quan cấp trên truy cứu trách nhiệm và kiểm điểm.
Hiện chưa có số liệu thống kế diện tích rừng bị tàn phá nhưng ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho rằng có dấu hiệu kiểm lâm thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. "Với dấu hiệu này mà chỉ có một kiểm lâm viên bị đề nghị kiểm điểm là quá nhẹ", vị lãnh đạo này nói.
Ông Ban cho biết, đơn vị đang chờ báo cáo cụ thể từ liên Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và các cơ quan chức năng. Quan điểm của lãnh đạo Sở là xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che cho hành vi tàn phá rừng của một số cá nhân cũng như những người có liên quan.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, đơn vị đã yêu cầu liên Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp với UBND phường Thọ Quang hoàn tất việc tháo dỡ lán trại, buộc công nhân làm thuê ra khỏi hiện trường, không để tình trạng xâm hại rừng tái diễn. Sau khi Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn báo cáo cụ thể về nguồn gốc đất, chủ sở hữu… Chi cục kiểm lâm sẽ có hướng xử lý.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 3 - 01/03/2016 03:48
- Thứ trưởng Công Thương 'né' khi bị truy vấn về Liên Kết Việt - 01/03/2016 03:38
- Sau Tết, gần 70% người lao động muốn nghỉ việc - 29/02/2016 09:30
- Bộ Tài chính nói về việc DN làm được 10 đồng, thuế ăn 4 đồng - 29/02/2016 02:35
- Vì sao Đà Nẵng trồng hoa anh đào ở công viên tư nhân? - 28/02/2016 03:52
Tin cũ hơn
- Bộ GTVT xem xét kỷ luật Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - 26/02/2016 04:46
- Bắc Bộ sẽ rét đậm tới hết tuần - 26/02/2016 04:39
- Xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng vì thuế ? - 26/02/2016 03:02
- Sự thật đằng sau những hóa chất độc hại ngâm tẩm hương - 25/02/2016 08:46
- Trung Quốc đang xây dựng phi pháp trạm radar trên quần đảo Trường Sa - 24/02/2016 03:04