• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người chết vì ô nhiễm không khí cao gấp 4 lần so với tai nạn giao thông

Nhiều người không nhận ra tác động của ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe vì đây là vấn đề diễn ra âm thầm, dai dẳng, không biểu hiện trực tiếp như tai nạn giao thông.

Chia sẻ này là của TS Lê Việt Phú, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế, ĐH Fulbright tại sự kiện “Tám” về môi trường - Ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Sự kiện do Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường phát triển (CHANGE) tổ chức tại TP.HCM chiều 3/1.

TS Phú đánh giá thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam vào năm 2013 có thể lên đến trên 10 tỉ đô la dựa trên phương pháp tiếp cận WTP (ước lượng mức chi trả cho sử dụng).

tapchithoidai o nhiem khong khi

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, đại diện tổ chức CHANGE cho biết, người dân nhiều nước trên thế giới đã phải sử dụng các chai "không khí sạch" để sử dụng trong điều kiện ô nhiễm. Ảnh: Hà Thế An.

Cụ thể, năm 2013, số lượng người chết do ô nhiễm PM 2.5 (bụi có kích thước 2.5 micromet) vào khoảng 40.000 người. Riêng với TP.HCM con số này vào khoảng 3000 người. Đây là những kết quả nghiên cứu dịch tễ học từ các tỉ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới.

Thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại về kinh tế thông qua việc mất thu nhập và giá trị mạng sống, ước tính tương đương khoảng 250.000 USD (khoảng 5 tỉ đồng)/người. Với tổng số người chết do ô nhiễm không khí, con số thiệt hại về kinh tế tương đương từ 0.9 - 1.42% GDP.

“Như ở Mỹ, các nhà khoa học tính toán với phương pháp WTP, mỗi người chết vì ô nhiễm không khí sẽ có giá trị lên tới 1 triệu USD. Điều này đặt ra vấn đề, nếu như các nước coi bảo vệ môi trường là mục tiêu chính thì chỉ số WTP sẽ rất cao. Ngược lại nếu các nước coi trọng vấn đề phát triển kinh tế thì chỉ số WTP sẽ thấp” - TS Phú cho hay.

 Đứng trước các vấn đề đó, TS Phú đề xuất, cần “luật hóa” chặt chẽ và cụ thể về vấn đề kiểm soát chất lượng không khí. Ông Phú đề xuất mức tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng không khí hiện nay là 25 microgam/m3 xuống 15-20 microgam/m3.

“Chúng ta làm công việc truyền thông, tuyên truyền về ô nhiễm môi trường những không có bất cứ một công cụ nào để ràng buộc xã hội thực hiện thì việc tuyên truyền coi như vô giá trị” - TS Phú cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng dựa trên các số liệu quan trắc về môi trường không khí, cơ quan nhà nước có thể quy hoạch, phân vùng xả khí thải.

TS Bằng lấy ví dụ, nếu khu vực quận, huyện nào đó có chỉ số ô nhiễm không khí trên mức cho phép thì các cơ quan quản lý nên dừng việc quy hoạch phát triển các nhà máy, khu công nghiệp, hạn chế phương tiện giao thông đi lại…

Các nhà máy cần phải có định mức xả thải khói bụi ra môi trường. Trong định kỳ một tháng, một quý, hay một năm chỉ được phép xả ra môi trường một lượng chất thải nhất định.

“Cần có kế hoạch giảm xe cá nhân sử dụng năng lượng hóa thạch. Khuyến khích việc sử dụng phương tiện công cộng, các loại hình xe chạy năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời…”- TS Bằng cho hay.

Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, đại diện Tổ chức CHANGE đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một văn bản luật về không khí sạch. Trong đó sẽ có các chỉ số cụ thể về chất lượng không khí tương đương theo chuẩn thế giới.

“Các chỉ số về chất lượng không khí của Việt Nam đang chênh lệch từ 2,5 đến 5 lần so với chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Vì thế, Việt Nam cần kiểm soát tốt hơn chất lượng không khí để tiệm cận với các chỉ số môi trường của thế giới” - bà Hồng cho hay.

Theo báo cáo chỉ số chất lượng môi trường (EPI) năm 2016 của trường ĐH Yale (Hoa Kỳ) ,  Việt Nam là một trong 10 nước có chất lượng không khí kém nhất được xếp hạng (170 trên 180 nước được thống kê).

Tại TP.HCM, trong năm 2016 có đến 14 ngày, tương đương 4% số ngày có nồng độ bụi 2.5 micromet (PM2.5) vượt quá tiêu chuẩn trong nước. Nếu so với tiêu chí của WHO thì lên đến 175 (tương đương 54%) ngày vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Theo Hà Thế An/khampha.vn