Khu tập kết hàng rong đầu tiên ở Sài Gòn đông nghẹt khách
- Được viết ngày Thứ sáu, 31 Tháng 3 2017 17:00
Khu chợ "gom" những người từng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bán hàng tại quận Tân Bình là điểm bán hàng rong tập trung đầu tiên của TP.HCM hoạt động đã tròn một năm.
Đêm ở khu bán hàng rong đầu tiên tại Sài Gòn Các hộ bán hàng rong trước chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) có cuộc sống ổn định khi được ban quản lý sắp xếp vị trí buôn bán tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Các tuyến đường xung quanh chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM) trước đây bị tình trạng người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Phần mặt tiền trước chợ trở thành chỗ giữ xe cho khách hoạt động từ sáng đến chiều.
Một năm qua, quận đã xóa tình trạng này bằng việc gom những người bán rong vào một chỗ để hoạt động ban đêm. Từ 17h, các xe hàng rong bắt đầu chuyển đồ ăn, bàn ghế ra kinh doanh buôn bán.
Chỉ trong vòng 30 phút, hàng chục người buôn bán nhanh chóng đẩy những chiếc xe hàng rong ở các con đường xung quanh chợ tới đây mang theo các loại đồ ăn, rau, gia vị ..., chuẩn bị cho buổi chợ.
Những người này trước đây cũng buôn bán xung quanh khu vực này, nhưng địa điểm không cố định. Hàng ngày, họ đẩy xe bán dọc khu phố hoặc các điểm trường học, khu vui chơi gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Theo Ban quản lý chợ, hiện khu tập trung hàng rong này có 20 hộ được gom về kinh doanh. Họ là những người có hoàn cảnh rất khó khăn, lao động vất vả nhưng không kiếm được là bao nhiêu tiền mỗi ngày.
Anh Trần Ngọc Phương (ngụ đường Nguyễn Bạch, quận Tân Bình) cho biết hai vợ chồng đều từng bán hàng rong, được chuyển vào đây đã gần một năm. "Thời gian đầu còn gặp khó khăn vì mất khách quen, nhưng dần cũng ổn định và an tâm buôn bán", chủ quán bún vịt nói.
Các gian hàng hối hả bày biện đồ ăn để chuẩn bị đón khi thành phố lên đèn.
Việc bố trí các hộ buôn bán tại khu vực này được thực hiện khá quy củ. Phần vỉa hè tuyến đường dành cho người đi bộ, các gian hàng rong sắp xếp theo dọc dài phía trước mặt tiền đường Phạm Văn Hai.
Mỗi hộ buôn bán tại đây được dùng ổ cắm điện riêng, gắn trên cột điện cao áp bên vỉa hè.
Bên trong là khoảng trống rộng rãi để các hộ buôn bán đặt bàn ghế cho khách ngồi. Khu chợ được hình thành từ tháng 3/2016. Khung thời gian hoạt động cố định là18h30 - 23h hàng ngày.
Khu hàng rong này được bố trí các khu vực ăn uống với nhiều quầy bán đồ ăn như cơm, các loại bún, mì, đến chè, trái cây... Do nằm ở vị trí mặt tiền chợ, nơi đông người qua lại nên các xe hàng luôn đông đúc khách.
Theo Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, các hộ bán phải đóng mức phí mặt bằng áp dụng theo quy định của UBND TP.HCM nhưng được miễn các loại chi phí về điện, nước, vệ sinh... Người bán cũng được đào tạo căn bản về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Con gái tôi bị bệnh nặng chữa trị rất tốn kém, bán được đồng nào đều lo cho con hết. Nhờ có khu hàng rong này, việc buôn bán ổn định hơn nên cuộc sống cũng đỡ khổ hơn", bà Huệ, một người bán bún ở đây chia sẻ.
Cũng thuộc diện khó khăn, trước đây vợ chồng chị Nguyễn Thị Bạch Trúc bán hàng rong bên hông chợ thường xuyên bị rượt đuổi vì gây mất an ninh trật tự. Từ ngày được gom về đây bán tập trung, cả gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ngoài những người đến ăn uống tại chỗ, khách ghé ngang mua đồ ăn mang đi cũng khá nhiều, rất thuận tiện.
Một số quán buôn bán thuận lợi, thu hút rất đông thực khách. “Khi dọn qua đây có nhiều hàng cạnh tranh nhau, không như một mình ngoài kia, nhưng dần dần ổn định. Khách biết đây là điểm chợ đêm nên tìm tới ngày càng nhiều”, chị Nguyễn Thị Chiêu Ly, một hộ bán hàng chia sẻ.
Chị Anh Thư (mang ba lô, ngụ quận Tân Bình) cho biết nhóm bạn của mình hay tụ tập về khu chợ hàng rong để thưởng thức đồ ăn, thức uống bởi giá cả bình dân. "Đồ ăn, uống ở đây khá đa dạng, ngon, sạch sẽ và được ngồi thoải mái, không thấp thỏm như ngồi ở ở các quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường", chị Thư nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền, bảo vệ chợ Phạm Văn Hai cho biết các hộ kinh doanh trước khi vào đây đều được hướng dẫn buôn bán nền nếp. Xe máy của khách được dựng bên trong chợ, không ảnh hưởng đến giao thông. "Chúng tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động nên bà con chấp hành tốt, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm".
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Một tuần nhìn lại: Xe chạy ngược chiều, 'biệt phủ' xây trái phép - 09/04/2017 02:42
- Dịch vụ tảo mộ qua mạng nở rộ ở Trung Quốc - 05/04/2017 09:15
- Miễn thu học phí đối với học sinh vùng lũ tỉnh Bình Định - 04/04/2017 04:21
- Lo ngại khi xây thêm cầu tàu trong bảo tồn biển Hòn Mun - 03/04/2017 04:02
- Dự báo thời tiết 2.4: Sài Gòn vẫn mưa, nhiệt độ xuống dưới 23 độ - 02/04/2017 02:41
Tin cũ hơn
- Hành động hay đối mặt với ô nhiễm môi trường? - 31/03/2017 03:13
- Peace Is Possible Việt Nam chính thức khởi động - 30/03/2017 02:43
- HH Sella Trương tham gia sự kiện 'Áo đổi áo' - 27/03/2017 03:02
- Thạc sỹ Lý Thị Mai ra mắt bộ sách 'Cùng Xây Mái Ấm' - 27/03/2017 02:05
- Du khách Trung Quốc: Quản cách nào? - 26/03/2017 05:08