• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

'Hương cống' – phóng sự xã hội đong đầy cảm xúc của hai đạo diễn trẻ Khánh Toàn và Trang Nhi

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đó là lời tâm sự của những anh công nhân thoát nước đô thị TP.HCM trong phóng sự Hương Cống do True Live sản xuất, đạo diễn Khánh Toàn và Trang Nhi thực hiện.

Khắp nơi rác ngập, dòng nước đen ngòm, đủ mọi thành phần rác thải, xộc lên những mùi hôi thối kinh khủng khiến ai ai cũng nhíu mày, bịt mũi khi đi qua. Đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được sau 1 ngày trải nghiệm cùng các anh công nhân thoát nước đô thị TP.HCM đang ngày đêm thầm lặng với công việc của mình.

Hai đạo diễn trẻ Trang Nhi (bên trái) và Khánh Toàn

Dẫu biết là khó khăn, cực khổ, gian lao là thế nhưng với những người công nhân ấy luôn mỉm cười, lạc quan và rất yêu nghề. Minh chứng cho lòng yêu nghề đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ: “Tôi theo nghề cũng được hơn 30 năm, tôi làm từ lúc tôi còn thanh niên, kêu bằng tóc tôi đen mà giờ bạc trắng, răng tôi đã rụng hết rồi. Đó mà tôi cũng phải theo nghề để tôi làm.”

Anh Ngô Chí Hùng

Chúng tôi theo chân các anh bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng, cái giờ mà cả thành phố đang ngủ say, người công nhân ấy lại lặng lẽ trầm mình xuống dòng nước đen ngòm để vớt rác. Cảnh tượng hiện ra trước mắt thật rùng rợn: Rác – rác – rác – mọi loại rác: kim tiêm, miểng chai, mở thối, đinh, bọc ni lông…Đặc biệt là gián. Gián bò khắp miệng cống, không khí xộc lên mùi hôi thối khinh hoàng. Khi nhìn cảnh tượng này, chúng tôi cảm thấy tức giận bởi ý thức và trách nhiệm của từng cá nhân con người đang dần mất đi. Họ chỉ biết xả rác vô tội vạ, bao nhiêu cặn bả, hôi thiu họ đều đổ xuống cống. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao thành phố ngày càng ngập nặng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Anh Nguyễn Văn Rượu vừa thực hiện công việc nạo vét của mình anh vui vẻ chia sẻ: “Lúc trước khi chưa làm công việc này, da tôi trắng lắm chứ bộ, giờ thì đen thui. Ngâm nước cống riết nó đen như táo Tàu. Làm riết cũng quen với mùi cống, vợ tôi mà không nghe mùi cống là bà nghi, bả biết tôi không đi làm. Có thời gian tôi bị lao phổi ho ra máu phải nhập viện vì đối diện và hít cái mùi này quá nhiều. Khổ lắm chứ nhưng không làm lấy gì mà sống.”

Có tận mắt chứng kiến mới thấy được nỗi khó khăn, nguy hiểm mà hàng ngày các anh phải đối diện. Để giảm bớt không khí làm việc, chúng tôi có hỏi anh Ngô Chí Hùng, anh làm công việc này thì anh có cái kỷ niệm nào vui không? anh cười thật tươi rồi nói: “Có mấy lần mà đi vét ở mấy con mương, mình đi ngang qua mấy cái nhà sàn của người dân á, nhiều khi người ta đi cầu rớt xuống trúng mặt, trúng đầu của mình.” Rồi anh cười thật to, bất chợt chúng tôi cười theo, nhưng trong nụ cười đó lại kèm theo những giọt nước mắt rơi lúc nào không biết.

Đời người công nhân thoát nước là thế hàng ngày họ vẫn phải xông vào, thậm chí trầm mình trong những dòng nước “hủy diệt” điều đó thật đáng sợ nhưng với những công nhân ấy, những sự ghê gớm đó quá đỗi quen thuộc.

“Theo nghề được 28 năm, cái nghề này là mẹ truyền con nối, lúc đầu cũng đắn đo suy nghĩ nhưng mình nghĩ, mẹ làm được thì mình làm được. Nhiều lúc cũng thấy buồn, vì nhiều người đi ngang họ không hiểu nên họ thấy mình họ bịt mũi.” Đó là tâm sự của anh Ngô Chí Hùng khi được hỏi vì sao đến với cái nghề này.

Với thu nhập hàng tháng từ 8 triệu đến 8 triệu rưỡi/ tháng vẫn chưa giúp họ được ấm no nhưng cái mà họ nhận được là phải đối mặt với nhiều rủi ro khi làm việc, bệnh tật về da và hô hấp. Chúng tôi, những người là nên chương trình này mong mỏi các cấp lãnh đạo có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các anh, chế tài những cá nhân thiếu ý thức trong việc xả rác bừa bãi để góp phần tạo nên một xã hội xanh và sạch.

Link bài phóng sự:

Theo phongcachtreonline