• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đại diện của CPL 'im lặng' trước khoản ngoại tệ khủng?

Theo dõi vụ tranh chấp dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa ngay khi mới phát sinh, trên cơ sở tài liệu phóng viên (PV) thu thập được, cùng ý kiến của các chuyên gia pháp lý, Báo Công an TPHCM đã có nhiều bài viết từ năm 2010 đến nay. Trong diễn biến mới nhất, PV đã đặt ra một loạt vấn đề nhằm "giải mã" khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà China Policy Limited (gọi tắt CPL) chuyển vào Việt Nam nhưng “quên” xin phép…

KHI ĐẠI DIỆN CPL “CHỈ ĐIỂM” PV TÁC NGHIỆP (?!)

Trong số những vấn đề mà PV Báo CATP đã đặt ra để trao đổi với CPL, có các điểm mấu chốt:

Nhiều luật sư (LS) nhận định, CPL ký “thỏa thuận khung” ngày 1-6-2007 với Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty HP) và chuyển 15,6 triệu USD vào dự án, không được xem là hoạt động đầu tư do CPL chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, không lập các thủ tục đầu tư để được cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư.

Mâu thuẫn gay gắt giữa hai bên, khiến Công ty HP không thể tiếp tục hợp tác, đồng thời xem xét hoàn lại số tiền mà CPL đã bỏ vào dự án…

LS Lương Văn Trung (thành viên của một công ty luật ở TPHCM) - đại diện ủy quyền của CPL, đưa ra một số thông tin, dẫn thêm nguồn nhiều bài báo trên mạng hay các văn bản, báo cáo để PV tham khảo (?)

Về “tư cách pháp nhân”, LS Trung dẫn chứng một số dự án bất động sản ở Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh không hề cần “tư cách pháp nhân tại Việt Nam” mà vào thẳng dự án (?!).

dai-dien-cua-cpl-im-lang-truoc-khoan-ngoai-te-khung-vanhoadoanhnhan-2

Dự án đang bị đình trệ do quyết định ngăn chặn của Cục THADS tỉnh Long An

Ông Trung cũng cho rằng HP đã thuê công ty luật “lớn nhất Việt Nam” (LS Trung tự đánh giá) tham gia soạn thảo, đàm phán và ký kết “thỏa thuận khung” cũng như quá trình giải quyết tranh chấp. Nếu để hỏi ý kiến pháp lý về đầu tư nước ngoài, PV nên liên hệ công ty luật này. CPL chỉ biết duy nhất có một LS khẳng định về sự vô hiệu của “thỏa thuận khung”. Đúng hay sai, PV nên phỏng vấn các cơ quan chức năng (LS Trung chỉ ra gần 10 cơ quan từ tỉnh Long An đến các bộ, ngành trung ương) để có thêm thông tin và quan điểm chính thống.

Liên quan đến “hợp tác”, LS Trung cho rằng Công ty HP phải tiếp tục tuân thủ và thực hiện đầy đủ các điều khoản của “thỏa thuận khung” và Phán quyết trọng tài. CPL tuân thủ pháp luật Việt Nam về đầu tư, cam kết bảo hộ đầu tư nên sẽ sử dụng các cách thức mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về năng lực tài chính: LS Trung cho biết đã cung cấp cho Công ty HP các tài liệu thể hiện năng lực tài chính của Công ty mẹ Chuang’s rồi mời PV vào 1 đường “link” trên mạng để lấy thông tin (?)

Với nội dung trả lời nêu trên cho thấy, đại diện CPL phản hồi chưa đầy đủ các vấn đề mà PV đặt ra. Trong khi đó, một số điểm PV không đề cập thì LS Trung “sốt sắng” trình bày như năng lực tài chính, hay “thỏa thuận khung” bị vô hiệu… Đại diện CPL còn “chỉ” cho PV phỏng vấn chỗ này, hỏi chỗ kia (?!)...

PHẢI TÔN TRỌNG SỰ THẬT VÀ THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT

Do còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, PV tiếp tục gửi 8 câu hỏi, đề nghị đại diện CPL trả lời thẳng vào từng câu để Báo CATP có cơ sở phản hồi đầy đủ ý kiến của CPL. Trong số 8 câu hỏi, hai vấn đề chính yếu được nhắc lại:

Thứ nhất, CPL có ý kiến gì khi cơ quan chức năng có văn bản ngày 7-11-2018, khẳng định: “Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”?

CPL đã lập thủ tục, hồ sơ, được Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cấp GCN đăng ký đầu tư thành lập Công ty TNHH China Policy (VN). Việc đăng ký đầu tư thành lập doanh nghiệp mới có liên quan đến tranh chấp với Công ty HP hay không? Vì sao CPL không tiến hành các thủ tục ngay từ khi đến VN hợp tác, ký kết với HP mà sau gần 12 năm mới lập?

Thứ hai, khoản tiền hơn 15,6 triệu USD mà CPL hợp tác với Công ty HP để triển khai dự án được chuyển vào Việt Nam theo phương thức nào và đã thực hiện nghĩa vụ thuế hay chưa?

Phản hồi PV, LS Trung cho rằng đã cung cấp những thông tin cần thiết, những câu hỏi mang ẩn ý cáo buộc hoặc chỉ trả lời “có hay không” không phù hợp với một vấn đề sâu và rộng về kinh tế, đầu tư, pháp luật trong nước và quốc tế như vụ việc này (?!).

dai-dien-cua-cpl-im-lang-truoc-khoan-ngoai-te-khung-vanhoadoanhnhan

Một góc dự án đang tranh chấp

Theo LS Trung, muốn có cái nhìn vụ việc khách quan, trung thực và phù hợp luật pháp Việt Nam thì PV nên liên hệ với Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Bộ Tư pháp, Cục THADS tỉnh Long An hay các cơ quan phụ trách an ninh về kinh tế.

LS Trung cho rằng CPL “tuân thủ pháp luật Việt Nam về đầu tư” nhưng không đưa ra căn cứ để minh chứng. Trên thực tế, việc đầu tư của CPL dù đi thẳng hay đi “vòng” vào dự án thì cũng phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam về đầu tư cùng các quy định pháp luật liên quan khác. Tức là, CPL phải lập các thủ tục đầu tư để được cấp GCN đầu tư. Đến thời điểm này, CPL vẫn chưa lập thủ tục là vi phạm Luật Đầu tư Việt Nam.

Vấn đề “nóng” đang được dư luận đặc biệt quan tâm nhưng cả hai lần trao đổi, LS Trung không đả động đến. Đó chính là khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD được CPL chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam. Báo CATP đã có loạt bài điều tra xác định việc chuyển số tiền này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về ngoại hối. Công luận đang chờ một lời giải thích rõ ràng từ CPL và Công ty mẹ Chuang’s nhưng đại diện của CPL vẫn luôn giữ “im lặng” (?!)

Qua Báo CATP, nhiều LS cùng bạn đọc kiến nghị các cơ quan chức năng, trong đó có Công an tỉnh Long An khẩn trương xác minh, làm rõ nguồn gốc khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD của CPL và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…

Theo congan.com 29/8/2019

Link nguồn: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/dai-dien-cua-cpl-im-lang-truoc-khoan-ngoai-te-khung_79208.html?