Cưỡng chế lấn chiếm vỉa hè cần theo trình tự pháp luật
- Được viết ngày Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 11:01
Các luật sư hoan nghênh việc quyết liệt "đòi lại" vỉa hè của quận 1; tuy nhiên, để tránh gây bức xúc cho người dân, quận 1 cần thực thi biện pháp cưỡng chế theo trình tự pháp luật.
Trên thực tế, có nhiều văn bản pháp luật quy định rõ hình thức xử phạt cho các hành vi chiếm dụng lòng đường, vỉa hè.
Chiếm dụng vỉa hè làm bãi giữ xe: Phạt 30 triệu đồng
Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tại điều 12 quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ ghi rõ:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.
Nhiều hộ dân kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè bị lực lượng chức năng xử lý, tịch thu bàn ghế, lập biên bản xử phạt. Ảnh: Hải An.
- Phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm như họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông. Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe.
- Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, 6-10 triệu đồng đối với các hành vi bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố.
Nhiều người dân tự phá bỏ lối lên xuống bằng thép, bê tông trước hiên nhà trên đường Phan Xích Long, Phan Đình Phùng trước khi cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: Lê Quân.
Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 5 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe. Nếu chiếm dụng 10-20 m2 thì sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng đối với cá nhân, 10-14 triệu đồng. Đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố từ 20 m2 trở lên sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng đối với cá nhân và 20-30 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn vật liệu, chất phế thải, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Xử lý vi phạm hành chính phải theo đúng trình tự
Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, chương 5 quy định về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm như sau:
- Lập biên bản ngừng thi công xây dựng
- Đình chỉ thi công xây dựng.
- Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm: thời hạn cưỡng chế từ 3 đến 10 ngày kể từ khi ban hành quyết định đình chỉ thi công. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Nhiều người đậu ôtô trên vỉa hè ngay lập tức bị đoàn liên ngành kiểm tra, lập biên bản xử phạt. Ảnh: Lê Trai.
Trong khi đó, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở.
Điều 5 quy định các hình thức xử phạt bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, còn có biện pháp xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động từ 6-24 tháng.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này thì nghị định yêu cầu phải phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đề cập đến vấn đề dẹp vỉa hè đang diễn ra ở quận 1 (TP.HCM), luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: "Tôi nghĩ, UBND quận 1 đã có kế hoạch và được thông qua chủ trương, mọi hành động đều đã có tính toán. Điều này cũng đã được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố xác nhận trong buổi họp báo trưa 27/2. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi hành chính, cụ thể là chấn chỉnh lề đường, vỉa hè, lực lượng chức năng cần phải tuân thủ về hình thức, trình tự, thủ tục theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành". Đồng quan điểm với ý kiến trên, luật sư Nguyễn Văn Điệp (Đoàn luật sư TP.HCM) hoan nghênh việc làm quyết liệt "đòi lại" vỉa hè của lãnh đạo quận 1. Tuy nhiên, theo luật sư Điệp, để tránh gây bức xúc cho người dân, lãnh đạo quận 1 cần thực thi biện pháp cưỡng chế theo trình tự pháp luật, ở đây là Luật Xử lý vi phạm hành chính. |
Theo Zing
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Thanh lý xe công, không nên ưu tiên cán bộ - 11/03/2017 09:03
- Bác sĩ lên facebook vạch trần xe cấp cứu nhái - 05/03/2017 05:53
- TP.HCM công bố 492 tuyến đường cấm đào trong năm 2017 - 04/03/2017 03:19
- Bắc Bộ đón bao nhiêu đợt rét trong tháng 3? - 03/03/2017 04:12
- Lắp đặt nhà vệ sinh thông minh ở trung tâm Sài Gòn - 02/03/2017 08:00
Tin cũ hơn
- Chuẩn bị xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam - 28/02/2017 09:21
- Tiết lộ bí quyết sống hơn 100 tuổi từ đất nước có tuổi thọ cao thứ hai thế giới - 26/02/2017 02:45
- Rét đậm, rét hại bao phủ các vùng núi miền Bắc - 24/02/2017 04:34
- Liệu pháp nằm xuống huyệt để vượt qua cú sốc ly hôn - 23/02/2017 07:55
- Cuộc sống ở nơi gần một nửa trẻ em không thể sống quá 5 tuổi - 20/02/2017 03:31