Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân thăm Việt Nam ngày 5.11
- Được viết ngày Thứ năm, 05 Tháng 11 2015 15:11
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trưa nay, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã đến Thủ đô Hà Nội bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện - Ảnh: Reuters
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu thăm chính thức Việt Nam trong vòng hai ngày (5 - 6.11). Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, người đứng đầu Trung Quốc có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, năm 2005, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Việt Nam.
Đúng 11 giờ 50, chuyên cơ chở Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã hạ cánh tại sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ra đón Chủ tịch Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh - Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Hoàng Bình Quân và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện
Phát biểu tại sân bay Nội Bài, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Tôi rất vui mừng sang thăm cấp Nhà nước tới Nước CHXHCN Việt Nam nhận lời mời của Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam anh em lời thăm hỏi chân thành và lời chúc tốt đẹp".
“Năm nay là kỷ niệm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm ngày quốc khánh, 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị núi sông liền một dải, chế độ chính trị giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền độ vận mệnh tương quan. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm, nội hàm quan hệ Trung - Việt ngày càng phong phú, trình độ không ngừng nâng cao. Bước vào thế kỷ mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng đi sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp quan trọng vào sự hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực”, ông Tập Cận Bình nói.
Xe chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân chờ sẵn ngay cửa xuống máy bay - Ảnh: Độc Lập
Đoàn quan chức tháp tùng cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Độc Lập
Đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình có: ông Vương Hộ Ninh, UV Bộ Chính trị; ông Lật Chiến Thư, Chánh văn phòng T.Ư Đảng, UV BCT; Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị (tính từ trước ra sau)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giao T.Ư Đinh Thế Huynh đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Độc Lập
Chủ tịch Tập Cận Bình vẫy tay chào trước khi vào xe - Ảnh: Reuters
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có mặt tại sân bay đón Chủ tịch Trung Quốc - Ảnh: Độc Lập
Lễ đón chính thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao tại Phủ Chủ tịch diễn ra vào chiều nay.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay (5/11), ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, khoảng 10 giờ 5 phút sáng mai (6/11), ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ đến Nhà Quốc hội Việt Nam.
Tại đây sẽ diễn ra lễ đón ông Tập Cận Bình, đồng thời sẽ tổ chức hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Hoa tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội.
Dự kiến, khoảng 10 giờ 35 phút, ông Tập Cận Bình sẽ vào thăm Quốc hội và phát biểu tại Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau 9 năm, đây là nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. “Trước đó, ông Hồ Cẩm Đào đã từng phát biểu trước Quốc hội ở hội trường Ba Đình cũ. Sau 9 năm, lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam với tư cách Nhà nước." - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Nói về nghi lễ đón tiếp ông Tập Cận Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Cũng như các đại biểu khác đến thăm Quốc hội, đều có nghi thức là Quốc hội đứng lên chào và vỗ tay. Ví dụ, vừa qua, ông Tổng Thư ký Ban Ki-mun đến Nhà Quốc hội cũng thế, các đại biểu đứng lên chào. Đây là nghi thức của Quốc hội, với tình cảm mến khách của người Việt Nam, Quốc hội Việt Nam. Sau khi ông Tập Cận Bình lên phát biểu ý kiến thì đồng chí Chủ tịch Quốc hội của chúng ta sẽ lên đáp từ, sau đó tiễn bạn ra về.”
Nói về lý do ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đó là “theo đề nghị của bạn.”
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định “bao giờ các nguyên thủ quốc gia khi sang nước khác phát biểu cũng làm sâu sắc thêm tình cảm, tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước.”
Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông cảm thấy sự kiện này là bình thường. “Trong quan hệ hai bên có vấn đề thì gặp gỡ cấp cao rất quan trọng để cùng trao đổi, cùng hiểu nhau, cùng chia sẻ với nhau.” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Tổng hợp
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Cần cẩu hơn 70 m đổ sập, 4 người gặp nạn - 18/11/2015 08:52
- Điện thoại nạm 112 viên kim cương kẹt trong máy bay - 16/11/2015 08:38
- Facebook sao Việt ngập tràn sắc màu quốc kỳ Pháp - 15/11/2015 04:41
- Giấy phép lái xe số tự động được cấp từ 1/1/2016 - 13/11/2015 02:47
- Ngọc Anh Nguyễn: Người họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ & Tướng Giáp sinh động như thật - 11/11/2015 09:02
Tin cũ hơn
- Khám phá những điều bạn chưa biết về Halloween - 30/10/2015 03:23
- Sự kiện tôn vinh 'Doanh nhân Sáng tạo, Sản phẩm - Dịch vụ uy tín, an toàn, chất lượng 2015' - 27/10/2015 08:36
- Hoa tươi giá đắt 'cắt cổ' ngày 20/10 - 20/10/2015 07:58
- Sách giáo khoa do Tp.HCM biên soạn riêng nên được áp dụng toàn quốc? - 19/10/2015 09:30
- Giá xăng tiếp tục giảm vào chiều nay - 19/10/2015 09:26