Câu Chuyện Cuộc Sống: 'Hài hước' nhưng phải biết điểm dừng
- Được viết ngày Thứ ba, 26 Tháng 11 2024 15:50
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: “Hài hước” nhưng phải biết điểm dừng; Người trẻ nên quan trọng đồng lương hay kinh nghiệm; Hạ cái tôi để nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
“Hài hước” nhưng phải biết điểm dừng
Hài hước là một biểu hiện tâm trạng đặc biệt, đây chính là một trong những công cụ giúp chúng ta thích nghi với môi trường và là phương pháp để chúng ta có thể giải tỏa áp lực, căng thẳng tinh thần khi đối diện với khó khăn. Ngoài ra, hài hước còn là chất xúc tác để chúng ta kết nối những mối quan hệ. Tuy nhiên, hài hước cần có sự hiểu biết và tinh tế, nếu không sẽ dễ gây khó chịu cho những người xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lệ (TP.HCM) thổ lộ: “Bản thân tôi rất thích những người có tính cách hài hước. Tuy nhiên, tôi thấy rằng hài hước cần phải đúng nơi đúng chỗ. Gần đây nhất, tôi bị một người bạn trêu mình, từ đó đã tạo cho tôi một cảm giác rất là khó chịu”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Khi chúng ta muốn sử dụng sự hài hước thì chúng ta cần phải lưu ý không gian, môi trường, đối tượng mà chúng ta muốn hướng đến. Tiếp theo, cần biết bản thân có đủ khả năng để biểu hiện sự hài hước tại thời điểm đó hay không. Mỗi ngày, chúng ta nên rèn luyện, nâng cao sự tự tin, bởi vì sự tự tin là yếu tố giúp chúng ta thể hiện tính hài hước một cách hiệu quả. Cuối cùng, chúng ta nên quan sát, lắng nghe, học hỏi từ những người có khả năng hài hước mà chúng ta cảm thấy có thể giúp ích cho chúng ta về sau”.
Hãy sử dụng sự hài hước một cách chừng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Để biết cách tận dụng sự hài hước của mình hiệu quả thì nên học cách lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Người thông minh, hài hước và duyên dáng sẽ là người luôn tạo được thiện cảm với mọi người xung quanh và dễ dàng thành công giao tiếp với bất kỳ ai. Từ đó, có thể xây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hữu ích trong cuộc sống cho bản thân mình.
“Hài hước” nhưng phải biết điểm dừng
Người trẻ nên quan trọng đồng lương hay kinh nghiệm
Trong cuộc sống hiện tại, giới trẻ đang gặp phải tình trạng mông lung giữa hai sự lựa chọn là nên chọn công việc với mức lương cao để nhanh chóng tự lập tài chính nhưng có thể không bền vững hay chọn một vị trí giúp họ tích lũy kinh nghiệm nhưng có mức thu nhập khiêm tốn hơn. Đứng trước áp lực từ gia đình, xã hội và bạn bè thì lựa chọn này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp và cách người trẻ nhìn nhận bản thân cùng những mục tiêu trong tương lai.
Anh Tuấn Anh (TP.HCM) chia sẻ: “Đối với mình thì công việc giúp mình giải quyết được vấn đề tài chính là quan trọng nhất, nên mình đã lựa chọn một công việc trái ngành sau khi ra trường. Mình làm việc cho một công ty chuyên về lĩnh vực vận chuyển, nên mức thu nhập của mình so với các bạn làm đúng chuyên ngành thì ổn định hơn. Sau khi ổn định tài chính, thì mình quyết định chuyển sang làm nhân viên dựng phim để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và phát triển công việc trong tương lai”.
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) khẳng định: “Đối với những bạn trẻ mới ra trường chưa có nhiều sự tích lũy để nâng cao năng lực của bản thân thì việc đầu tiên cần làm là các bạn cần trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Khi tìm việc, các bạn nên lựa chọn một đơn vị, vị trí mà giúp các bạn có thể học hỏi được nhiều khía cạnh và chi trả cho bạn một mức thu nhập hợp lý. Để có thể đương đầu với những khó khăn trong nghề nghiệp, chúng ta phải trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệp và kỹ năng làm việc”.
Kinh nghiệm làm việc và mức thu nhập luôn có mối liên quan đến nhau và rất khó để cân bằng. Việc quyết định nên chọn công việc có thu nhập cao hay công việc tích lũy được kinh nghiệm còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, mục tiêu dài hạn và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân. Song song đó, ở bất cứ vị trí công việc nào, chúng ta đều phải tích lũy đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể đạt được mục tiêu mà mình mong muốn.
Hạ cái tôi để nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau
Trong cuộc sống hàng ngày, vẫn có một số người quên đi tầm quan trọng của việc lắng nghe, thấu hiểu và nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Họ thường đề cao cái tôi và có thói quen áp đặt suy nghĩ của bản thân lên người khác. Điều này đã dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu lầm không đáng có.
Anh Phạm Hùng (TP.HCM) chia sẻ: “Trải qua nhiều vấn đề tôi cảm thấy rằng cái tôi là nguyên nhân dẫn đến những cuộc cãi vả. Trong những buổi trao đổi với vợ tôi về cách nuôi dạy con cái, thì tôi cho là ý kiến của tôi luôn đúng và không chịu lắng nghe vợ. Điều này khiến cho mối quan hệ của vợ chồng tôi ngày càng bất đồng, xa cách và khó hàn gắn”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK) khẳng định: “Để nhìn nhận được vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, đầu tiên chúng ta cần phải ngừng so sánh bản thân của mình với người khác, tôn trọng sự khác biệt của mỗi người. Thứ hai, chúng ta phải biết mở lòng, lắng nghe nhiều hơn, vì một người có kỹ năng lắng nghe tốt thì sẽ giúp họ có khả năng học hỏi, chia sẻ được rất nhiều điều từ cuộc sống. Thứ ba, chúng ta sẵn sàng lắng nghe góp ý, thay đổi để hoàn thiện bản thân mình ngày càng tốt hơn”.
Biết hạ cái tôi, điều tiết cảm xúc trong mọi hoàn cảnh, nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh thì sẽ biến cái tôi thành chất xúc tác để có thể không ngừng nâng cao bản thân và đó cũng là chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự thành công.
Hạ cái tôi để nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Văn Tuyết
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Miền Bắc tăng nhiệt trước khi bước vào 2 đợt không khí lạnh liên tiếp - 10/12/2024 05:00
- Real Talk: Trẻ vị thành niên trả giá đắt cho sự bốc đồng: Từ giây phút nông nổi đến án tử hình - 09/12/2024 07:55
- Đời Rất Đẹp: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay từng đào tạo gần 6.000 bác sĩ Đông y - 29/11/2024 09:24
- Lời Cảnh Báo: Nguy cơ ngộ độc từ củ ấu tàu - 29/11/2024 08:00
Tin cũ hơn
- Lời Cảnh Báo: Mất tiền oan từ 'ma trận' lừa quét mã QR - 15/11/2024 09:35
- Đời Rất Đẹp: Sự gắn bó đặc biệt của cô Đinh Thị Kim Phấn và bệnh nhi ung thư - 15/11/2024 08:45
- Lời Cảnh Báo: Bẫy lừa từ các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe' - 25/10/2024 04:17
- Đời Rất Đẹp: Lớp học đặc biệt của thầy giáo công nhân Hoàng Trọng Khánh - 24/10/2024 08:01
- Câu Chuyện Cuộc Sống: Tổn thương vì những lời đồn vô căn cứ - 22/10/2024 04:37