Câu Chuyện Cuộc Sống: Cần đặt mục tiêu trong công việc
- Được viết ngày Thứ ba, 08 Tháng 10 2024 09:29
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Phải làm gì khi có tính tự ái cao; Cần đặt mục tiêu trong công việc; Bĩnh tĩnh đối diện mọi chuyện trong cuộc sống.
Phải làm gì khi có tính tự ái cao?
Tự ái thường là biểu hiện của một người đề cao cái tôi quá mức. Điều này sẽ dẫn đến việc cáu gắt, bực tức, giận dỗi khi có người đánh giá thấp hoặc coi thường bản thân. Người có tính tự ái cao sẽ gặp nhiều trở ngại trong công việc cũng như các mối quan hệ xung quanh.
Bạn P.T.N (TP.HCM) thổ lộ: “Em thấy bản thân em đã tốt rồi nhưng mà khi ba mẹ nhắc về những người con của họ hàng, những người giỏi hơn thì em cũng tự ái”.
Bạn L.M.L (Long An) chia sẻ: “Bài tập của cả nhóm thì mình có quyền góp ý nếu như cảm thấy chưa ổn, nhưng mà có nhiều bạn có tính tự ái cao. Mình khéo léo nhắn tin riêng để góp ý nhưng các bạn không chịu, còn giận ngược lại và không trả lời tin nhắn. Nói chung làm việc với những bạn có lòng tự ái cao thì cũng mệt lắm”.
Thạc sĩ Phạm Thế Châu (Chuyên gia đào tạo kỹ năng sống) cho biết: “Cái khuynh hướng tự ái nó đến từ việc chúng ta có nhiều thành tích, chúng ta tự huyễn hoặc và tự cho rằng bản thân là người rất tuyệt vời. Một số người ở vị trí quyền lực trong xã hội có khuynh hướng lãnh đạo, chỉ đạo người khác. Chính vì thế nếu không cẩn thận sẽ dễ rơi vào quán tính là luôn góp ý, chỉ đạo người khác chứ không phải là người khác góp ý, chỉ đạo cho mình. Nên khi những người dưới quyền góp ý, phê bình thì lập tức chúng ta sẽ có phản ứng cực đoan. Tác hại tiếp theo của tự ái là gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp, trong mối tương quan với bạn bè khi muốn góp ý cho chúng ta bằng sự chân thành bởi người ta thấy được hạn chế của mình hơn bản thân mình. Tuy nhiên, khi người ta biết mình là một người rất dễ tự ái, dễ bị cảm xúc tác động nên người ta sẽ không dám góp ý. Chính vì thế chúng ta sẽ không nhận được những lời góp ý chân thành từ bạn bè, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của chúng ta”.
Để điều chỉnh tính tự ái cao, đầu tiên, hãy nhận thức và chấp nhận bản thân cũng có khuyết điểm và bắt đầu quá trình thay đổi bản thân. Tiếp theo, cần tập trung vào phát triển bản thân, không so sánh với người khác. Quan trọng nhất là cần hạ cái tôi để nhìn rõ những điểm mạnh của người khác thay vì duy trì những cảm xúc ganh ghét, đố kỵ. Đồng thời khiêm tốn sẽ giúp chúng ta dám đối mặt để học hỏi, tiếp thu những đóng góp của mọi người để trở nên tốt hơn.
Phải làm gì khi có tính tự ái cao
Cần đặt mục tiêu trong công việc
Trong công việc, mục tiêu chính là khởi đầu mọi thành tựu, chìa khóa mở lối thành công. Mục tiêu giúp mỗi người xác định được đích đến để nỗ lực phát triển sự nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Viễn (Chủ tịch HĐQT Cty CP Dịch vụ Quản lý Bất động sản Nhà Tôi) nhận định: “Mục tiêu là phải thật rõ ràng, cụ thể và phải đạt được chứ không phải là theo kiểu mục tiêu không bao giờ đạt được. Nguyên tắc của mình là sẽ đặt mục tiêu ngắn. Khi đã có phát triển bản thân tốt hơn, sống tử tế hơn, có cái nhìn thông cảm đa chiều hơn thì chúng ta sẽ có sự tự tin. Đồng nghĩa với công việc trong cuộc sống sẽ tốt hơn”.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên (Chuyên gia Kỹ năng sống) chia sẻ: “Để đặt mục tiêu hiệu quả, thứ nhất, cần đặt mục tiêu cụ thể. Thứ hai, mục tiêu đó phù hợp với năng lực của bản thân. Thứ ba, mục tiêu hướng đến những điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta đang có. Cuối cùng, phải có lộ trình thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Chúng ta cần chi tiết hóa từng phần trong mục tiêu để xử lý được những hạn chế, rủi ro trong quá trình thực hiện”.
Mục tiêu chính là đích để chúng ta định hướng rõ con đường mà mình cần đi, các bước mình thực hiện. Vì thế mỗi người hãy xây dựng cho bản thân một mục tiêu phù hợp và kiên định nỗ lực vì mục tiêu đó. Hãy luôn tin tưởng thành công sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta trên từng bước đường chinh phục mục tiêu đó.
Cần đặt mục tiêu trong công việc
Bình tĩnh đối diện mọi chuyện trong cuộc sống
Giữ được sự bình tĩnh đối diện với mọi điều trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Biết cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống sẽ giúp chúng ta làm chủ được cảm xúc và hành động của bản thân. Từ đó sẽ đạt được những thành công trong công việc và các mối quan hệ.
Anh Thế Vinh (Vĩnh Long) chia sẻ: “Tính của tôi khá nóng và thường không giữ được bình tĩnh trước những chuyện bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Có lần tôi liên tiếp gặp phải áp lực trong học tập và công việc, những việc liên tiếp dồn nén khiến tôi không giữ được cảm xúc của bản thân và tôi đã có những lời lẽ không hay gây tổn thương đến mọi người xung quanh. Sau việc đó họ không muốn gặp mặt tôi và tôi gặp nhiều khó khăn trong công việc vì tôi không giữ được bình tĩnh”.
Bà Cao Kim Thắm (Chuyên gia tâm lý) cho rằng: “Hiện nay khi đối mặt nhiều với những khó khăn trong cuộc sống hoặc những biến cố xảy ra thì có rất nhiều người không giữ được bình tĩnh. Trạng thái bình tĩnh là trạng thái cân bằng về cảm xúc. Trong những tình huống mà không giữ được bình tĩnh sẽ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, có nhiều suy nghĩ tiêu cực dẫn đến bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực. Khi đó mình không kiểm soát được hành vi, lời nói của bản thân sẽ dẫn đến việc làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác. Chúng ta sẽ làm mất các mối quan hệ làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Khi đối mặt với những tình huống gây căng thẳng, lo lắng mà mình không quản lý được cảm xúc thì đầu tiên chúng ta cần quay lại hít thở lấy lại sự bình tĩnh. Tiếp theo là thay đổi môi trường để không phải tiếp tục căng thẳng với vấn đề đó. Một cách khác là thay đổi góc nhìn về vấn đề để nhìn ra chủ đích tích cực của vấn đề”.
Nếu biết cách giữ được bình tĩnh chúng ta có thể suy nghĩ rõ ràng để đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý. Đồng thời sự bình tĩnh giúp cải thiện mối quan hệ, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tinh thần. Nhờ vậy chúng ta không chỉ kiểm soát được cảm xúc mà còn tạo ra một môi trường sống tích cực và hài hòa.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Nhung Nguyễn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Lời Cảnh Báo: Mất tiền oan từ 'ma trận' lừa quét mã QR - 15/11/2024 09:35
- Đời Rất Đẹp: Sự gắn bó đặc biệt của cô Đinh Thị Kim Phấn và bệnh nhi ung thư - 15/11/2024 08:45
- Lời Cảnh Báo: Bẫy lừa từ các nhóm kín 'tư vấn sức khỏe' - 25/10/2024 04:17
- Đời Rất Đẹp: Lớp học đặc biệt của thầy giáo công nhân Hoàng Trọng Khánh - 24/10/2024 08:01
- Câu Chuyện Cuộc Sống: Tổn thương vì những lời đồn vô căn cứ - 22/10/2024 04:37
Tin cũ hơn
- LocknLock đồng hành cùng cộng đồng vượt thử thách sau bão YAGI - 04/10/2024 04:15
- Đời Rất Đẹp: Nguyễn Trần Thủy Tiên toàn tâm cống hiến cho cộng đồng người điếc ở Việt Nam - 27/09/2024 02:11
- Luật hôn nhân đồng giới của Thái Lan gây chú ý - 25/09/2024 07:07
- Edena trao tặng 1000 chiếc chăn cotton hỗ trợ đồng bào miền Bắc sau cơn bão số 3 - 24/09/2024 04:49
- Âm thầm làm từ thiện, khoản quyên góp 10 triệu USD của 1 tỷ phú bị nhầm là thư rác - 16/09/2024 09:20