Dự kiến thu 123 tỷ đồng trong năm 2016
Theo báo cáo, dự kiến kết quả tài chính năm 2015 như sau: Doanh thu 101 tỷ 498 triệu đồng, đạt tỷ lệ 87,5%; Chi phí 101 tỷ 235 triệu đồng, đạt tỷ lệ 92,05%. Lợi nhuận 245 triệu đồng.
Trong năm 2015, công ty VPF đã thực hiện hỗ trợ trước thuế cho 22 CLB là 15,289,300,000 VNĐ, hỗ trợ LĐBĐVN 10 tỷ VNĐ để phục vụ công tác đào tạo trẻ, hoạt động các đội tuyển bóng đá quốc gia, đào tạo trọng tài và các hoạt động khác của LĐBĐVN. Mùa giải 2016, Công ty VPF dự kiến sẽ dành 35,6 tỷ hỗ trợ các CLB và LĐBĐVN.
VPF dự kiến sẽ chi gần 121 tỉ đồng trong năm 2016. Công ty không chia cổ tức mà thực hiện hỗ trợ tài chính dưới hình thức chấm điểm việc chấp hành quy chế bóng đá chuyên nghiệp và điều lệ giải theo kết quả xếp hạng mùa giải 2016.
Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2015 của VPF vừa diễn ra
Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ, hiện VPF đã đàm phán thành công với nhà tài trợ chính Giải VĐQG 2016. Mùa giải tới Công ty VPF cũng đã đàm phán thành công với một công ty bảo hiểm, áp dụng mua bảo hiểm cho toàn bộ cầu thủ, HLV, Trọng tài, Giám sát, các thành viên tham dự hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp QG 2016.
"Vấn đề tài trợ cho mùa giải đã xong. Ngày 24/12 tới đây chúng tôi sẽ tổ chức lễ công bố nhà tài trợ cho mùa giải 2016. Công ty Toyota sẽ tiếp tục đồng hành với VPF. Họ đánh giá rất cao những nỗ lực của VPF trong năm qua, đồng thời cho biết đã sự hiệu quả vượt hơn mong đợi nên chắc chắn số tiền tài trợ trong năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015. Trong khi đó, giải hạng Nhất diễn ra muộn hơn nên chúng tôi vẫn tìm một nhà tài trợ có gói cao nhất", tân Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết.
Cũng như năm 2015, VPF tiếp tục có những hỗ trợ cho CLB và VFF. Cụ thể, dự kiến VPF hỗ trợ trước thuế cho 14 CLB V-League 16 tỉ 800 triệu đồng, 10 CLB hạng nhất là 6 tỉ đồng. Tổng hỗ trợ các CLB là 22 tỉ 800 triệu đồng. Dự kiến năm 2016, VPF hỗ trợ trước thuế cho 14 CLB V-League 16 tỉ 800 triệu đồng, 10 CLB hạng nhất là 6 tỉ đồng. Tổng hỗ trợ các CLB là 22 tỉ 800 triệu đồng.
Ông Thắng cho biết, kể từ khi thành lập VPF, các thành viên HĐQT công ty chưa ai lấy một đồng lương nào, mà đều phải tự bỏ tiền túi ra.
Đặc biệt, VPF sẽ không phải chi một xu nào để mua bảo hiểm cho cán bộ công nhân VPF, trọng tài giám sát, cầu thủ tham gia mùa giải 2016 (dự kiến 920 người) vì đã thỏa thuận được với một công ty bảo hiểm phương thức "hàng đổi hàng". Đây chính là "quà ra mắt" của tân TGĐ Cao Văn Chóng.
Mùa giải 2016 có 1 đội chính thức xuống hạng
Trong chiều nay, VPF đã tiến hành lễ bốc thăm lịch thi đấu cho 3 giải chuyên nghiệp và công bố điều lệ mùa giải mới.
Mùa giải 2016 có 14 CLB tham dự giải vô địch quốc gia gồm: Becamex Bình Dương, Hà Nội, Hà Nội T&T, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Long An, QNK Quảng Nam, Sanna Khánh Hòa BVN, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa, Đồng Tháp, XSKT Cần Thơ.
Giải hạng Nhất QG 2016 có 10 CLB tham dự gồm: Bình Phước, Cà Mau, Huế, Đăk Lăk, Đồng Nai, Nam Định, Tp HCM, Phú Yên, Viettel, XM Fico Tây Ninh. Các CLB bốc thăm ngẫu nhiên vào các mã số từ 1 đến 10.
Lễ bốc thăm lịch thi đấu mùa giải mới của bóng đá Việt Nam
Quy định lên xuống hạng của mùa giải 2016 đã được trình lên HĐQT và Ban điều hành của LĐBĐVN với nội dung: Đội xếp thứ nhất Giải HNQG chính thức được thăng hạng, 3 đội có thứ hạng kế tiếp đảm bảo các yêu cầu quy định sẽ cùng với đội áp chót của giải VĐQG thi đấu các trận play off để xác định đội thứ 14 được quyền thi đấu tại giải VĐQG 2017.
Theo cựu Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, quy định lên xuống hạng này để tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh cao và tránh tiêu cực. Đây là cách làm được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng. Về cơ bản VFF đã đồng ý với phương án này, nhưng đây là sân chơi chung nên VPF phải chờ câu trả lời của các đội bóng.