HLV Miura ra đi, U23 Việt Nam còn lại gì?
- Được viết ngày Thứ sáu, 22 Tháng 1 2016 11:15
Nhiều khả năng ông Miura sẽ chia tay bóng đá Việt Nam sau khi hết hợp đồng vào tháng 4/2016. Chia tay thì dễ, nhưng giải quyết hậu quả mới là việc khó…
VFF sẽ phải đau đầu giải quyết "hậu quả" sau khi HLV Miura chia tay bóng đá Việt Nam.
Nếu xét về năng lực, không thiếu HLV nội đủ điều kiện để thế chỗ HLV Miura. Các chuyên gia đều cho rằng nếu làm như ông Miura thì bất cứ HLV nội nào cũng có thể tốt hơn, nhờ sự phù hợp, am hiểu, biết tiếp thu và… buộc phải tiếp thu.
Ai sẽ ngồi ghế nóng?
Bóng đá Việt đang có một lứa HLV trẻ từ cựu tuyển thủ đi lên. Họ có tài, có tiềm năng và điều quan trọng là không quá vướng bận công việc cá nhân.
Cái tên sáng nhất trong nhóm này có thể kể đến Hữu Thắng. Ông Thắng cầm các CLB V.League chưa nhiều, nhưng từ HN T&T đến SLNA, ông đều để lại dấu ấn rõ nét nhờ uy mãnh trên sân cỏ nhưng lại rất tình cảm trong phòng thay đồ.
Thời gian gần đây, Hữu Thắng đang úp mở khả năng trở lại nghiệp huấn luyện. Suýt nữa ông đã thành người của CLB Thanh Hóa, nhưng quyết định thay đổi vào phút chót, bởi có lẽ ông đang nhắm đến một cái đích xa hơn. Chính vì lý do đó, nhiều người tin rằng chiếc ghế của Miura đang đợi để ghi tên Hữu Thắng.
HLV Hữu Thắng là một trong những người đủ khả năng và bản lĩnh nắm ĐTVN.
Hoàng Anh Tuấn cũng là một ứng viên tiềm tàng. Ông Tuấn “con” nhiều kinh nghiệm khi làm trợ lý ĐTVN ở AFF Cup 2012 và mới đây còn dẫn dắt U19 VN lứa “hậu Công Phượng”. Thời còn ở Khánh Hoà, ông Tuấn cũng đã có tiếng là tướng thiên biến vạn hoá, có thể đưa một đội bóng trung bình thành “ngựa ô” của V.League nhiều năm.
Đấy là mới chỉ điểm danh những nhân tài đang nhàn rỗi. Bận rộn như Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng… cũng hoàn toàn có thể trở thành HLV trưởng khi ông Miura về nước, vấn đề là họ có chịu hy sinh công việc ở CLB, hoặc còn đủ mặn mà để trở lại cương vị từng thất bại hay không...
Văn Sỹ, Quang Hà, Hồng Sơn, kể cả trợ lý một thời gian dài của Miura là Công Minh cũng có thể được tính trong danh sách “xét tuyển”. Tất nhiên là với những HLV này, khả năng chuyên môn còn phải cân đong đo đếm.
Nhưng, cái khó của một ông thầy nội không phải ở năng lực, mà là ở cái nhìn từ lãnh đạo VFF. HLV Hoàng Văn Phúc từng ngậm đắng nuốt cay rời ghế HLV trưởng ĐTVN khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng buông thõng một câu: “HLV nội thì làm được cái gì”!
Câu nói đó là nhát dao cứa vào lòng tự ái của không chỉ riêng ông Phúc. HLV Phan Thanh Hùng hơn ai hết, là người hiểu cái giá phải trả khi bị đưa ra làm vật tế thần sau thất bại ở AFF Cup 2012 trên đất Thái.
Những con số thống kê ĐTVN dưới thời 2 vị HLV ngoại Calisto và Miura.
Tiếng dữ đồn xa, phương án thầy nội vì thế dù rất gần và cũng không hề thiếu tính hiệu quả, nhưng nó không thật sự khả thi. Người ta bảo chỉ dùng thầy nội tốt nếu… thay lãnh đạo VFF.
Và tài sản còn lại là gì?
Có lẽ VFF sẽ lại đăng tuyển tìm thầy ngoại. Cứ chiểu theo “biểu đồ” học tập kinh nghiệm của các quan chức đứng đầu bộ máy này thì không ngạc nhiên lắm, nếu kế vị ông Miura là một thầy Hàn.
Nhưng thầy nào thì cũng cần trò giỏi để làm nên thành tích. Sau 2 năm HLV Miura tại vị, điều đáng tiếc nhất là ông gần như đã làm chững lại cả lứa HAGL khi họ đang ở độ tuổi bật vọt về chuyên môn.
Người hâm mộ chỉ trích sự bảo thủ của HLV Miura
Không ít fan Việt Nam cho rằng sai lầm trong việc sử dụng nhân sự của HLV Toshiya Miura là nguyên nhân khiến U23 Việt Nam bị loại khỏi giải U23 châu Á từ vòng bảng.
Các nhà chuyên môn đôi khi vẫn lấy sự bết bát, rệu rã của HAGL ở V.League ra bàn chuyện tiêu khiển, nhưng kỳ thực, chính môi trường ấy chứ không phải các đội tuyển của Miura, mới là chỗ để Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… duy trì và tự trưởng thành.
Những con gà nòi phố núi được gọi lên tuyển nhiều và đều đặn, nhưng ngoại trừ trận đấu thủ tục với U23 UAE mới đây, họ chưa bao giờ được tạo cơ hội ra sân cùng nhau và chơi thứ bóng đá đã ăn vào bản năng của họ.
Ông Miura không kỳ thị gì các cầu thủ HAGL, nhưng ông đòi hỏi họ phải thích nghi theo triết lý riêng của ông. Triết lý ấy đi ngược hoàn toàn với những gì họ được đào tạo, và bởi thế, mỗi lần lên tuyển là mỗi lần “lò” bầu Đức thui chột hết các giá trị vốn có.
Trong 2 năm qua, ông Miura không định hình được lối chơi nào cụ thể cho bóng đá Việt. Giải đấu nào, trận đấu nào đối với ông cũng là thử nghiệm. Cái tốt là nhiều cầu thủ đã được ra sân, nhưng cái tai hại là nhiều cầu thủ không biết làm thế nào chứng tỏ khả năng của họ ở vị trí trái kèo, còn đội tuyển cũng hiếm khi có được sự ăn ý, kết dính.
Cũng may, ở buổi hoàng hôn của triều đại Miura, ông vẫn kịp cho người ta thấy rằng lối chơi dựa trên bộ khung HAGL chưa chết, dù thực tế là dưới tay ông, nó không còn đất sống. Sự thức tỉnh muộn màng (cũng có thể là… vô thức) ấy của Miura giúp người kế nhiệm ông, dù có là ai đi nữa, cũng phải bám lấy bộ khung HAGL và lối đá HAGL nếu muốn đi tìm thành tích, hoặc đơn giản là đi tìm sự ủng hộ của số đông.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- CLB Mito Hollyhock cân nhắc chuyện hủy hợp đồng khi Công Phượng chấn thương - 25/01/2016 08:59
- Arsenal có thành tích đáng buồn khi gặp Chelsea ở Premier League - 25/01/2016 05:09
- Một lần nữa, Arsenal thất bại trước Chelsea - 25/01/2016 03:11
- 'Mỹ nam' James Rodriguez ngày càng buông thả và biến chất - 24/01/2016 04:33
- U23 Việt Nam nên nhìn lại sau vòng chung kết Châu Á để rút kinh nghiệm - 22/01/2016 10:01
Tin cũ hơn
- Công Phượng bị gãy chân, kế hoạch sang Nhật bị đảo lộn - 21/01/2016 10:02
- HLV Miura nếu bị sa thải sẽ khó kiếm việc ở Nhật - 21/01/2016 08:42
- Tuấn Anh 'tố cáo' sai lầm của HLV Miura - 21/01/2016 04:51
- U23 Việt Nam nhận thất bại thứ ba dù liên tục dẫn trước - 21/01/2016 02:04
- Tổng cục TDTT: ‘VFF cần đánh giá thẳng thắn về HLV Miura’ - 20/01/2016 05:51