Thủy ngân, khói bụi gây bệnh nguy hiểm thế nào?
- Được viết ngày Thứ sáu, 29 Tháng 4 2016 14:33
Không chỉ có thủy ngân, bụi kích cỡ nhỏ cũng có thể xâm nhập sâu vào phế quản, phế nang, tích luỹ gây các bệnh nguy hiểm.
Thủy ngân dễ ngấm vào máu
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng mới đây đã lên tiếng bác thông tin thủy ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội.
Ông Tùng cho biết, đây chỉ là số liệu quan tắc thủy ngân từ mưa axit tại một điểm ở Hà Nội, đến nay mới có kết quả bước đầu cần nghiên cứu thêm, dù vậy người dân vẫn hết sức lo lắng.
Theo ThS.BS Vũ Văn Thành, trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, thủy ngân rất dễ hấp thu vào máu, đặc biệt ảnh hưởng đến bà mẹ mang thai, nếu tỉ lệ nhiều có thể gây nên những triệu chứng thần kinh như nhức đầu, tê bì... nặng hơn nữa có thể ảnh hưởng đến trí não.
BS Vũ Văn Thành cho rằng người dân không nên lo lắng thái quá về thông tin thủy ngân trong không khí Hà Nội.
BS Thành cho biết, trong ngành y hay gặp những trường hợp ngộ độc thủy ngân cấp tính gây hoại tử ống thận cấp, suy thận cấp. Còn trường hợp môi trường có tỉ lệ thủy ngân thấp, không gây nhiễm độc cấp tính thì sẽ tích lũy dần dần.
"Kích thước hạt quyết định mức độ độc của thủy ngân. Nếu hạt lớn trên 5 micromet sẽ chủ yếu động ở mũi, họng, hầu, cùng lắm tới khí quản. Còn với hạt thủy ngân nhỏ hơn 2 micromet thì có thể vào sâu phế nang, thậm chí di trú sâu trong phổi gây các bệnh cấp tính và các tổn thương lâu dài mạn tính", BS Thành phân tích.
Dù vậy, BS Thành cho rằng người dân cần hết sức tỉnh táo, chắt lọc thông tin, cần thẩm định xem nguồn từ đâu. Khi các ngành chức năng chưa có khuyến cáo, cảnh báo về sự xuất hiện của thủy ngân, nồng độ thủy ngân thì không nên lo lắng thái quá.
Khói bụi nguy hiểm không kém
BS Thành cho rằng, người dân cứ nghe thấy thủy ngân là hoang mang mà không biết rằng khói bụi cũng nguy hiểm không kém.
Theo BS Thành, bụi gồm bụi vô cơ (bụi đường) và bụi hữu cơ (không nhìn thấy) mà điển hình là khói thải chứa đủ các khí độc như CO, NO, Benzen... và các hợp chất hữu cơ khác, chưa kể các chất sinh học từ rác thải, cống rãnh.
Người dân hít thở hàng ngày nên chịu ảnh hưởng trực tiếp. Thống kê cho thấy, trên 50% trẻ em đến khám ở các bệnh viện Nhi, chuyên khoa nhi là mắc bệnh về đường hô hấp.
"Hạt bụi có kích thước trung bình có thể bị giữ lại thảm nhầy nhung mao trên bề mặt phế quản, sẽ bị đẩy ra ngoài theo phản xạ ho. Còn các hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micromet với đủ các thành phần hóa học có thể vào sâu trong phổi, phế nang. Theo thời gian tích lũy dần dần, khi đủ lượng sẽ gây các bệnh mạn tính", BS Thành thông tin.
Theo đó với người lớn, khi tích lũy lâu dài các bụi hữu cơ, bụi hóa chất có thể gây ra bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khói bụi kết hợp với môi trường ẩm là yếu tố khởi phát hen phế quản.
Trong quá trình điều trị, BS Thành cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp mắc bệnh phổi liên quan đến khói thuốc lá, khói độc hại trong nhà xưởng. Các công nhân vệ sinh môi trường, người đốt rác, đốt lò vôi... cũng có nguy cơ rất cao.
"Điển hình nhiều trường hợp hen cứ vào viện là khỏi, nhưng về nhà mấy hôm lại phải vào tiếp. Thấy lạ chúng tôi mới hỏi thỉ được biết nhà hàng xóm thường xuyên nấu phở bằng than tổ ong, nên cứ về nhà là lại lên cơn hen suyễn, còn đi xa nguồn ô nhiễm đó là lại hết", BS Thành chia sẻ.
Với bệnh hen, các chuyên gia cảnh báo, nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào khi lên cơn hen.
Do đó BS Thành khuyến cáo, khi người dân ho kéo dài, có đờm, ho kèm theo sốt trên 2 tuần cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế.
Theo T.Hạnh/Báo Vietnamnet
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
- Cách chống say xe hiệu quả - 29/04/2016 04:39
- Những thực phẩm có chất 'kháng sinh' tự nhiên tốt hơn thuốc - 28/04/2016 08:41
- 10 món ăn đậm chất miền biển trên đảo Nam Du - 27/04/2016 08:40
- 4 thảo dược thải độc nên dùng khi không khí nhiễm thủy ngân - 27/04/2016 03:56
- 10 món ngon khó từ chối khi đến Côn Đảo - 26/04/2016 08:24