• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt virus thông thường

Khi mắc sốt xuất huyết rất nhiều người nghĩ đó chỉ là sốt virus thông thường nên chủ quan không đi thăm khám, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong

Triệu chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ): Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sốt kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, người bị bệnh có các triệu chứng như: Sốt cao, lên đến 40,5 độ C; Nhức đầu nghiêm trọng; Đau phía sau mắt; Đau khớp và cơ; Buồn nôn và ói mửa; Phát ban; Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bị bệnh có thể bị nổi ban lần nữa vào ngày sau đó.

Sốt xuất huyết có chảy máu: Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue): Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi người bệnh từng mắc bệnh, hoặc mắc bệnh thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 - 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn), có thể gây tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em: Trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết từ 3 ngày sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến bố mẹ thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Bệnh sốt xuất huyết trải qua ba giai đoạn

Giai đoạn sốt biểu hiện: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nhiệt độ; Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; Da xung huyết; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện sau: Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); Tràn dịch màng phổi có biểu hiện: Đau ngực, cảm giác tức nặng ngực, đau ngực tăng khi thay đổi tư thế, khó thở; Tràn dịch màng bụng: Bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở; Gan to: Đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị; Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, tiểu ít.

Xuất huyết: Xuất huyết dưới da dưới dạng nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh....

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48 - 72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Xét nghiệm các chỉ số dần trở về bình thường.

Theo phapluatplus.vn