'Hành trình hạnh phúc' của Hoàng Văn Vũ
- Được viết ngày Thứ sáu, 09 Tháng 6 2017 09:42
Tiếp tục "Hành trình Hạnh phúc", ban tổ chức nhận được bài dự thi của bạn Hoàng Văn Vũ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với bài viết "Tôi là một thằng con rơi".
Cuộc thi viết “Hành trình Hạnh phúc” được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/3/2017 đến ngày 31/8/2017 với gần 30 giải thưởng, tổng giá trị lên tới 145 triệu VNĐ tiền mặt. Cuộc thi là nơi để mọi người dân Việt Nam sẻ chia những khoảnh khắc, kể lại những cảm nhận, hoặc đưa ra những quan điểm, góc nhìn đóng góp vì một cộng đồng hạnh phúc hơn!
Thông tin cuộc thi xem thêm tại Website: www.hanhtrinhhanhphuc.org, hoặc trang Facebook:
Bài viết sau đây được gửi bởi bạn Hoàng Văn Vũ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tôi là sản phẩm ngoài mong muốn của ba tôi, có nghĩa là trước khi gặp mẹ tôi ba tôi đã có một gia đình riêng và ba đang sống rất ổn trong gia đình đó. Ba đi làm xa nhà và gặp mẹ, sau nhiều lần gặp nhau ba tôi và mẹ tôi nảy sinh tình cảm, biết ba đã có gia đình nên ông bà ngoại tôi rất phản đối mối quan hệ của hai người, mà trong tình yêu càng cấm là càng mãnh liệt. Vậy là tôi có mặt trên thế giới này.
Không giống như bao đứa trẻ khác tôi chào đời không được sự hoan nghênh của ba, ba không phải là một trong những người đầu tiên đón tôi chào đời. Người làm giấy khai sinh cho tôi cũng không phải là ba tôi, chỉ một mình mẹ tôi với 9 tháng 10 ngày, chỉ mình mẹ che chở cho tôi, chỉ có mẹ và người thân theo tôi trong những ngày thơ. Người làm giấy khai sinh cho tôi là ông nội, cả gia đình phía nội rất yêu và quý đứa cháu bụ bẫm duy nhất trừ ba.
Theo lời bà ngoại thì đến năm tôi ba tuổi thì tôi mới gặp ba lần đầu tiên, tất nhiên tôi chẳng nhớ gì lúc ba tuổi. Và cứ thế tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ và gia đình phía ngoại thỉnh thoảng các cô, chú, bác bên nội lên thăm.
Những kỉ niệm đầu đời của tôi là thời lớp một, những đứa bạn cùng trang lứa được ba mẹ đưa đi học còn tôi thì mẹ đưa là chính, có khi là cô hàng xóm và cũng có khi là một mình vì trường không xa nhà lắm. Nhiều lần nghe đứa bạn nói rằng tôi là thằng không có ba, tôi đã đánh nhau vì cái lý do không ba đó. Dần dần trong đầu hình thành cái suy nghĩ ba mình không giống ba của mấy bạn, ba không ở chung với mình và mẹ, ba không dẫn mình đi học… Cái suy nghĩ đó đi cùng với tôi đến năm cấp 2.
Người mẹ Quảng Nam nhọc nhằn nuôi con
Tất nhiên thỉnh thoảng ba vẫn có lên, nhưng mỗi lần lên chỉ là một bữa ăn trưa, một bữa ngủ qua đêm. Mỗi lần ba lên mọi người xung quanh đều thấy tôi là một đứa trẻ rất thương và yêu ba… nhưng đâu biết rằng đâu đó sâu thẳm trong tôi rất tức tối, tại sao lại ngắn như vậy, tại sao lại ở bên cạnh chị và em tôi nhiều hơn là tôi? Tại sao không ở bên và đưa tôi đi học? Tại sao? Dần dần là sự “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tôi còn nhớ như in một lần tôi cãi nhau với mẹ về người ba của mình: “Tại sao má lại cho ba lên hoài vậy? Ba đâu có giúp má nhiều đâu. Ba đâu có lo lắng cho cái nhà này nhiều đâu? Ba chỉ thương thằng Khôi với chị Lanh thôi?” Mẹ lúc đó không nói gì cả, mẹ buồn lắm vì mẹ thương tôi và còn yêu ba nữa.
Cuốc sống đó cứ kéo dài đến năm lớp 9, năm mà có rất nhiều việc đến với gia đình tôi. Năm đó gia đình tôi nhận tin ba tôi bị bệnh nặng. Bệnh gan. Cả nhà nội và mẹ tôi rất buồn, cố chạy chỗ này chỗ khác để chữa bệnh cho ba tôi, nhưng căn bệnh đã đến giai đoạn không thể chữa được nữa. Một lần mẹ bảo qua điện thoại: “Con qua nhà cô Thủy gọi điện hỏi thăm ba thế nào rồi, có khỏe hay không”. Cuộc gọi không kéo dài quá lâu, tôi chỉ thuật lại đúng những gì mẹ tôi bảo: “Mẹ hỏi ba khỏe không? Ba đã ăn tối chưa? Ba nhớ giữ gìn sức khỏe!”
Sau đó một tuần ba tôi được về nhà và ở nhà nội để điều trị. Trong một tuần ba ở nhà nội tôi đã xuống hai lần và bản thân tôi chẳng nghĩ gì nhiều mặc dù biết ba đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo đó, chỉ hỏi thăm ba vài câu rồi ngồi với ông nội. Tôi không hề biết cảm giác của ba lúc đó như thế nào và sự quan tâm của tôi cũng không nhiều.
Sau khi ba về nhà được một thời gian thì tình cờ một ngày một người bạn gọi lúc tôi đang ở trường: “Vũ mày về nhanh lên, sao má mày chờ ngoài kia rồi khóc nhiều lắm”. Tôi bắt đầu suy nghĩ về chuyện sao mẹ tôi lại khóc, hay là ba có chuyện. Với suy nghĩ đó, tôi vẫn bình thản. Khi về đến nhà nội thì không còn ai bên nhà nữa mọi người đã về hết nhà ba tôi rồi. Lúc đó trong đầu tôi bắt đầu hoang mang lắm giống như sắp mất cái gì quan trọng của đời mình, vừa đạp xe vừa sợ. Khi đến nhà ba có rất nhiều người khóc. Bà nội khóc rất nhiều. Ông nội thì nói: “Ba mày còn chờ mày với má mày về nữa đó”. Vừa nhìn thấy ba, tôi như đứng không vững phải tựa vào cánh cửa. Lúc đó với bản năng của một người con, tôi khóc, khóc rất nhiều. Tôi vừa mất đi một người sinh ra tôi.
Ba đã chờ mẹ và tôi về mới nhắm mắt, trong đầu tôi cứ vang lên: “Ba ơi! Ba ơi!…”.
Những ngày sau đó tôi như thằng mất hồn chỉ nhớ đến ba. Tôi đã không hề biết rằng đằng sau mỗi lần ba lên, ba cùng mẹ lo lắng cho tôi thế nào, đằng sau sự nạt nộ là những yêu thương rất nhiều mà ba dành cho tôi. Tôi đã không biết rằng sau giấc ngủ của tôi ba tôi đã tính toán như thế nào để có cho tôi ăn học nên người. Tôi không biết ba đã phải cố gắng như thế nào để làm việc có tiền lo cho ba anh em tôi. Ba đi làm thợ hồ giữa mọi cái trưa nắng gắt của Quảng Nam. Ba thức dậy mấy giờ, và làm quần quật tới khi nào?
Người ba lẳng lặng lo cho con mình
Vậy mà từ trước đến giờ tôi toàn nghĩ ba xấu lắm. Ba không giống như những người ba khác, ba yêu chị và em tôi hơn tôi. Ba… ba quay lại đi, con sai rồi. Trong đầu tôi thấy mình là một đứa con thật tệ không biết hiểu được những nổi khổ của ba và mẹ. Đứng trước bàn thờ ba tôi hứa con sẽ đầu đại học con sẽ thành công để thay ba lo lắng cho mẹ, con sẽ thay ba làm những điều mà ba chưa làm cho mẹ, con sẽ đậu đại học, con hứa với ba con sẽ cho mẹ một cuộc sống tốt hơn, một bữa ăn đầy đủ hơn. Mẹ sẽ được đi du lịch Nha Trang, Đà Lạt… và ăn những món ăn ngon nữa.
Năm đó tôi đặt mục tiêu thi vào trường chính quy của huyện nhưng quá nhiều thứ đến với tôi, tôi không tập trung được và rơi vào một trường bán công trong huyện. Biết được sự khó khăn của mẹ, tôi cố gắng học hành, kì đầu tiên tôi được nằm trong top 5 đứa học tốt nhất khoa và được một học bổng. Qua năm lớp 11 tôi được một người thầy dạy và chỉ tôi những điều trong cuộc sống tôi đã cố gắng học và kết thúc năm đó tôi là học sinh tốt nhất khoa về thành tích học tập, mẹ tôi đã đi khoe với cả xóm về thành tích học tập đó. Mẹ rất vui, tôi cũng đã rất vui. Tôi thấy mình đã làm được một điều gì đó như lời hứa với ba.
Năm lớp 12, năm quyết định cánh cửa cuộc đời tôi lại bị sa ngã, gần như những lời hứa của tôi với ba ngày nào đã quên đi thay vào đó là những cuộc đi chơi cùng bạn bè. Thành tích học tập sa sút rõ rệt. Ăn chơi nhiều hơn, phá nhiều hơn, nhậu nhiều hơn, bạn bè nhiều hơn và học hành không còn được ưu tiên nữa. Kết thúc năm đó tôi là học sinh trung bình, mẹ tôi rất buồn về thành tích học tập của mình, điều làm mẹ buồn hơn nữa là tôi thi rớt đại học, số điểm đạt được là 9.5 điểm, mẹ không nói gì nhiều nói tôi đi học cao đẳng đi. Tôi đã không làm được những điều tôi hứa với ba không đậu đại học, không làm mẹ vui.
Ngày tôi đi học trường Cao Đẳng tại Đà Nẵng tôi tự hứa phải học thật tốt, lúc đó tôi nhớ lại những gì đã hứa với ba và chỉ nghĩ học và học, không chơi gì nữa không bạn bè gì nữa. Chỉ có tôi và sự tự nhủ phải học. Gần như trên lớp tôi không chơi với ai cả. Một dịp tình cờ được một người chia sẻ về tương lai của mình, tôi quyết ôn thi lại để giữ lời hứa với ba và vì tương lai của mình nữa. Nhưng trong lúc ôn thi tôi rất mệt mỏi. Những kiến thức tiếp thu không hết, càng ngày càng khó khăn. Lại nghĩ đến mẹ đến những lời hứa với ba tôi tiếp tục cố gắng và cũng đậu vào trường đại học tôi mong muốn.
Câu chuyện này tôi đã chia sẻ ra hơn 10 lần rồi và lần nào tôi cũng khóc khóc rất nhiều, ngay cả lúc viết lại những cảm xúc và những gì tôi đã trải qua này nước mắt tôi vẫn rơi, khóc bởi vì đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa thực hiện hết được những lời hứa của tôi với ba, chưa cho mẹ cuộc sống tốt hơn, nhưng tôi biết mình cần làm gì với tương lai của mình, cố gắng như thế nào, hành động như thế nào. Trong đầu tôi luôn nghĩ: “Vũ, nếu mày không hành động ngay lúc này thì mày nợ chính mày một cơ hội biến ước mơ của mày thành hiện thực, biến những lời hứa của mày với ba mày thành hiện thực, mà có khi đó là cơ hội tốt nhất cuộc đời mày đó quyết tâm lên”.
Tôi kể câu chuyện này để nhắn với bạn rằng đừng để cuộc sống này lấy đi một điều gì đó quan trọng của bạn rồi mới chợt thức tỉnh. Cuộc sống “vô thường” lắm. Hãy trân trọng và hãy yêu những gì cuộc sống mang lại cho mình và tình yêu về gia đình mình nhé.
Theo JCI Vietnam
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Sân chơi Hoa khôi doanh nhân 2017 đầu tư bài bản hơn, đẳng cấp hơn - 12/06/2017 04:14
- Câu chuyện cuộc đời vất vả của nghệ sĩ trẻ Lê Nguyễn Trường Giang - 10/06/2017 17:48
- Đi lùi, Mai Xuân Thy được Bạch Tuyết khen có tư chất đào chánh - 09/06/2017 03:30
- Kỉ niệm 5 năm tuổi 'Người đẹp công sở 2017' - 09/06/2017 02:55
- Hoàng Mèo – Đại Ngọc Trâm nhí nhố với các thí sinh nhí - 09/06/2017 02:52
Tin cũ hơn
- Danh ca Phương Dung lần đầu tiết lộ tích cách đặc biệt của nhạc sĩ Mạnh Phát - 09/06/2017 01:30
- MC Lê Minh Ngọc hào hứng với các sản phẩm handmade - 08/06/2017 03:43
- Thay ông nội Bảo Quốc, Gia Bảo diễn 'Bàn thờ tổ của một cô đào' cùng Kiều Mai Lý - 07/06/2017 03:08
- Mẫu nhí Suri Phương Anh vedette chương trình 'Ước mơ thiên thần' - 06/06/2017 07:49
- 'Rối não' với màn biểu diễn của bộ ba giám khảo Ốc Thanh Vân, Đình Toàn, Đại Nghĩa - 06/06/2017 01:33