• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Gian nan mang nghệ thuật đến với công chúng

Nhiều vở diễn lớn mà TP HCM thực hiện trong thời gian gần đây đều chỉ có thể đến được với lượng khán giả hạn hẹp 500 - 1.000 người, trong phạm vi 1-2 đêm diễn.

Ngày 1 và 2-7, trên sân khấu Nhà hát Thành phố, vở kịch opera “Carmen” sẽ đến với công chúng phía Nam. Đây là công trình hợp tác giữa Nhạc viện TP HCM với Viện Pháp tại Việt Nam và là công sức tập luyện của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, biên đạo, diễn viên.

Cơ hội thưởng thức những tác phẩm đỉnh cao

“Carmen” là vở kịch opera nổi tiếng của Pháp, một trong những vở được diễn nhiều nhất ở các sân khấu trên khắp thế giới. Bi kịch văn học nổi tiếng (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Prosper Mérimée) về tình yêu và sự tự do đã vượt xa biên giới nước Pháp, được biến thể tới hơn 50 hình thức nghệ thuật khác nhau, từ âm nhạc cổ điển, kịch hát opera tới kịch múa, phim điện ảnh, múa ba lê, ba lê trên băng...

gian nan mang nghe thuat den cong chung

Giọng nữ trung cao Thanh Huyền trong vai Carmen Ảnh: VIỆN PHÁP TẠI VIỆT NAM

Carmen - một phụ nữ mạnh mẽ, táo bạo - đã dùng nhan sắc của mình để quyến rũ Don José, hạ sĩ đang đóng quân ở Séville - Tây Ban Nha. Sự đời éo le là anh chàng này đã đính hôn với một phụ nữ khác rất hiền hậu ở quê hương. Trong một sự hội ngộ tình cờ, khi Carmen bị cáo buộc gây ra ẩu đả trong nhà máy thuốc lá nơi cô làm việc, chính Don José được giao nhiệm vụ dẫn giải cô về đồn.

Vì đã yêu Carmen say đắm - nói cách khác là yêu sự tự do, quyết liệt và cá tính khác biệt nơi cô - Don José đã để Carmen trốn thoát, để rồi sau đó đau khổ tiếc nuối. Dấu chấm hết của bi kịch khiến người xem lặng đi giữa không khí ồn ào nóng rực ở đấu trường - nơi Carmen bị đâm chết bởi lưỡi dao oan nghiệt của lòng hận thù, sự ghen tuông và tình yêu mù quáng.

Đây là lần đầu tiên toàn bộ vở opera “Carmen” bản gốc của nhà soạn nhạc Pháp Georges Bizet được biểu diễn cùng với dàn nhạc và hàng trăm nghệ sĩ được dàn dựng tại Việt Nam. Vai Carmen do giọng nữ trung cao (mezzo-soprano) Thanh Huyền đảm nhận và đi đôi với cô là vai Don José, do giọng nam cao (tenor) người Pháp Patrick Garayt trình bày.

Dàn nhạc do nhạc trưởng Carlos Dourthé chỉ huy. Ông là giám đốc âm nhạc của dàn hợp xướng và dàn nhạc của các trường đại học Paris - Pháp. Ngoài ra, Brian Riedlinger chịu trách nhiệm chỉ đạo nghệ thuật cho toàn bộ vở kịch. Ông cũng là người chỉ huy dàn hợp xướng và dàn nhạc quốc tế TP HCM từ năm 2006 đến nay.

Thanh Huyền là giọng nữ trung cao chuyên nghiệp duy nhất tại TP HCM đã học cao học tại Nhạc viện TP dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, một trong những giọng nam cao hàng đầu tại Việt Nam và NSND Nguyễn Trung Kiên. Đây là cơ hội quý để Huyền được hợp tác, rèn luyện và biểu diễn cùng với nhiều nghệ sĩ đến từ Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan trong vở diễn lần này.

Không thể buông xuôi, để mặc nghệ sĩ

Thế nhưng, đem tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đến với công chúng trong 1-2 đêm diễn nghĩa là mới chỉ có một lượng rất ít khán, thính giả có cơ hội tiếp cận trong số mấy triệu dân của TP HCM. Điều đó không đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ này có cơ hội tỏa sáng hơn tài năng của mình đến với công chúng số đông, hoặc có điều kiện mang lại thu nhập cao hơn để cuộc đời nghệ thuật bớt nhọc nhằn hơn.

TP HCM chưa có nhà hát đủ phương tiện biểu diễn; đủ không gian, chỗ ngồi cho đông đảo khán, thính giả có thể tiếp cận và thưởng thức những loại hình văn hóa đỉnh cao. Một vở diễn đầu tư tốn kém, hợp tác quốc tế với rất nhiều cơ quan, tổ chức và có sự đóng góp, cống hiến của hàng trăm nghệ sĩ như thế, cuối cùng chỉ đến được với tối đa 1.000 khán giả (2 đêm diễn), trong đó hơn 50% là người nước ngoài và giới chuyên môn. Như vậy, công chúng thực sự chẳng được mấy người tiếp cận vở diễn, cho thấy đây là một sự lãng phí rất lớn.

Không chỉ “Carmen” lần này, rất nhiều vở diễn lớn mà TP HCM làm được trong thời gian gần đây đều chỉ có thể đến với lượng khán giả hạn hẹp 500 - 1.000 người, trong phạm vi 1-2 đêm diễn.

TP HCM từ lâu đã khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng văn học nghệ thuật của TP có thể vượt lên giành lấy vị thế dẫn đầu hay không vẫn là một câu hỏi chưa dễ gì giải đáp. Trong cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP HCM với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP mới đây, ông Đinh La Thăng đã đặt ra vấn đề này để cùng các sở, ban, ngành chức năng tìm câu trả lời, đề xuất những phương án, đặt lộ trình cho quãng thời gian sắp tới.

Tại buổi làm việc nêu trên, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, khẳng định chưa bao giờ đời sống văn học nghệ thuật của thành phố đặt ra những vấn đề bức bách như bây giờ. Ông Khuê cho rằng TP HCM cần có được nhà hát đạt chuẩn, với phương tiện, thiết bị hiện đại, số lượng người xem lên tới vài ngàn chỗ ngồi. TP HCM cũng nên có kênh truyền hình “sạch”, dành riêng để chuyển tải tới người xem các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao mà đội ngũ nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật đã dày công tạo dựng.

Để làm được như thế, rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo và sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành; chứ không thể “buông xuôi”, để mặc các nghệ sĩ vật lộn giằng xé giữa việc mưu sinh và cống hiến cho thành tựu nghệ thuật. Để rồi, kết cục buồn lại là hiện tượng “chảy máu chất xám” hoặc những vụ “rũ áo” ra đi đáng tiếc.

Cần những sân khấu đủ chuẩn

Mới đây, khán giả Hà Nội đã được thưởng thức chương trình ba- lê của Pháp trong khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia lên tới 3.000 chỗ ngồi. Trước đó, năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội từng tổ chức thành công chương trình hòa nhạc với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ cùng đứng trên sân khấu, cũng trong không gian của khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia. Cho dù chưa phải là một địa điểm thỏa mãn được các phương tiện, thiết bị đạt chuẩn cho một “thánh đường nghệ thuật ” nhưng ít ra về không gian, đây cũng là chỗ cho 3.000 khán giả đến thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao.

Theo NLD