Vì sao TP.HCM chọn thầu trong nước làm đường trên cao số 1?
- Được viết ngày Thứ ba, 13 Tháng 12 2016 11:36
Sau hơn 10 năm, TP.HCM giao cho một tập đoàn nước ngoài làm dự án tuyến đường trên cao số 1, nhưng vì điều kiện kinh tế không thuận lợi, tập đoàn này xin rút lui. Và nay TP.HCM mong muốn chỉ định thầu cho nhà đầu tư trong nước triển khai dự án này.
Nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc
UBND TP.HCM cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao số 1 là nhằm giải quyết tình hình ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kết nối giao thông với khu trung tâm thành phố ngày càng cấp thiết.
Theo UBND TP.HCM lý giải, hiện TP có hai cách triển khai dự án:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, lập đề xuất dự án và dự án khả thi. Do đó sau khi được chọn, nhà đầu tư thường phải điều chỉnh phương án kinh doanh hoàn vốn dẫn đến việc kéo dài thời gian và tính khả thi không cao.
Thứ hai, nhà đầu tư tự bỏ kinh phí lập đề xuất dự án. Tuy vậy chi phí thực hiện tương đối lớn, và nếu phương án tài chính hoàn vốn không khả thi thì dự án khả thi cũng không được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chính vì vậy để sớm lựa chọn nhà đầu tư triển khai nhanh dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao số 1, TP đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu (lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt).
Theo đó TP sẽ xây dựng tiêu chí, quy mô, phương án hoàn vốn và một số tiêu chí chính khác để thông tin đến các nhà đầu tư quan tâm và tổ chức đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư có phương án tốt nhất để tiến hành thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án của nhà đầu tư được chọn.
TP cho rằng nếu áp dụng như trên sẽ không phải bố trí nguồn lực để lập đề xuất dự án/báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời thu hút được nhà đầu tư do. Sau khi đề xuất dự án được chọn và phê duyệt, nhà đầu tư có đề xuất dự án được duyệt sẽ được chọn (chỉ định) là nhà đầu tư dự án. Và dự án có tổng chiều dài khoảng 9,5km, rộng 17,5m, giá trị xây lắp khoảng 15.000 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo Quyết định quy hoạch đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ trên cao số 1 có lộ trình từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và tuyến tách 1 nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An.
Cũng theo quyết định quy hoạch, tuyến đường trên cao số 1 có vai trò là trục xương sống, làm cơ sở kết nối cho các tuyến đường bộ trên cao số 2, 3, 4, 5 và hình thành mạng lưới giao thông đường bộ trên cao. Đóng vai trò chuyển tiếp lưu lượng giao thông từ các tuyến đường giao thông nội đô hiện hữu để thoát nhanh ra tuyến đường vành đai, các tuyến đường trục chính cửa ngõ, giải quyết nhu cầu giao thông đô thị ngày càng tăng nhanh của thành phố.
Được biết, tuyến đường trên cao số 1 từng được UBND thành phố giao Công ty GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đầu tư theo hình thức BOT. Sau đó, Công ty GS E&C đề xuất và được chấp thuận điều chỉnh hình thức đầu tư từ BOT sang BOT kết hợp BT. Tuy nhiên, tháng 2.2009, đơn vị này thông báo thôi không thực hiện dự án. Tiếp đó, Công ty Cổ phần bê tông 620 Châu Thới đề xuất được nghiên cứu đầu tư dự án nhưng cũng đã chấm dứt.
Nguyên nhân mà các nhà đầu tư nêu trên không thể triển khai chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư lớn, quy mô, tính chất dự án phức tạp, việc nghiên cứu đề xuất dự án kéo dài, phát sinh chi phí lớn. Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài nên các nhà đầu tư sau khi nghiên cứu đã không đề xuất được phương án hoàn vốn khả thi.
DN trong nước đầu tư nói gì
Nhưng từ tháng 6.2016, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc nghiên cứu dự án làm đường trên cao số 1.
Cũng tại thời điểm này, ông Lê Quốc Bình -Tổng giám đốc CII đã trả lời báo chí liên quan đến việc công ty sẽ là chủ đầu tư dự án được ông xác nhận, là công ty đã thành lập Công ty TNHH đầu tư đường trên cao số 1 với tỷ lệ tham gia góp vốn là 80% để triển khai, quản lý dự án đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.
Theo ông Bình, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 15.000 tỉ đồng, trong đó có 6.000 tỉ đồng chi cho việc giải phóng mặt bằng và được đề xuất hình thức đầu tư là BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Qua đó, nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi thì năm 2017 có thể khởi công, dự án đường trên cao số 1 được ứng dụng công nghệ của Nhật trong quá trình thi công và sẽ hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Từ khảo sát của CII, cho thấy số lượng nhà, công trình phải giải tỏa nhiều nhất là đoạn từ Phan Xích Long nối dài đến Điện Biên Phủ và đoạn Ngô Tất Tố đến cầu Phú An, quận Bình Thạnh. Nói về số vốn đầu tư, ông Bình chia sẻ thêm: huy động vốn thông qua liên danh, liên kết với các công ty có tiềm lực về tài chính; đồng thời sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và có thể phát hành trái phiếu công trình.
Còn theo thông tin được CII công bố hồi cuối tháng 5 với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, doanh nghiệp này đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư đường trên cao số 1 với tỷ lệ tham gia góp vốn của CII là 80%. Việc lập công ty con này nhằm triển khai, quản lý dự án đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố.
5 đoạn tuyến đường trên cao của TP.HCM
- Tuyến số 1: dài khoảng 9,5 km. Điểm đầu ở nút giao Lăng Cha Cả và điểm cuối ở cầu Phú An.
- Tuyến số 2: dài gần 12 km, giao với đường trên cao số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - hẻm số 2 Thiên Phước - hẻm số 654 Âu Cơ - dọc theo công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - đường Chiến Lược - hương lộ 2, kết thúc tại điểm giao với QL1 (vành đai 2).
- Tuyến số 3: dài hơn 8 km, giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh.
- Tuyến số 4: dài hơn 7 km, bắt đầu từ QL1 (giao với tuyến trên cao số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật tại vị trí rạch Lăng và đường sắt bắc - nam (tại khu vực cầu Đen) - đường Phan Chu Trinh quy hoạch kéo dài qua khu vực chung cư Mỹ Phước rồi nối vào đường Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.
- Tuyến số 5: dài 34 km, đi trùng đường vành đai 2 (QL1) từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc.
Theo Motthegioi.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Ẩm thực mùa Lễ hội tại khách sạn Intercontinental - 21/12/2016 02:49
- Cạm bẫy kinh doanh mà các nhà đầu tư trẻ thường gặp - 20/12/2016 03:50
- Nhà ở giá rẻ gây sốc và chất lượng thật của Mường Thanh - 19/12/2016 07:04
- Gợi ý quà tặng phong thủy ý nghĩa cho bạn dịp Giáng sinh - 18/12/2016 04:05
- Thưởng Tết Nguyên đán 2017 của môi giới bất động sản cao hay thấp? - 16/12/2016 04:10
Tin cũ hơn
- Tấp nập khách, chuỗi cửa hàng tiện ích ILAHUI mở thêm 6 điểm bán - 10/12/2016 03:05
- Kinh doanh gỗ 'lên hương', doanh nghiệp xoay sở để phát triển - 09/12/2016 06:56
- Thị trường bất động sản TP. Long Xuyên ngày càng khởi sắc - 08/12/2016 08:30
- Á khôi DN Phương Ngọc mừng khai trương phân xưởng mới - 07/12/2016 03:43
- Giải pháp cho doanh nghiệp cho gia đình - 04/12/2016 11:08