• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tư nhân sẽ được vay vốn ODA?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, và quy định tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi…

Trong đó, các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm: Tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại…

oda tapchithoidai

Tư nhân có thể được vay vốn ODA - Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Bên cạnh đó, hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vốn ODA viện trợ không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; phát triển y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm: Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.

Cùng với đó, tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA/VƯĐ qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy trình 7 bước quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, gồm: vận động vay vốn; xây dựng và lựa chọn đề xuất dự án; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn; quản lý thực hiện dự án và hoàn thành, chuyển giao kết quả dự án.

Công tác vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện thông qua đối thoại chính sách phát triển với các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Chỉ tiêu an toàn nợ công; Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; Chương trình quản lý nợ công 03 năm; Định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển của cả nước, của Bộ, ngành, lĩnh vực và của địa phương.

Theo danh mục tổng hợp, từ năm 1993 đến ngày 31.12.2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi; trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1.197 dự án…

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án; Bộ Công Thương có 152 dự án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 272 dự án và chương trình; Bộ Y tế có 132 dự án và chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 51 dự án, chương trình…

Theo Lam Thanh/motthegioi.vn