Parkson tiếp tục đóng cửa trung tâm thương mại ở Sài Gòn
- Được viết ngày Thứ ba, 17 Tháng 5 2016 08:34
Chiều 16/5, Trung tâm thương mại Parkson Paragon (Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM) chính thức đóng cửa sau 5 năm hoạt động.
Sau 5 năm hoạt động, Parkson Paragon tuyên bố đóng cửa, di dời.
Theo thông báo trên website của Parkson, Trung tâm thương mại Parkson Paragon sẽ tạm ngừng hoạt động từ 1/5/2016 cho đến khi có thông báo mới. Kế hoạch di dời đã được thông báo với các đối tác kinh doanh trước 2 tháng, và nhận được sự chấp nhận.
Thông báo này cũng khẳng định việc đóng cửa, dừng hoạt động trung tâm thương mại này không ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm mua sắm khác mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam. Các quyền lợi của chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống bán lẻ này.
Trung tâm thương mại Saigon Paragon khai trương năm 2009, tại giao lộ Nguyễn Lương Bằng và Hoàng Văn Thái trên diện tích đất 19.000 m2, thuộc khu thương mại và tài chính quốc tế Nam Sài Gòn, quận 7, TP HCM. Chủ đầu tư tòa nhà là Công ty cổ phần Kim Cương (Paragon Corporation), được thành lập bởi hai nhà đầu tư trong ngành thời trang, ẩm thực, mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn Khaisilk và Thủy Lộc.
Năm 2011, Parkson chính thức trở thành nhà quản lý trung tâm thương mại này và đổi tên thành Parkson Paragon. Thời gian quản lý được công bố thời điểm đó là 19 năm. Tuy nhiên, mới 5 năm hoạt động, nhà đầu tư này đã thông báo dời.
Nhiều người cho rằng, Parkson đóng cửa là do suốt thời gian dài qua hoạt động kinh doanh không hiểu quả. Trong khi đó, hàng loạt các trung tâm mua sắm mới hiện đại ra đời ở cùng khu vực khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tại Hà Nội, vào tháng 1/2015, Công ty TNHH Parkson Việt Nam cũng từng đóng cửa đột ngột một trung tâm thương mại tại Keangnam (Mễ Trì, Hà Nội) vì kinh doanh thua lỗ. Nhiều gian hàng kinh doanh đã rơi vào tình trạng khó khăn khi phải chuyển ra ngoài lúc nửa đêm.
Nhiều gian hàng tại Trung tâm thương mại Parkson luôn trong cảnh vắng khách. Ảnh:M.Thanh
Chia sẻ với Zing.vn, ông Hoàng Khải, chủ đầu tư tòa nhà Paragon, cho biết từ quý III/2015, phía Parkson đã thu hẹp kinh doanh thương mại tại tòa nhà từ 5 tầng xuống chỉ 3 tầng. Tại thời điểm này, phần diện tích trống ông đã ký hợp đồng cho thuê văn phòng.
Có kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh lĩnh vực này, ông Khải cho rằng, mình không ngạc nhiên khi thấy Parkson ngày càng vắng khách.
Theo chia sẻ của doanh nhân này, người Việt Nam có thói quen mua sắm khác với các nơi khác. Người ta thích mua quần áo, mỹ phẩm tại nơi họ có thể mua cá thịt, dưa cà, mắm muối, hàng tiêu dùng, thậm chí sắm cả điện máy. Ở đó cũng phải có chỗ cho con họ chơi, chồng uống cà phê… Điều này các điểm mua sắm mới đáp ứng rất tốt, hàng hóa lại phong phú và giá cả phù hợp cho nhiều đối tượng tiêu dùng.
“Parkson cũ rồi, chỉ bán quần áo và mỹ phẩm, trang sức, không đảm bảo được những tiêu chí trên thì không thể giữ khách. Nếu không còn phù hợp với thị trường thì cũng coi như các trung tâm mua sắm kiểu cũ đã hoàn thành sứ mệnh, chuyển giao cho cái mới bắt kịp nhu cầu tiêu dùng mới”, ông Hoàng Khải nói.
Hiện Parkson có 9 trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Giá dầu đạt mức cao nhất trong 7 tháng qua - 18/05/2016 08:44
- Bộ Tài chính 'đặc sủng' EVN thế nào? - 18/05/2016 01:37
- Ngân hàng Nhà nước chấp thuận 'cứu' bầu Đức - 17/05/2016 10:26
- Vin cớ cá miền Trung chết, thương lái ép giá ngư dân - 17/05/2016 10:07
- Lợn, dưa hấu Việt và thương lái Trung Quốc - 17/05/2016 07:17
Tin cũ hơn
- Cá rô phi được quy hoạch, xây dựng thương hiệu xuất khẩu - 16/05/2016 10:12
- Ngân hàng nhà nước điều tra vụ tin tặc tấn công TPBank - 16/05/2016 10:06
- Quảng Ninh: Nhà ga ngàn tỷ hoang vắng - 16/05/2016 02:51
- Con đường khởi nghiệp của nữ doanh nhân trẻ Lê Thị Xuân - 15/05/2016 08:26
- Một ngân hàng Việt Nam bị hacker tấn công - 15/05/2016 05:01