Nghề nail thăng trầm trên đất Mỹ
- Được viết ngày Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 16:48
Nhắc đến người Việt định cư tại Mỹ, không thể không đề cập đến nghề nail (làm móng), một trong những nghề phổ biến nhất, gắn bó với cộng đồng người Việt xứ này suốt 40 năm qua. Tuy nhiên, nếu như trước đây người ta vẫn thường nói "qua Mỹ mà làm giàu thì chỉ có nghề nail", thì bây giờ thời hoàng kim đó đang dần khép lại.
Ngôi sao Mỹ giúp người Việt nổi tiếng với nghề nail
Năm 1975, làn sóng người Việt ồ ạt đổ sang Mỹ. Những ngày đầu có một nhóm gồm 20 phụ nữ được đưa đến trại tị nạn ở gần Sacramento, California. Nơi đây, họ được tiếp xúc với bà Tippi Hedren - một diễn viên và người mẫu nổi tiếng. Bà Hedren rất có cảm tình với những người phụ nữ Việt nên rất hay đến thăm họ. Rồi khi họ tỏ ý ngưỡng mộ bộ móng tay của bà, bà đã mời người làm móng riêng tới trại để dạy cho nhóm phụ nữ này cách thức làm móng tay và móng chân.
Thật không ngờ, chỉ từ những bài học đầu tiên đó, những phụ nữ Việt từ Hope Village (Làng Hy Vọng) đã dần dần trở thành những thợ làm nail trên đất Mỹ - mở đường khai phá một nghề nghiệp mới cho cả một thế hệ những người di dân và con cháu của họ về sau. Và bà Tippi Hedren - người trao cho họ cơ hội ấy - được xem như “mẹ đỡ đầu” nghề nail của cộng đồng người Việt nơi đây.
Thực ra, nghề nail đã xuất hiện trước đó từ lâu tại Mỹ, Canada và nhiều nước Tây Âu.
Bà Tippi Hedren cùng những phụ nữ Việt đầu tiên được dạy nghề nail.
Tuy nhiên, đây là một nghề đặc biệt, ít người theo, và cũng hiếm khi được nhắc đến bởi nó chỉ phục vụ cho các tầng lớp thiểu số giàu có trong xã hội, như phụ nữ thượng lưu, tài tử điện ảnh, ca sĩ, người mẫu thời trang… với cái giá khá đắt: khoảng 50-100 USD cho làm một bộ móng. Kể từ khi những người Việt trở thành thợ nail, bằng sự khéo léo và nhiệt tình trong nghề, những bộ móng họ làm rất được lòng các “thượng đế”. Rồi, với quân số gia nhập ngày càng đông, người Việt đã khiến cho ngành dịch vụ này khởi sắc ở Mỹ.
Nếu như những năm 1970, việc cắt sửa móng tay và móng chân hoàn toàn xa vời đối với những phụ nữ Mỹ bình thường, thì từ lúc cộng đồng người Việt mở tiệm nail, mọi người dân trung lưu và hạ lưu đều có được cơ hội làm móng với cái giá khá mềm. Nếu hỏi, vì sao là nghề nail mà không phải là một nghề nào khác, có lẽ cũng không khó để trả lời. Đối với những người Việt còn “chân ướt, chân ráo” nơi đất khách, đứng trước những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, trình độ học vấn, chuyên môn… thì việc hòa nhập vào cuộc sống mới, tìm kiếm kế sinh nhai để tồn tại và phát triển không hề là điều dễ dàng. Chính nghề nail - với lợi thế là dễ học, dễ kiếm tiền nhanh, và là công việc lao động chân tay mà ít người Mỹ nào chịu theo - đã góp phần giúp những con người chịu thương chịu khó mưu sinh xa quê hương giải quyết được vấn đề trước mắt, tạo ra công ăn việc làm ổn định, nuôi sống cả gia đình. Thực sự, rất nhiều gia đình người Việt tại Mỹ có được những người con thành danh, là những bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ… cũng bởi nhờ vào cha mẹ hay anh chị đang hành nghề nail.
Thời hoàng kim nay còn đâu?
Chuyện thành công từ nghề nail của người Việt nơi xứ người là chuyện khá bất ngờ, do nhiều yếu tố may mắn tạo nên. Từ đó đến nay, sự phát triển của nghề có lúc đã đạt tới thời kỳ hưng thịnh, các tiệm nail đua nhau mở khắp các bang có người Việt sinh sống. Một dịch vụ chăm sóc móng tay, móng chân trọn gói bây giờ có giá khoảng 15-20 USD, phần lớn do các tiệm của người gốc Việt làm, mức giá thấp hơn các tiệm khác từ 30-50%. Cùng với khuynh hướng mới trong thị trường ngành thẩm mỹ, tiêu chuẩn tuyển thợ cũng thay đổi theo chiều hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Những thợ có khả năng làm thành thạo nhiều dịch vụ, có kỹ năng giao tiếp, nắm được nghệ thuật phục vụ khách hàng… sẽ dễ kiếm việc hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của bất kỳ ngành nghề nào cũng tồn tại áp lực cạnh tranh gay gắt. Nhiều người nhận xét, vài năm trở lại đây, nghề nail của người Việt đang đi vào giai đoạn thoái trào, công việc ngày càng trở nên khó khăn do giá dịch vụ cùng lợi nhuận giảm mạnh. Thậm chí, hàng ngàn thợ nail và chủ tiệm nail gốc Việt đã phải bỏ đi tìm thị trường mới. Vì sao vậy? Có thể, lý do cũng khá đơn giản. Kinh tế Mỹ xuống dốc, khách hàng đến tiệm nail ngày càng ít đi, mà tiệm và thợ thì mỗi ngày một nhiều hơn.
Nếu như hầu hết chiến lược kinh doanh đều tập trung nhằm cắt giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tạo nên sự khác biệt cho từng thương hiệu thì phương cách cạnh tranh phổ biến mà đại đa số tiệm nail của người Việt ở Mỹ (kể cả những nhà cung cấp sản phẩm ngành nail do người Việt làm chủ) đều đang bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh “phá giá”. Người ta nói, nghề nail là nghề “lượm bạc cắc mà giàu”. Song, cái gì cũng có thời vàng son của nó.
Đã bước chân vào nghề nail nghĩa là phải chấp nhận hạ mình, thảo mai, thậm chí hơn thua, giành giật, bon chen là chuyện rất phổ biến. Đó là chưa kể nghề này tương đối độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Vì vậy, những câu chuyện “đua nhau” đổ xô sang Mỹ hành nghề nail để làm giàu của nhiều người Việt - có lẽ, cũng chỉ còn là quá khứ và tương lai, cần chút gì đó tươi sáng và đột phá hơn.
Theo Motthegioi.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Những lưu ý để sử dụng chế phẩm sinh học Ambio hiệu quả - 22/10/2015 06:04
- Mùa vàng bội thu với chế phẩm sinh học công nghệ cao Ambio - 22/10/2015 05:15
- Bài học thành công khi đầu tư bất động sản - 19/10/2015 02:21
- Tập đoàn Bảo vệ Long Hoàng khẳng định vị thế với trụ sở mới 9 tầng - 18/10/2015 14:57
- Cơn lốc khuyến mãi tháng 10 tại Unionsquare - 09/10/2015 14:11
Tin cũ hơn
- Người thu nhập thấp tiếp cận gói 30 nghìn tỷ đồng: Không dễ "nhằn" - 04/10/2015 07:10
- Giá biệt thự cổ ở Hà Nội... đắt giật mình - 25/09/2015 09:20
- CPI giảm, lạm phát tháng 9 âm sau hơn một thập kỷ - 24/09/2015 15:11
- Ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tiền gửi - 24/09/2015 14:36
- Tỉ phú Bill Gates 'nguy cơ' bị 'chiếm ngôi' giàu nhất thế giới - 23/09/2015 03:10