Ngành gỗ Việt được đặt vào ‘cửa trên’ so với Trung Quốc
- Được viết ngày Thứ hai, 14 Tháng 3 2016 11:27
Các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ là bệ phóng giúp sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam chiếm lợi thế trong việc giành đơn hàng với doanh nghiệp Trung Quốc.
Công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang là ngành tự tin nhất khi đối diện với các hiệp định thương mại tự do. Ngành chế biến gỗ cũng là một trong số các ngành của nước ta nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài, chế biến tạo ra giá trị gia tăng và xuất khẩu. Do đó ngành này cũng có nhiều đóng góp cho cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết, từ năm 2016 trở về sau sẽ là thời cơ để ngành gỗ Việt Nam dành lợi thế tăng tốc vượt qua đối thủ lớn nhất là Trung Quốc. Các thị trường châu Âu và châu Mỹ mà chúng ta vất vả cạnh tranh với Trung Quốc từ trước đến nay đã có sự dịch chuyển đáng kể về sự lựa chọn gia công. Cán cân hiện tại đang có dấu hiệu nghiêng về phía Việt Nam.
"Trong vòng một năm trở lại đây, Việt Nam đang hút các đơn hàng lớn được dịch chuyển từ Trung Quốc. Hiện tại vẫn chưa có con số cụ thể, nhưng tôi thấy Việt Nam mình đang chiếm ưu thế và số đơn hàng tương đối nhiều”, ông Khanh nói.
Thông tin từ ông Khanh cũng là cơ sở để HAWA đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015.
Cán cân gia công đồ gỗ đang nghiên về phía Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng
Lý giải cho nguyên nhân mức tăng trưởng của ngành gỗ có chiều hướng tốt trong năm qua, cũng như dự báo cho nhiều năm sắp tới, ông Khanh cho rằng: “Hiệp định thương mại chuyển động đến đâu tạo đà cho ngành gỗ phát triển đến đó. Các nước nhập khẩu ở châu Mỹ, EU đang muốn tận dụng những ưu đãi về thuế, nguyên liệu của Việt Nam khi tham gia vào TPP, nên tập trung tìm kiếm cơ hội ở đây rất nhiều.
Kinh nghiệm về sản xuất gỗ của Việt Nam đang được đánh giá cao trong khu vực. Hơn nữa Trung Quốc không phải là thành viên của TPP nên thời điểm này Việt Nam đang được xếp ở “cửa trên” về sự lựa chọn.
Nhận định của HAWA về mức tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới là rất lớn, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với nhu cầu. Thống kê sơ bộ trong năm 2015, tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thế giới đạt giá trị 467,7 tỷ USD (tăng 2,8%), và năm 2016 cũng được dự báo tỷ lệ tăng tương tự. Thị trường BĐS của các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ như Mỹ, EU, Nhật bản đang tăng trưởng tốt cũng là động lực để nganh gỗ mở rộng thị phần xuất khẩu trên thế giới.
Trong khi đó, dù vẫn đang giữ vị thế nước sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất, ngành gỗ Trung Quốc lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Trước hết, chi phí nhân công tăng cao đã khiến cho ngành gỗ nước này bị giảm lợi nhuận khá nhiều so với trước đây.
Mặt khác, có một yếu tố rất quan trọng mà các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải chú ý tới, đó là sự thoái trào của ngành gỗ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc dành sự quan tâm nhiều hơn tới những ngành công nghiệp như điện tử, lắp ráp máy móc…, là những ngành có hàm lượng chất xám cao, đem lại nhiều giá trị thặng dư.
Không chỉ thất thoát đơn hàng từ các doanh nghiệp nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp gỗ Trung Quốc đã phải tính tới chuyện dẹp nhà máy trong nước. Đồng thời đi mở nhà máy ở nước ngoài để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trở lại vào nội địa. Một trong những địa chỉ mà các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc đang tìm tới là Việt Nam, do có giá nhân công rẻ hơn.
Do đó, đã giảm sự quan tâm tới những ngành có hàm lượng chất xám và giá trị thặng dư thấp hơn như gỗ, dệt may… Chính vì thế, đây là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc đánh chiếm thị phần, nhất là với những mặt hàng cao cấp.
Dù đặt ở "cửa trên", nhưng ông Huỳnh Văn Hạnh, TGĐ Công ty Cổ phần TCMN Gỗ Liên Minh cũng cảnh báo doanh nghiệp cẩn trọng với hội nhập. "Ngành gỗ Việt Nam dù đang chiếm ưu thế lớn khi giành đơn hàng từ phía Trung Quốc, nhưng khi thị trường mở hoàn toàn, thì các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam, cộng với doanh nghiệp của AEC thì doanh nghiệp Việt cũng phải đối diện với mối nguy lớn nếu không nhanh chóng hoàn thiện mình."
Năm 2015, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7 % so với năm 2014. Riêng sản phẩm từ gỗ trong năm 2015 đạt giá trị xuất khẩu là 4,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2014. Phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng, cụ thể ở Mỹ năm 2015 đạt 2,64 tỷ USD (tăng 18,11% so với năm 2014), Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD (tăng 9,51%), EU đạt 764 triệu USD (tăng 3,91%).
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Siết cho vay bất động sản: Không còn cảnh nhà nhà làm bất động sản - 16/03/2016 04:41
- Sắp tới, những doanh nghiệp nhà nước yếu kém mới được hỗ trợ vốn - 16/03/2016 02:32
- Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn ở đâu - 15/03/2016 10:01
- Hoàng Anh Gia Lai lỗ quý đầu tiên kể từ năm 2008 - 15/03/2016 03:17
- Ngành nhựa trước nguy cơ 'Thái hóa' - 14/03/2016 08:53
Tin cũ hơn
- Doanh nhân Cao Thị Mỹ Vàng: Tôi và Hùng Cửu Long cùng nhau ‘tác chiến’ - 13/03/2016 09:15
- Cảng Cam Ranh muốn là khu dịch vụ hàng hải tầm quốc tế - 12/03/2016 04:04
- Thương hiệu Aquaclean xác nhận thay đổi đối tác sản xuất - 11/03/2016 17:07
- Công ty bầu Đức bị ngân hàng ACB 'siết nợ' gần 6 triệu cổ phiếu - 11/03/2016 10:01
- Unilever, Vinamik tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - 11/03/2016 07:12