Năm 2018: Giá dầu thế giới liệu có ổn định?
- Được viết ngày Thứ bảy, 03 Tháng 2 2018 10:33
Một số tổ chức kinh tế dự báo nhu cầu dầu thô tăng trưởng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018, cao gần gấp đôi so với giai đoạn 2011-2014.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2018, giá dầu Brent có lúc chạm mốc 70 USD/thùng. Chỉ tính trong vòng 7 tháng qua, giá dầu đã tăng vọt từ dưới 45 USD/thùng lên mức gần 70 USD/thùng, khiến giới nghiên cứu thị trường và các nhà đầu tư quan ngại về sự bất ổn của giá dầu trong năm 2018.
Ảnh minh họa.
Giá cả tăng bất thường
Theo giới quan sát, một trong những nguyên nhân làm cho giá dầu tăng đó là, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh, nhất là ở 3 trung tâm kinh tế lớn (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) và châu Á được dự báo là sẽ có mức tăng trưởng dẫn đầu thế giới, khiến mức tiêu thụ nguồn năng lượng này sẽ tăng ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày.
Một số tổ chức kinh tế thậm chí còn dự báo nhu cầu dầu thô tăng trưởng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2014. Vì thế, việc giá dầu Brent giảm 2% hồi tháng trước chỉ là đợt điều chỉnh giá chứ không phải là khởi đầu của xu hướng giảm trong tương lai gần.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu thị trường vẫn thận trọng với chiến lược năng lượng mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì sản lượng dầu thô Mỹ có thể sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày khi tăng thêm 1,35 triệu thùng trong năm 2018 và sẽ trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới ngoài OPEC, vượt quá cả Nga và Saudi Arabia. Theo nhận định của OPEC, rất có thể thời kỳ đen tối của thị trường dầu thô từ năm 2013 - 2015 lại tái diễn.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô của thị trường vẫn hàm chứa những yếu tố rủi ro. Trong bối cảnh OPEC và 10 quốc gia ngoài tổ chức tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng giúp thị trường lấy lại trạng thái cân bằng, thì sự bất ổn ở Venezuela (thành viên OPEC) vẫn chưa được giải quyết, quốc gia này chỉ còn 1,6 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, và có thể còn tiếp tục giảm.
Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia (nước có sản lượng khai thác lớn nhất OPEC) Khalid al-Falih đã hối thúc các quốc gia khai thác dầu mỏ kéo dài chương trình cắt giảm sản lượng. Ông al-Falih nói: “Chúng ta không nên giới hạn nỗ lực trong năm 2018. Chúng ta nên bàn về những khung chính sách hợp tác dài hạn. Tôi đang đề cập đến việc kéo dài khung thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang cả sau năm 2018”.
Diễn biến mới từ nguồn cung
Theo giới quan sát, ưu thế dường như đang ngả dần về phía Mỹ, bởi công nghệ tách dầu từ đá phiến đã giúp Washington có thể sản xuất dầu và khí đốt “theo công nghệ phi truyền thống”, năm 2011 đã ghi nhận nước Mỹ vươn lên trở thành nhà sản xuất khí đốt hóa lỏng hàng đầu thế giới; năm 2016, công ty Cheniere đã xuất khẩu khí hóa lỏng đi khắp thế giới.
Mùa hè năm 2017, hai quốc gia dễ bị tổn thương về năng lượng nhất châu Âu là Ba Lan và Litva đã nhận được khí hóa lỏng đến từ nguồn cung Mỹ. Tại Diễn đàn Năng lượng Vilnius (11/2017), Bộ trưởng Năng lượng Litva Žygimantas Vaičiūnas nói: “Chúng tôi hy vọng rằng, bước đột phá có tính lịch sử này sẽ giúp thắt chặt quan hệ hai nước”.
Tuy nhiên, LB Nga - nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới cũng đã kịp có những hành động cụ thể để giành lấy một số thắng lợi bước đầu trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường khí đốt EU đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Trong năm 2017, Gazprom – nhà đầu tư khổng lồ đã kịp ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho Croatia trong vòng 10 năm bất chấp việc EU đã hứa cung cấp 121 triệu USD cho nước này để tự xây dựng kho dự trữ khí hóa lỏng nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Ngoài ra, Nga cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc xuất khẩu khí hóa lỏng trên bình diện thế giới, bất chấp vị thế là nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới, Nga hiện vẫn đang bị “bỏ lại phía sau” trong lĩnh vực xuất khẩu khí hóa lỏng.
Tháng 12/2017, nhà máy khí hóa lỏng thứ 2 của Nga Yamal LNG mới bắt đầu xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên. Theo đó, khí đốt của công ty Yamal LNG từ Siberia đã cập bến Boston (Mỹ) vào hồi đầu tháng 1/2018. Đây được coi là món quà “không thể tuyệt vời hơn” cho Tổng thống Nga Putin trong ngày lễ Giáng sinh theo lịch Chính thống giáo phương Đông (7/1).
Hệ lụy từ cạnh tranh ngôi vị
Sự kiện, Nga vẫn xuất khẩu năng lượng sang Mỹ thông qua hải trình “kỳ lạ” của chuyến hàng từ Siberia đến Boston đã gây ra rất nhiều phỏng đoán khác nhau từ các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng. Từ cuối tháng 12/2017, hãng vận tải đường thủy của Nga Sovcomflot đã chuyển số khí đốt của công ty Yamal LNG đến một trạm tiếp nhận trên đảo Grain của Anh.
Tuy nhiên, trên thực tế, con tàu của hãng Sovcomflot chỉ dừng ở Anh trong thời gian ngắn. Chỉ 2 ngày sau, tàu Gaselys của Pháp đã đến đảo Grain để nhận số khí đốt nói trên. Theo đơn đặt hàng chính thức, chi nhánh Bắc Mỹ của công ty năng lượng Pháp Engie SA đã mua số khí đốt này từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia Petroliam Nasional Bhd.
Tàu Gasely dừng tại Tây Ban Nha trước khi đi qua nước này theo tuyến đường biển chạy qua quần đảo Canary. Sau đó, vào ngày 19/1, sau khi đã đi được nửa đường qua Đại Tây Dương, con tàu này đột ngột chuyển hướng lộn lại phía Tây Ban Nha với lý do “thời tiết xấu” trước khi lộn lại lần nữa để hướng về Boston và đậu tại trạm tiếp nhận Everett LNG.
Câu chuyện “kỳ lạ” về con tàu Gaselys phản ánh thực tế về toàn cầu hóa trên thị trường khí đốt. Quá trình toàn cầu hóa này đã giúp công nghiệp sản xuất và xuất khẩu khí đốt của Mỹ bùng nổ tăng cả khối lượng trao đổi và tính thanh khoản trên thị trường thế giới.
Trong xu hướng toàn cầu hóa đó, việc xuất khẩu khí hóa lỏng từ một địa điểm trên thế giới tới một nơi khác nhằm đáp ứng nhu cầu đột xuất và những biến động bất thường trên thị trường quốc tế đã trở thành xu hướng tất yếu.
Được biết, nhiều tuyến đường mới, nhiều nhà cung cấp và xuất khẩu mới cũng như đối tác mới về năng lượng và khí đốt đang nổi lên. Mỹ cũng đang dần tìm cho mình một hướng đi mới để trở thành siêu cường về năng lượng. Bài học về “mùa Đông lạnh giá” vừa qua sẽ chỉ càng khiến Mỹ phải kiên định với chiến lược của mình.
Theo giới phân tích, Mỹ cũng hiểu rằng, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ trong thời tiết giá lạnh khiến các đơn hàng khí hóa lỏng vẫn có thể cập cảng Mỹ thông qua thị trường khí đốt vốn đã toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, “Kỷ nguyên mới, trong đó Mỹ sẽ thống trị hoàn toàn về mặt năng lượng” bởi chiến lược mới về năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được ghi nhận là tham vọng lớn càng làm gia tăng tính quyết liệt trong cạnh tranh trên thị trường năng lượng nói chung và dầu mỏ nói riêng.
Như vậy, trong bối cảnh mới, sự biến động của giá dầu đang phản ánh cuộc cạnh tranh, thậm chí “chiến tranh” trong lĩnh vực dầu mỏ mà nhân tố công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến, đa dạng hóa các phương thức vận chuyển, cùng với xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực thương mại - năng lượng… khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, năm 2018 giá dầu khó có thể ổn định, tác động không nhỏ đến tốc độ phục hồi và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Theo Nguyễn Nhâm - vov.vn - 03/02/2018
Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/nam-2018-gia-dau-the-gioi-lieu-co-on-dinh-726424.vov
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- PVC sẽ thoái vốn tại hai công ty con - 11/02/2018 07:42
- Hút hàng quất bonsai trồng trong bình gốm - 10/02/2018 05:45
- Cùng nhà phân phối độc quyền Lê Bảo Minh trải nghiệm đẳng cấp Canon - 09/02/2018 07:39
- Đến nhà hàng Le Royal Saigon thưởng thức hương vị Tết Việt - 08/02/2018 04:35
- SEO Magic - Dịch vụ đẩy nhanh thứ hạng website của bạn lên top Google - 07/02/2018 08:02
Tin cũ hơn
- ĐH Ngoại thương TP.HCM tổ chức vòng Chung kết Quốc gia Hult Prize Việt Nam 2018 - 01/02/2018 01:49
- NguyenloiMoving cung cấp dịch vụ chuyển văn phòng trọn gói uy tín, giá rẻ - 30/01/2018 03:51
- 13 doanh nhân trẻ góp mặt trong danh sách 'under 30' năm 2018 - 30/01/2018 03:15
- TPHCM sẽ mở thêm 5 chợ phiên nông sản an toàn - 28/01/2018 08:11
- 'So găng' kinh tế Việt Nam và Uzbekistan trước trận chung kết lịch sử của U23 - 27/01/2018 05:27