• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mệt mỏi với dự án chậm giao căn hộ

Chúng tôi trở lại các dự án bất động sản “trùm mền” nhiều năm, khiến cho nhiều người mua nhà phải đi thuê phòng trọ và vất vả vác đơn đi kiện đòi nhà.

Sau chuyện ca sĩ Thu Minh đòi kiện chủ đầu tư ra tòa vì chậm bàn giao nhà và không trả tiền phạt theo đúng cam kết, chúng tôi trở lại các dự án bất động sản “trùm mền” nhiều năm, khiến cho nhiều người mua nhà phải đi thuê phòng trọ và vất vả vác đơn đi kiện đòi nhà.

Có dự án vẫn là lô đất trống cỏ mọc um tùm, có dự án xây dang dở với những khối bêtông đã xuống cấp. Trong khi đó, hồ sơ của người mua nhà ngày một dày lên theo năm tháng mệt mỏi đi kiện cáo.

Met moi voi du an cham giao can ho hinh anh 1

Tòa nhà Léman - đây là dự án mà chủ đầu tư và ca sĩ Thu Minh dọa đưa nhau ra tòa về việc chậm bàn giao căn hộ.

“Bao giờ chúng tôi có nhà?”

Sau gần bốn năm kể từ ngày đến hạn được giao nhà, gia đình anh Trần Công Mạnh vẫn phải đi thuê trọ trong một con hẻm ở quận Tân Phú, TP HCM.

Trước đó, anh Mạnh dốc hết số tiền tích cóp được hơn 438 triệu đồng để mua một căn hộ tại dự án chung cư Đại Thành (đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú). Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho anh từ năm 2012, nhưng đến nay anh Mạnh vẫn phải tiếp tục đi kiện tụng để đòi nhà.

“Tiền tiết kiệm tôi đã gom đóng hết cho chủ đầu tư nhưng không biết bao giờ mới có nhà. Gần đây chủ đầu tư kêu đóng tiền nhưng vợ chồng tôi không đóng nữa vì họ đã thất hứa quá nhiều lần, tôi đã cạn niềm tin” - anh Mạnh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng tháng 6/2012, sau khi xây xong phần thô, dự án này ngừng thi công. Nhiều khách hàng không tiếp tục đóng tiền càng làm dự án chậm hoàn thiện do chủ đầu tư cạn tiền.

Tương tự, hàng trăm người mua nhà tại dự án chung cư Gia Phú Land (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), được chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào năm 2012, nhưng đến nay dự án vẫn là một khối bêtông bỏ hoang phế.

Bà Lê Thị Hạnh, một khách hàng, cho biết đang lâm vào cảnh “tiền mất, nợ mang” do lỡ dồn hết số tiền hơn 1,5 tỉ đồng để mua ba căn hộ tại dự án này.

Theo bà Hạnh, dù được TAND quận Thủ Đức xử thắng kiện, yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền và bồi thường lãi suất đối với hai căn hộ nhưng đến nay việc thi hành án vẫn chưa được thực hiện. Căn hộ còn lại đang bị tranh chấp do chủ đầu tư mang bán tiếp cho một khách hàng khác.

“Nhiều năm nay tôi phải bỏ luôn cả công ăn việc làm để đi “đòi” nhà nhưng chủ đầu tư cầm tiền rồi biến mất. Giờ mỗi lần đi qua dự án bỏ hoang tôi lại rơi nước mắt” - bà Hạnh nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Đặng Thị Mỹ Hiền, cũng mua căn hộ dự án Gia Phú Land từ tháng 11/2011, cho biết khi mua căn hộ này chị đang có bầu con đầu lòng, đến nay bé đã được 4 tuổi nhưng chẳng nhận được nhà, gia đình chị hiện vẫn phải đi thuê phòng trọ.

Theo chị Hiền, năm 2013, chủ đầu tư gọi chị lên thanh lý hợp đồng và trả lại tiền nhưng sau khi chuyển cho chị 50 triệu đồng, trong số gần 900 triệu đồng đã đóng, rồi trốn biệt tăm đến nay. “Ngay cả căn hộ tôi đã đóng hơn 75% giá trị cũng bị chủ đầu tư đem bán lại cho một khách hàng khác, giờ gia đình tôi chẳng biết kêu ai” - chị Hiền bức xúc.

Đừng để “chưa được vạ, má đã sưng”

Từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015, bà Khanh Nguyễn (một Việt kiều Anh) đã đóng hơn 7,4 tỉ đồng để mua căn hộ tại dự án Léman Luxury Apartments (quận 3). Tuy nhiên, theo bà Khanh Nguyễn, đến ngày 25/2/2016, bà buộc phải thanh lý hợp đồng vì chủ đầu tư chậm giao nhà.

Theo thỏa thuận thanh lý hợp đồng, phía C.T Phương Nam phải thanh toán toàn bộ số tiền bà Khanh Nguyễn đã đóng và số tiền phạt chậm giao nhà là 9,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, bà Khanh Nguyễn cho biết đến nay phía C.T Phương Nam vẫn chưa trả cho bà đồng nào. “Tôi định cư ở nước ngoài, muốn có chỗ ở sau khi về nước nên đã đặt mua căn hộ tại dự án này. Thấy giá trị căn hộ cao, ở vị trí trung tâm nên tôi quyết định mua nhưng không ngờ lại bị rơi vào cảnh hết sức khổ sở này” - bà Khanh Nguyễn bức xúc.

Trong khi đó, sau nhiều năm chờ đợi, bà H., một khách hàng mua nhà tại dự án PetroLandmark (quận 2), cho biết vừa được chủ đầu tư thông báo khởi động lại dự án, nhưng chỉ thi công hai trong bốn khối nhà của dự án này, đồng thời sẽ phải thay đổi nội thất vật tư trong hợp đồng.

“Có thông tin chủ đầu tư còn đòi tăng giá bán so với hợp đồng cũ là 2 triệu đồng/m2, chúng tôi không đồng tình việc này nên chưa đóng tiền vào tiếp. Làm như thế khác gì treo đầu dê bán thịt chó” - bà H. nói.

Tương tự, dự án chung cư Mỹ Phú (quận 7) cũng bị “trùm mền” suốt nhiều năm nay, vừa được chủ đầu tư khởi động trở lại nhưng nhiều khách hàng vẫn do dự đóng tiền do đã mất niềm tin. “Tôi mua căn hộ này từ năm 2012, đã đóng trước 600 triệu đồng, nhưng quyết định chưa đóng thêm tiền vì chẳng biết chủ đầu tư có giao nhà đúng hẹn, chưa kể chất lượng có đúng như đã cam kết” - bà D., một khách hàng mua căn hộ tại dự án này, cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hợp đồng mua nhà trên giấy này đều ký cách đây từ 3 đến 5 năm về trước, trước khi Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh, đảm bảo dự án giao nhà đúng thời hạn hoặc ngân hàng bảo lãnh phải trả lại tiền cho khách hàng nếu chủ đầu tư vi phạm.

Hơn nữa, các bản hợp đồng này đều do chủ đầu tư tự soạn thảo nên quy định xử phạt đối với khách hàng nếu chậm đóng tiền rất cụ thể nhưng điều khoản phạt chủ đầu tư chậm giao nhà chỉ nói chung chung, thậm chí có hợp đồng không quy định việc chủ đầu tư phải bồi thường cho khách nếu chậm giao nhà.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia cho rằng ngay cả khi có sự bảo lãnh của ngân hàng, người mua nhà cũng cần lựa chọn các chủ đầu tư uy tín, tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, đọc kỹ các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng để có sự thỏa thuận hợp lý, tránh nắm dao đằng lưỡi.

“Với sự bảo lãnh của ngân hàng, người mua nhà có thể an tâm hơn. Nhưng chờ “được vạ, má đã sưng” nên tốt nhất khách hàng nên chọn chủ đầu tư uy tín để mua nhà” - vị này khuyến cáo.

 http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160408/met-moi-voi-du-an-cham-giao-can-ho/1080817.html

Theo Đình Dân/Tuổi Trẻ