Không nên đánh thuế nhà ở thứ 2
- Được viết ngày Thứ sáu, 08 Tháng 9 2017 10:21
Đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2, theo các chuyên gia sẽ không chống được đầu cơ, vẫn lãng phí đất, thậm chí còn “bóp” nghẹt thị trường căn hộ cho thuê khiến người thu nhập thấp càng khó khăn hơn.
Ý kiến trên được các chuyên gia góp ý tại tọa đàm trực tuyến: Hai kịch bản từ đề xuất đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 7.9.
Biệt thự xây thô để hoang do thị trường bất động sản gặp khủng hoảng một thời gian dài.
Nhà cấp 4 phải đóng, biệt thự thì không?
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (DN) lớn, Tổng cục Thuế, cho biết hiện Bộ Tài chính đã lập một nhóm các nghiên cứu về luật Thuế tài sản, trong đó có thuế bất động sản (BĐS). Trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào điều chỉnh vấn đề này nên nghiên cứu là cần thiết, nhưng có đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 hay không, khi nào đánh, đánh bao nhiêu thì phải có lộ trình.
Hiện nay, luật Thuế thu nhập cá nhân đánh thuế chuyển nhượng với thuế suất 2% trên giá trị chuyển nhượng; thuế suất 0,03% đối với sử dụng đất phi nông nghiệp. Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho rằng khi nghiên cứu sắc thuế này cần biết mục tiêu để chống đầu cơ, để người sử dụng nhà đất có trách nhiệm hơn trong việc đóng thuế hay vì mục tiêu ngân sách… “Chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu sắc thuế mới này được thực thi thì không được thuế chồng thuế”, ông Phấn lưu ý.
Từ góc độ kinh doanh, ông Lê Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, đặt giả thiết một người có một ngôi nhà diện tích 1.000 m2 không bị đánh thuế trong khi người có 2 nhà mỗi nhà 50 m2 lại phải đánh thuế thì sẽ vô lý. Chia sẻ quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết trong mọi sách giáo khoa không có khái niệm đánh thuế nhà ở thứ 2, chỉ có đánh thuế nhà hay không đánh thuế nhà. Bởi sẽ là bất hợp lý nếu một cái biệt thự là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 là nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế. “Tôi ủng hộ không đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất với ý nghĩa khẳng định sự hiện hữu của chủ sử dụng ở đây, đảm bảo các công tác hạ tầng. Chúng ta cần cải cách chính sách thuế để cải tạo thị trường BĐS”, ông Võ kiến nghị.
Nhà cho thuê “chịu trận”
Tôi ủng hộ không đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất với ý nghĩa khẳng định sự hiện hữu của chủ sử dụng ở đây, đảm bảo các công tác hạ tầng. Chúng ta cần cải cách chính sách thuế để cải tạo thị trường bất động sản. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT |
Vấn đề đáng quan ngại hơn, theo GS Võ, đánh thuế vào nhà ở thứ 2 là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là khiến người thuê nhà khó khăn do giá thuê sẽ đắt hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, đồng tình đánh giá những sắc thuế và phí gì đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu đánh thuế cao thì nguồn cung sẽ giảm đi. Nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70%, ở VN chỉ có 10%. Hiện nay, theo ông Hà thị trường BĐS đang rất ổn định, chỉ mới phục hồi được mấy năm sau một thời gian khủng hoảng dài. Năm 2009, nhà nước có chính sách coi BĐS không phải là ngành sản xuất và giảm các khoản vay vốn, ngay lập tức đã kéo theo nhiều DN gặp khó khăn và kéo theo nợ xấu, thậm chí nhiều DN phải phá sản, hệ lụy là ảnh hưởng tới ngành xây dựng, lao động, vật liệu xây dựng…
Một điểm đáng chú ý khác, trong nghiên cứu của Bộ Tài chính có so sánh với một số quốc gia, như Singapore đánh thuế suất khá cao, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết Singapore đánh thuế nhà ở thứ 2 với người dân trong nước từ 3 - 10%, với người nước ngoài là 10 - 15% vì có quá nhiều người nhập cư, không đủ cung. Do đó, chính phủ đưa ra chính sách thuế để cân bằng thị trường. Ở VN thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác. Chính phủ vừa thông qua đạo luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS VN. “Chính vì vậy, ở góc độ DN, chúng tôi nghĩ không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản VN”, ông Matthew Powell đề xuất.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, DN, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết hiện đã có nhiều chính sách thuế liên quan đến BĐS, thuế nhà chưa đánh. Thuế đất được thu để bù đắp chi phí hạ tầng, nhà nước để toàn bộ cho địa phương. Khi chuyển nhượng BĐS thì cá nhân bị đánh thuế 2%, với DN bị đánh thuế thu nhập DN. “Do đó chúng ta đang làm trong khuôn khổ chung với chính sách BĐS rất rõ ràng. Đánh thuế nhà ở thứ 2 hiện Bộ Tài chính mới đang nghiên cứu”, ông Phụng nói.
Theo Thanh Niên
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- iPhone X xách tay có thể lên đến 70 triệu đồng khi về Việt Nam? - 13/09/2017 09:38
- Lộ diện Top 5 xuất sắc nhất Kick - Off To Future 2017 - 13/09/2017 04:00
- Không khí sôi động của lễ bế mạc Top 300 Kick-Off To Future 2017 - 11/09/2017 05:13
- Hoa hậu Hải Dương đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ châu Á - 11/09/2017 02:46
- Đề xuất tăng mức giá mua điện gió: Ai sẽ gánh? - 09/09/2017 18:51
Tin cũ hơn
- Hoa hậu Trí tuệ Phan Hoài Xuyên 'quái nhưng đẳng cấp và độc đáo' - 06/09/2017 02:59
- Doanh nhân Bích Trâm trải nghiệm kĩ năng tại khóa học Asian Leadership Academy - 05/09/2017 02:38
- Câu chuyện thương hiệu khác biệt của Uber - 04/09/2017 00:11
- 6 ngân hàng thế giới sắp phát hành tiền ảo riêng - 03/09/2017 02:03
- Ngân hàng nội bớt 'mê' vốn ngoại - 01/09/2017 10:07