Khi ngành nhựa Việt rơi vào tay doanh nghiệp ngoại
- Được viết ngày Thứ tư, 02 Tháng 3 2016 11:50
5-6 tỷ USD là tổng ngân sách SCG dự kiến sẽ dùng để M&A tại Việt Nam đến năm 2020.
Được xem là một thị trường tiềm năng, ngành nhựa Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh và đứng trước những cuộc thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại đến từ Thái Lan, Nhật và Hàn Quốc. Sau những thương vụ M&A diễn ra vừa qua, dự báo làn sóng thâu tóm ở ngành nhựa sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
5-6 tỷ USD là tổng ngân sách SCG dự kiến sẽ dùng để M&A tại Việt Nam đến năm 2020.
Đại gia nhựa rơi rụng
Đứng trong tốp 5 công ty lớn thuộc lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa, giữa năm ngoái, Công ty Nhựa Tín Thành đã bất ngờ bán lại 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG (Thái Lan) với giá 44,4 triệu USD. Với SCG, đây chính là con đường ngắn nhất để họ mở rộng sản xuất và củng cố vị thế hàng đầu ngành bao bì tại thị trường Đông Nam Á.
Tín Thành là doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam, có nhiều khách hàng lớn như Nestlé, Bayer, Dupont, C.P, Walmart, Trung Nguyên, Vinamit... Tuy nhiên, e ngại cạnh tranh gay gắt, họ đã quyết định bán mình.
Không chỉ thâu tóm Tín Thành, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng Việt Nam khi mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Ðây là 2 doanh nghiệp nhựa đang chiếm khoảng 50% thị phần ngành nhựa xây dựng trong nước. Nếu tăng tỉ lệ sở hữu và thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, SCG sẽ dễ dàng thống trị ngành nhựa xây dựng của Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, SCG đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 công ty Việt Nam thuộc lĩnh vực nhựa. Ngoài những doanh nghiệp đã nêu, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.
Ngoài ra, SCG cũng có vốn tại một số công ty nhựa Việt Nam khác như Công ty Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP (Hà Nội), Công ty Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty Sản xuất bao bì Packamex (Việt Nam)...
Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật cũng rất thích thị trường nhựa Việt Nam. Tiêu biểu, Công ty Oji Holding Corporation của Nhật đã mua Công ty Bao Bì United, hay Sagasiki Vietnam mua Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun. Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn đầu tư vào Công ty Nhựa dân dụng Đông Á.
Cùng lúc đó, Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến cũng phải “trao thân” cho người Hàn, gây bất ngờ lớn cho toàn bộ ngành nhựa Việt Nam. Công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán và đứng trong tốp đầu những công ty nhựa phức hợp lớn. Sau hàng loạt vụ mua đi bán lại cổ phiếu giữa các cổ đông, bỗng một ngày, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lê Minh Cường của Tân Tiến bỗng nhận ra rằng lượng lớn cổ phiếu của Công ty đang chảy vào túi một đại gia Hàn Quốc.
Dù ngay sau đó, ông Cường huy động toàn bộ nguồn tài chính để tăng tỉ lệ sở hữu tại Tân Tiến nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Hiện ông chỉ sở hữu 23,67% vốn Công ty, trong khi “tay thợ săn” Hàn Quốc đã nắm giữ tỉ lệ chi phối.
Cạnh tranh quá khốc liệt
Nếu Tín Thành có lịch sử hình thành 20 năm, thì Tân Tiến đã được thành lập từ năm 1966. Sản phẩm chủ yếu của Tân Tiến là các mặt hàng bao bì nhựa phức hợp gia công cho các đơn vị sản xuất khác, trong đó bao bì thực phẩm và hàng tiêu dùng chiếm khoảng 80%. Công ty này đang cung cấp sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, nông sản, thực phẩm như Unilever, Acecook, Miwon Việt Nam, Ajinomoto Việt Nam, Vedan Việt Nam, Trung Nguyên, Dutch Lady, Nestlé, Bayer Việt Nam... Năm 2014, doanh thu của Tân Tiến là 1.517 tỷ đồng, lợi nhuận 33 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành nhựa Việt trong vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn và lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, nên lợi nhuận ngày càng thấp. Thời hoàng kim của Tân Tiến là khoảng năm 2011 trở về trước, khi doanh thu chỉ hơn 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lên đến 65-85 tỷ đồng. Sau khi thâu tóm Tân Tiến, nhà đầu tư Hàn Quốc đang cơ cấu lại doanh nghiệp này.
Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP HCM, từng chia sẻ, các chủ doanh nghiệp nội đang cảm thấy một sức ép rất lớn khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và TPP. “Áp lực sợ cạnh tranh không nổi nên một số đã quyết định bán luôn doanh nghiệp”, ông nói.
Chưa bán doanh nghiệp, nhưng Công ty Nhựa Ngọc Nghĩa cũng đang gặp không ít khó khăn. Nhựa Ngọc Nghĩa vốn được biết đến là một công ty sở hữu thị phần lớn nhất về sản xuất chai PET cho các đối tác nổi tiếng như Coca-Cola, PepsiCo hay Vinamilk, với thị phần nhựa PET lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 32-35%.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị phần của Nhựa Ngọc Nghĩa liên tục giảm sút do thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh và một số đối tác đã tự xây dựng hệ thống sản xuất chai PET. Ở các lĩnh vực nhựa khác như nhựa gia dụng, nhựa bao bì cũng đã có quá nhiều đối thủ, khiến Công ty khó chen chân.
Theo báo cáo thường niên năm 2014 của Nhựa Ngọc Nghĩa, hầu hết sản phẩm truyền thống của Công ty đều đã có sự tham gia của đơn vị khác. Vì thế, họ phải chịu sức ép lớn về giá và lợi nhuận để có thể duy trì lượng khách hàng hiện hữu. Đó cũng là lý do vì sao công ty này mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm.
Còn theo bà Phan Thị Hà Phương, Giám đốc Marketing Công ty Nhựa Rạng Đông, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành nhựa bao bì Việt Nam đều đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài. “Nhựa Rạng Đông đang tích cực củng cố sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại hơn để giữ khách hàng truyền thống và phát triển những sản phẩm xuất khẩu”, bà cho hay.
Được biết, hiện thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa bao bì là Mỹ, chiếm tới 60%. Tiếp đến là Nhật với 15%. Trong thời gian tới, có thể thị trường Nhật sẽ gia tăng nhập khẩu nhựa bao bì từ Việt Nam vì không muốn hợp tác với các công ty bao bì Trung Quốc, do căng thẳng chính trị và cạnh tranh chi phí. Và đây sẽ là cơ hội cho các công ty nhựa bao bì tại Việt Nam.
”Hướng đi trong tương lai là các công ty nhựa sẽ tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất cho các công ty tiêu dùng. Cách này sẽ giúp họ phát triển rất mạnh và không phải chịu sức ép cạnh tranh quá lớn”, bà Phương, Nhựa Rạng Ðông, nhận xét.
Cũng phải nói thêm, ngoài việc mua nhiều công ty ngành nhựa, các tập đoàn Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật còn rất mạnh về bán lẻ sau khi mua lại và đầu tư nhiều hệ thống siêu thị, đại siêu thị tại Việt Nam. Họ vừa nắm sản xuất, lại vừa có sẵn hệ thống mạng lưới phân phối sản phẩm. Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt sẽ khó có cửa cạnh tranh.
“Sau khi người Thái nắm Metro thì hiện nay, sản phẩm Thái ở đây đã chiếm 70-80%. Còn lại là hàng các nước khác và Việt Nam. Như vậy, các sản phẩm Việt sẽ khó tìm được chỗ đứng trong các siêu thị do người Thái làm chủ tại Việt Nam”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ.
Chắc chắn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn phải chứng kiến nhiều cuộc thâu tóm khác của người Thái trong ngành nhựa và cả nhiều ngành khác. Theo thông tin đã công bố, 5-6 tỷ USD là tổng ngân sách SCG dự kiến sẽ dùng để M&A tại Việt Nam đến năm 2020.
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Lần đầu tiên giá vàng Việt Nam rẻ hơn thế giới, vì sao? - 05/03/2016 02:52
- Bệnh viện cần tăng cường giám sát khi tăng viện phí - 04/03/2016 08:55
- Không cho Tập đoàn Dầu khí VN độc quyền cung cấp xăng dầu trong nước - 04/03/2016 04:44
- Lọc dầu Dung Quất ế hàng hay thất thu hàng ngàn tỷ - 03/03/2016 02:08
- Ca sĩ Johnny Dũng tố cộng sự âm mưu chiếm đoạt công ty & đòi bồi thường danh dự - 03/03/2016 01:00
Tin cũ hơn
- Ngọc Trinh: Tôi yêu tiền hơn tất cả - 01/03/2016 10:44
- Cổ phiếu bầu Đức bốc hơi, người trong cuộc nghĩ gì - 01/03/2016 06:21
- Dưa hấu 300 đồng/kg, ai cứu nông dân - 01/03/2016 03:42
- Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành thiếu 3.146 tỷ đồng vốn giải tỏa mặt bằng - 29/02/2016 02:43
- Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tăng trưởng kinh tế - 27/02/2016 06:18