• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Grab thâu tóm Uber và nỗi lo mang tên độc quyền

Việc Savico phải “giơ cờ trắng” trước sự cạnh tranh của Uber và Grab khiến nhiều hãng taxi khác giật mình, thay đổi để tồn tại hay ngồi im "chờ chết". Hơn nữa, đó là câu chuyện xảy ra trước khi Grab chính thức thâu tóm Uber tại thị trường Việt Nam.

Những cú ngã ngựa bất ngờ

“Bình thường, từ nhà tôi đi lên tượng đài Lý Thái Tổ, đi taxi thường hết chừng 20 nghìn đồng, đi taxi công nghệ hết khoảng mười mấy nghìn. Nhưng cũng vẫn quãng đường đó mà đi vào dịp lễ tết, giờ cao điểm, có khi lên tới hơn 50 nghìn đồng. Đó là khi còn 2 hãng Grab, Uber cạnh tranh nhau. Sắp tới còn một không biết sao...", chị Hương (Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ chị Hương, nhiều người có cùng tâm lý lo ngại khi từ ngày 8/4, hai hãng taxi công nghệ Uber và Grab "về chung một nhà", cùng một hệ thống quản lý. Tài xế thì lo ngại mức chiết khẩu sẽ cao hơn vì không còn cạnh tranh, khách hàng thì lo bị tăng giá.

Sự lo ngại này càng có lý hơn nữa khi mới đây, công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi. Quyết định này được thông qua bởi đại hội đồng cổ đông vào giữa năm 2017 nhằm mục tiêu bảo toàn vốn trong cảnh kinh doanh sa sút. Nguyên nhân được cho là hãng taxi này không đủ sức cạnh tranh với Uber và Grab.

Việc Savico phải “giơ cờ trắng” trước sự cạnh tranh của Uber và Grab lại càng khiến nhiều hãng taxi khác phải giật mình, thay đổi để tồn tại hay ngồi im "chờ chết".

Tuy nhiên, việc thay đổi đối với các hãng taxi không phải dễ dàng. Để đảm bảo điều kiện kinh doanh, các hãng taxi truyền thống phải đáp ứng hàng trăm điều kiện khác nhau từ số lượng xe, lắp đặt thiết bị, đồng hồ tính cước, thăm khám sức khỏe lái xe… khiến cho chi phí đội lên rất nhiều lần.

Thế nhưng, đối với taxi công nghệ, cho đến thời điểm này vẫn đang còn những tranh cãi chưa rõ ràng thì việc áp dụng các điều kiện kinh doanh như taxi truyền thống là điều… không tưởng.

Một số liệu được ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh đưa ra gần đây có lẽ sẽ khiến nhiều người phải bận tậm: Hiện tại, TP.Hồ Chí Minh có tới 21.600 xe Grab, trong khi đó, xe taxi truyền thống chỉ còn lại 8.000 xe. Những con số này sẽ còn tiếp tục có những thay đổi trong thời gian tới. Trong đó, sự lo ngại thị phần của taxi truyền thống ngày càng bị thu hẹp lại khá phổ biến.

Savico không phải là hãng taxi đầu tiên bại trận trước đòn tấn công của taxi công nghệ. Trước đó, “kẻ khai phá” lĩnh vực này ở Việt Nam có tên Easy Taxi vào Việt Nam từ 2013 cũng phải lặng lẽ rút lui khỏi thị trường vào năm 2015. Nguyên nhân được xác định bởi “tiền”.

Cuộc chiến giành giật thị phần cũng là cuộc đua “đốt tiền” giữa các hãng công nghệ, ai thiếu tiềm lực hơn sẽ là kẻ phải tự động rời sân. Cũng phải lưu ý rằng, Easy Taxi trước đó đã “đốt” tới hơn 1 triệu USD chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi khoảng 9 tháng.

Và giờ thì đến lượt Uber bỏ cuộc...

Cách đây không lâu, Giám đốc Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đã úp mở về đường hướng phát triển trên truyền thông rằng “một công ty không bao giờ có thể khuyến mãi suốt đời nếu không muốn phải đóng cửa”.

Những kịch bản cho tương lai của lĩnh vực taxi công nghệ nói riêng và taxi nói chung khiến nhiều người phải rùng mình e ngại.

grab uber tapchithoidai

Từ ngày 8/4, Uber và Grab sẽ về chung một nhà.

Đang có một sân chơi riêng?

Theo ông Nguyễn Công Hùng, đại diện hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều quy định bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. “Tôi ví dụ, taxi truyền thống đi đến đâu cũng bị kiểm soát vì có mào còn taxi công nghệ thì không. Taxi bình thường phải luôn có tới 12 loại giấy tờ, nếu thiếu 1 trong các loại này là bị giao thông phạt. Còn Grab, Uber không có vẫn hoạt động tự nhiên, như thế khác nào được ưu tiên. Phải chăng đang có một sân chơi riêng dành cho họ?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Trong một trao đổi mới đây với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại có một góc nhìn cởi mở hơn. Khi được đặt câu hỏi có liên quan về khả năng độc quyền của Grab tại thị trường Việt Nam, ông Long cho biết, trong tương lai gần điều đó là không thể.

"Bởi lẽ, nó chỉ là độc quyền khi chỉ có một mình mình thống lĩnh thị trường, phương thức vận tải. Hiện nay, ngoài Grab ra thì còn có những hãng khác như Vivo, taxi truyền thống nên chưa thể gọi là độc quyền. Kể cả trong tương lai, khi thị phần của nó lên cao, thống lĩnh thị trường thì Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế quản lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", ông Long nhận định.

Theo nguoiduatin.vn