Đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
- Được viết ngày Chủ nhật, 05 Tháng 2 2017 10:21
Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020; giảm tiền thuê đất; giảm 50% thuế thu nhập đối với người lao động làm trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, chế biến nông sản.
Tại buổi Tọa đàm “Kinh tế 2017: Sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo”, một số doanh nghiệp kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng hơn theo từng nhóm đối tượng, ngành nghề và đặt cậu hỏi, "xin cho biết trong năm nay, Chính phủ sẽ triển khai những giải pháp gì để hiện thực hóa các mục tiêu theo như Nghị quyết 35, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp?"
Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với quyết tâm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những chủ thể quan trọng, là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, gắn liền với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết đã đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo và các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ như: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Năm 2016, Chính phủ đã tập trung vào công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp như trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP…
Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ ít nhất 2 lần/năm tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp; ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng và đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp điều hành tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn từ ngày 01/10/2016.
Đây là một kênh thông tin kết nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, góp phần tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, thông qua Hệ thống này đã tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp. Nhiều kiến nghị khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Những hành động, giải pháp cụ thể nêu trên đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào một năm rất thành công trong phát triển doanh nghiệp của cả nước với hơn 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập, cao nhất từ trước đến nay, gần 27.000 doanh nghiệp do khó khăn phải ngừng hoạt động trước đây nay đã hoạt động trở lại, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Năm 2017 với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội mới, với chủ trương nhất quán về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể: Hoàn chỉnh, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay sau phiên họp Chính phủ tháng 01/2017; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, nếu cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cho phù hợp với giai đoạn tới.
Chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thanh tra, kiểm tra, giám sát cần có kế hoạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật… với tinh thần lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Đây là sự khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Khampha.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Từ ngày 15/3 tới, hộ kinh doanh sẽ không được phép vay vốn ngân hàng - 11/02/2017 03:07
- Dự kiến có 20 ngành nghề cấm tư nhân kinh doanh - 11/02/2017 02:53
- Thị trường bất động sản: 'Nhộn nhịp' đầu tư khu đô thị mới ở các tỉnh thành - 10/02/2017 09:10
- Vietcombank hoàn trả 10 tỷ tiền lãi còn thiếu cho khách - 08/02/2017 03:15
- Một trong những nguyên tắc vàng của doanh nghiệp, phải biết 'đốt lửa đúng cách' - 06/02/2017 03:58
Tin cũ hơn
- Chiến lược doanh nghiệp – Tìm lại vị thế - 23/01/2017 02:47
- Vé máy bay Tết đã bán gần 95% - 21/01/2017 02:54
- Tập đoàn Hoàn Cầu động thổ cao ốc liên hợp hoàn cầu Bến Tre - 19/01/2017 01:53
- Mẹo đi chợ Tết tiết kiệm mà chị em nên biết - 15/01/2017 03:26
- VN xuất siêu sang Mỹ 29,4 tỉ USD: Đáng mừng nhưng đừng vội vỗ tay - 14/01/2017 05:15