• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bộ TT&TT chính thức cấp phép 4G cho MobiFone

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa ký cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho MobiFone trên băng tần 1800 MHz.

MobiFone

Ảnh minh họa

Ngày 14/10/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã ký cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Viettel và VNPT trên băng tần 1800 MHz.

Như vậy, hơn 100 triệu thuê bao di động của 3 nhà mạng trên sắp được sử dụng dịch vụ 4G.

Trước đó, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, MobiFone và FPT Telecom.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương, trong tương lai sự phát triển 4G hứa hẹn sẽ thúc đẩy thương mại trên di động phát triển nhanh chóng, di động là hướng phát triển tất yếu trong thương mại điện tử.

Ông Dong Soo Park, Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Sale toàn cầu của Samsung Networks cho rằng với sự phát triển 4G, người dùng Việt Nam sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn. Đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam phát triển 4G.

LTE 4G được biết đến là một trong những công nghệ viễn thông di động nhanh nhất hiện nay, cung cấp cho người dùng dịch vụ dữ liệu di động nhanh gấp 10 lần so với 3G. Tại thời điểm năm 2009, khoảng 75% tổng lưu lượng mạng di động đến từ các cuộc gọi đến. Đến năm 2014, chỉ sau 3 năm sau khi 4G LTE được triển khai, lưu lượng di động đã chiếm 99% tổng lưu lượng toàn hệ thống mạng. Nguyên nhân chính của sự chuyển dịch này đến từ các dịch vụ video mới. Đến cuối năm 2015, trung bình một người dùng 4G LTE sử dụng 4.3GB một tháng, trong khi người dùng 3G chỉ sử dụng 0.7GB. Trong đó lưu lượng dữ liệu video chiếm 57% toàn bộ lưu lượng dữ liệu toàn cầu.

Để đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa mạng 4G LTE nhằm đáp ứng cho thị trường tiềm năng này, các nhà mạng đang xây dựng hạ tầng mới để phát triển mạng 4G LTE tách biệt với mạng đang hoạt động khác. Chính phủ cũng đưa ra chính sách phân bổ tài nguyên tần số giữa các mạng phù hợp cho nhu cầu thị trường.

Tại hội thảo 4G tổ chức hồi đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: Việt Nam đặt ra mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và xác định viễn thông, CNTT là một trong những công cụ then chốt để thực hiện chủ trương này.

Định hướng phát triển viễn thông - CNTT đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia, trong đó nêu rõ nhiệm vụ xây dựng và phát triển hạ tầng băng rộng quốc gia hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao và cung cấp đa dịch vụ tới mọi miền đất nước. Trong đó Chương trình nhấn mạnh xây dựng hạ tầng băng rộng 4G, phủ sóng 95% dân số đến năm 2020. Vì vậy, việc triển khai công nghệ tiên tiến nhất như LTE - Advance đang tiếp tục dành được sự quan tâm lớn của cả giới doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Nắm bắt xu hướng phát triển về dịch vụ, CNTT di động, Bộ TT&TT đã quy hoạch, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ LTE từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá công nghệ, nhu cầu thị trường, thiết bị và các điều kiện khác, cuối năm 2015 Bộ TT&TT đã hướng dẫn, cấp phép triển khai thử nghiệm công nghệ LTE/ LTE Advance.

“Năm 2016, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, các doanh nghiệp sẽ hoàn chỉnh phương án đầu tư, kinh doanh mạng 4G, Bộ TT&TT cũng hoàn chỉnh các cơ chế chính sách quản lý để đảm bảo tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững trên thị trường di động băng rộng”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Theo infonet