Bất động sản TP HCM: Còn nhiều dự án 'chết'
- Được viết ngày Thứ ba, 19 Tháng 1 2016 10:16
Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502, chiếm hơn 41% tổng số dự án. Đây là “phần chìm” của “tảng băng” hàng tồn kho trên thị trường BĐS.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết thị trường TP HCM năm 2015, dự báo năm 2016 do Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) tổ chức chiều 18/1, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch HoREA, cho biết TP HCM hiện có 1.409 dự án, trong đó đã có đến 190 dự án bị thu hồi, hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công; trong số 325 dự án đã khởi công thì tới 97 dự án đã phải tạm ngưng. Số dự án bất động sản (BĐS) chết, què quặt còn quá nhiều. Doanh nghiệp và chính quyền cần có giải pháp cho bài toán này.
Điển hình gây nên sự lãng phí là hàng loạt dự án xây dựng dở dang rồi phó mặc cho mưa nắng, hay những dự án đền bù giải tỏa bất thành. Cách đây 6 năm, dự án Phước Kiểng huyện Nhà Bè được UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Với quy mô 90 ha, nhiều năm qua, công ty này đã đền bù giải tỏa được 82% dự án, 18% còn lại không thể giải tỏa do các chủ đất không chịu di dời. Chính vì việc thỏa thuận không thành công mà dự án bất động nhiều năm nay. Hay đại dự án Kenton Residences ở quận 7, với tổng vốn đầu tư đến 30 triệu USD, khởi công từ nhiều năm trước, nhưng sau khi nhiều block căn hộ đang xây dựng dở dang thì bỏ hoang đến nay.
Đang có hiện tượng các doanh nghiệp BĐS TP HCM mải mê chạy theo dự án cao cấp, bỏ qua các dự án bình dân, vốn phù hợp túi tiền người có nhu cầu nhà ở thật sự. Ảnh: Lê Quân.
Các dự án không tiếp tục thi công, gây nên sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Một lượng tiền lớn của doanh nghiệp bị “chôn” vào dự án mà không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi được. Trong khi theo đại diện các doanh nghiệp này, để có tiền đền bù và triển khai dự án, chủ đầu tư phải vay tiền ngân hàng. Dự án đóng băng, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng, phải cắt cử người canh giữ đất...
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, để giải quyết tình trạng dự án dang dở, trong năm 2016, Sở Xây dựng sẽ đề xuất thành phố có cơ chế cho doanh nghiệp điều chỉnh lại ranh đất dự án đối với phần đã bồi thường. Tuy nhiên, phải đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nếu nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh, muốn triển khai tiếp 100% dự án thì chính quyền địa phương sẽ phải giúp chủ đầu tư đền bù phần diện tích còn lại. Nếu không thể tiếp tục dự án thì sẽ thu hồi và tổ chức đấu thầu, mời gọi chủ đầu tư khác vào thực hiện, nhằm tháo vốn cho chủ đầu tư cũ và đưa đất vào khai thác.
Câu chuyện rủi ro thị trường cũng được nhiều doanh nghiệp cảnh báo. Tại TP HCM, đang có hiện tượng các doanh nghiệp BĐS “đua” đầu tư sản phẩm trung cao cấp mà bỏ qua các dự án bình dân.
“Sau khi thành công với sản phẩm trên dưới 1 tỷ đồng một căn hộ thì dường như giữa năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp bỏ phân khúc này tập trung vào sản phẩm cao cấp. Doanh nghiệp mải mê với lợi nhuận quá cao mà phân khúc hạng sang mang lại. Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro. Thử hỏi nếu năm 2017, nguồn cung hơn 60.000 căn hộ tung ra, sản phẩm cao cấp chiếm phần lớn liệu rằng có bán hết không”, ông Đực nói?
Chưa có hiện tượng bong bóng trong năm 2016, song theo HoREA, doanh nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người mua nhà thật sự. Ảnh: Lê Quân.
Cũng theo ông Đực, thực tế nhu cầu nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng một căn vẫn chiếm đa số, và phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Ngoài ra, chính quyền cần quan tâm đến những sản phẩm giá rẻ phục vụ bán, cho thuê với công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Đình Trung, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp, chia sẻ, năm 2016, thị trường có "sốt" hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đưa ra sản phẩm của mình. Không nên có quan niệm căn hộ cao cấp mà tùy theo vị trí, vật liệu, thiết kế… để đưa ra một mức giá hợp lý cho sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng thừa nhận một số chủ đầu tư đang quảng cáo “quá lố” so với thực tế và đang sai lầm trong cách bán hàng, như “tra tấn” tin nhắn, điện thoại. Ngoài ra lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp cũng đã xuất hiện, nguy cơ tạo nên “sốt ảo” đối với thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng thị trường BĐS năm 2016 sẽ tiếp tục phục hồi, chưa có nguy cơ bong bóng nhưng cần tiếp tục quan sát, theo dõi các nhân tố bất ổn để xử lý kịp thời. Các doanh nghiệp nên tập trung làm những sản phẩm phục vụ người mua nhà ở thực sự; phát triển sản phẩm cho người thu nhập thấp như căn hộ mini cho thuê giá rẻ; phát triển những dự án tiêu chuẩn xanh với nhiều tiện ích...
Theo zing.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
- Loạt tiền hình khỉ mừng năm mới 2016 - 18/01/2016 09:48
- Hai đại gia bán lẻ Thái Lan tranh nhau mua Big C - 18/01/2016 09:02
- 186 ha sân bay Nha Trang sẽ thành khu thương mại - 18/01/2016 04:17
- NYDC mang Tết sum vầy, lì xì tài lộc đến cho mọi nhà - 18/01/2016 03:47
- EVN cam kết không điều chỉnh giá điện trong năm 2016 - 18/01/2016 03:38