• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những món ăn thú vị, khó bỏ qua trong ngày Tết Đoan Ngọ

Dịp Tết Đoan Ngọ, mọi người thường chỉ quen với những cái tên như bánh tro, cơm rượu nếp, mận, đào… mà ít ai biết rằng trong ngày lễ giết sâu bọ ở nhiều địa phương còn có rất nhiều món ăn ngon, thú vị nữa.

Đã từ lâu, Tết Đoan Ngọ và việc “giết sâu bọ” đã trở thành truyền thống và phong tục của người Việt. Hàng năm cứ đến ngày này, nhà nhà lại chuẩn bị những món ăn, hoa quả, bánh trái để “giết sâu bọ”.

Nhưng dù là món ăn nào, trái cây gì, người Việt vẫn luôn hướng tới và duy trì một nét đẹp văn hóa, một thứ nét đẹp tâm linh đã trở thành truyền thống tự bao đời.

Bún măng vịt

Trong ngày lễ "giết sâu bọ" ở nhiều địa phương của miền Trung, mọi người thường ăn thịt vịt.

Theo quan niệm của người xưa thì ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người. Hơn nữa, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Chính vì vậy món ăn từ thịt vịt luôn được mọi người lựa chọn trong dịp này.

Bún vịt nấu măng có vị ngọt thơm của nước dùng, vị đậm đà của những sợi măng và không thể không kể vị ngon của những miếng thịt vịt. Tết Đoan Ngọ năm nay, bạn cũng thử món bún vịt nấu măng ngon tuyệt đãi cả nhà nhé.

Chè nếp cẩm

Chè nếp cẩm là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Cách nấu chè nếp cẩm cũng không quá khó, chỉ cần dành ra một chút thời gian, bạn đã có món chè ngon để cả nhà giết sâu bọ rồi.

Ngoài món chè nếp cẩm, bạn có thể làm thêm cơm rượu nếp hay nấu rượu nếp cẩm để giệt sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng được. Theo quan niệm dân gian khi ăn những món ăn này, cơ thể sẽ khỏe mạnh, bệnh tật tự tiêu tan hết, sức đề kháng tăng cao.

Chè nếp cẩm có mùi thơm, ngậy của nước cốt dừa, hòa với hương vị ngon ngọt của gạo nếp cẩm, mang đến cho gia đình một món chè tráng miệng vừa dễ ăn vừa giải nhiệt.

Chè nếp cẩm có tính ấm, bổ trung ích khi, có tách dụng chữa tiêu khát, suy nhược cơ thể, lại rất tốt cho máu và tim mạch, thích hợp với mọi lứa tuổi, vì vậy không chỉ riêng dịp Tết Đoan Ngọ, vào mùa hè bạn có thể nấu món chè này cho cả gia đình. Chỉ cần nắm được cách nấu chè nếp cẩm trên đây, thì yên tâm bạn sẽ có được món chè ngon miệng mà ai ăn cũng phải tấm tắc khen.

Từ gạo nếp cẩm, bạn có thể làm thêm món sữa chua nếp cẩm để mọi người ăn thêm cũng được đấy.

Bánh khúc

Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc.

Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.

Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.

Chè kê

Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.

Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.

Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.

Chè trôi nước

Chè trôi nước cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.

Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa.

Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên.

Theo giadinh.net