'Nhặt sạn' từ cuộc thi nhan sắc 'Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017'
- Được viết ngày Chủ nhật, 02 Tháng 7 2017 17:29
Dù được hứa hẹn là một sân chơi nhan sắc chuyên nghiệp, hoành tráng của khu vực Đông Nam Á nhưng Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 lại bộc lộ nhiều điểm yếu kém.
Tối qua (1/7), đêm chung kết Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 đã chính thức diễn ra tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Vượt qua 26 đối thủ, thí sinh mang số báo danh 20 Nuttanan Naree đến từ Thái Lan được chính thức lên ngôi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017.
Đại diện Việt Nam Huỳnh Thị Yến Nhi dừng chân ở ngôi vị Á hậu 1. Benedicta Heda Mercy Charis đến từ Indonesia đăng quang ngôi vị Á hậu 2.
Tân Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 Nuttanan Naree đến từ Thái Lan
Á hậu 1 Yến Nhi đến từ Việt Nam
Á hậu 2 người Indinesia - Benedicta Heda Mercy Charis
Dù được hứa hẹn là một sân chơi nhan sắc chuyên nghiệp, hoành tráng của khu vực Đông Nam Á nhưng Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 lại bộc lộ nhiều sạn trong quá trình diễn ra cho đến tận đêm chung kết.
Số lượng thí sinh không đủ, danh hiệu không rõ ràng
Theo thông tin ban đầu, sẽ có 30 thí sinh đại diện cho các quốc gia thuộc khối ASEAN tham dự. Các cô gái này phải đáp ứng tiêu chí “nằm trong top 3 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia” và được tuyển chọn kĩ càng, tuy nhiên, rốt cuộc thì Indonesia có đến 7 đại diện, chiếm đến 1 phần tư thí sinh, Myanmar có 5 đại diện còn Malaysia, Singapore hay Campuchia chỉ có 1 thí sinh “chinh chiến”. Điều đó có nghĩa quy định “top 3” kia hoàn toàn không được thực hiện.
Phần lớn dàn thí sinh của Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 không có danh hiệu rõ ràng ở quốc gia sở tại. Thông tin về họ cũng vô cùng hiếm hoi khi tìm kiếm trên Google.
Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói ở đây là việc danh hiệu trong nước của dàn thí sinh Hoa hậu Hữu nghị ASEAN lại không hề rõ ràng. Chỉ riêng về phần Việt Nam, thí sinh Nguyễn Thị Thoa không hề có danh hiệu ở một cuộc thi nhan sắc mang tính quốc gia.
Với Á khôi 1 Hoa khôi miền Trung 2016 Tô Mai Thuỳ Dương, cô gái này dù có danh hiệu chính thức nhưng lại không mang tính quốc gia bởi cuộc thi này chỉ tuyển sinh và tổ chức mang tính khu vực gồm 14 tỉnh, thành phố.
Thí sinh Nguyễn Thị Thoa không hề có danh hiệu chính thức ở một cuộc thi nhan sắc có tính quốc gia
Người đẹp Tô Mai Thuỳ Dương là Á khôi 1 Hoa khôi miền Trung, cuộc thi chỉ mang tính khu vực với sự tham gia của thí sinh 14 tỉnh, thành phố
Thậm chí, khi sử dụng công cụ Google để tìm kiếm tên của tân Hoa hậu Hữu nghị ASEAN Nuttanan Naree cũng không có quá nhiều thông tin cũng như danh hiệu chính thức của cô tại Thái Lan. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với các đại diện đến từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Singapore...
Thông tin về Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 cũng cực kì hiếm hoi trên các công cụ tìm kiếm
Quá trình tuyển chọn thí sinh, dù khẳng định là gắt gao, kĩ lưỡng nhưng thực tế chỉ dựa trên cách đánh giá của siêu mẫu Hà Anh, người được ban tổ chức uỷ nhiệm.
Đó là chưa kể, cuộc thi được cho là quảng bá du lịch, thúc đẩy tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực nhưng lại diễn ra khá im lìm. Các hoạt động bên lề gần như diễn ra trong im lặng.
Hơn thế nữa, khi cuộc thi gần đến ngày chung kết, khán giả vẫn chưa rõ và chưa hiểu người thắng cuộc sẽ làm gì, bị ràng buộc gì với ban tổ chức để có thể thực hiện những tôn chỉ, mục đích mà cuộc thi đề ra. Hay để rồi đến sau đêm chung kết, danh hiệu này lại rơi vào quên lãng và cuộc thi chỉ còn lại một mớ kí ức hỗn độn trong tâm trí của khán giả lẫn người thắng cuộc.
Sân chơi khu vực nhưng format lỗi thời mang thương hiệu Việt Nam
Không nằm ngoài dự đoán, đêm chung kết Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 diễn ra theo đúng quy chuẩn cũ kĩ trước nay tại Việt Nam. Theo đó, các thí sinh lần lượt trình diễn trang phục dân tộc, bikini và trang phục dạ hội, chọn top 10, công bố top 5 và thi ứng xử, xác định 3 ngôi vị cao nhất.
Cách tổ chức đêm chung kết Hoa hậu Hữu nghị ASEAN vẫn mang rõ thương hiệu Việt Nam với những tư duy cũ kĩ, lạc hậu
Trong khi đó, tiêu chuẩn đánh giá ở các cuộc thi quốc tế lại là việc cộng dồn điểm kĩ năng, cách thể hiện ở các vòng thi. Thông thường, sau đêm bán kết và những hoạt động bên lề trước đó, ban tổ chức sẽ công bố ngay top 20/16/15/13 (tuỳ sân chơi và quy định từng năm của các cuộc thi) chung cuộc trong phần đầu của đêm chung kết.
Việc làm này vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa cho khán giả thấy được sự thể hiện của các cô gái trong những vòng thi phụ đã được ban giám khảo đánh giá. Top thí sinh xuất sắc trong đêm chung kết sẽ bị loại trừ dần sau các vòng kĩ năng trình diễn, một trong những điểm bắt buộc ở các cuộc thi nhan sắc. Như vậy, tính cạnh tranh, sự nỗ lực của từng người sẽ được thể hiện rõ ràng hơn.
Dù là một cuộc thi nhan sắc nhưng phần thể hiện của các thí sinh gần như bị trộn lẫn vào trong những tiết mục hát hò, nhảy múa của các ca sĩ khách mời. Quỹ thời gian gần như được san bằng cho cả hai hoạt động dù đây là cuộc thi hoa hậu- không gian, thời gian dành cho các cô gái thể hiện kĩ năng lý ra phải là phần chính yếu.
Phần hát hò của các ca sĩ chiếm một phần lớn thời gian trong đêm chung kết Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017
Trong phần thi ứng xử của top 5 chung cuộc, sự cũ kỹ trong tư duy lại thể hiện rõ với những câu hỏi quen thuộc như: Trở thành hoa hậu bạn sẽ làm gì xứng đáng với danh xưng, thông điệp mang đến cuộc thi? Phát biểu cảm nghĩ về địa phương đăng cai cuộc thi?...
Trong khi đó, ở các sân chơi nhan sắc quốc tế, thậm chí ở các quốc gia có nền “công nghiệp” hoa hậu phát triển như: Philippines, Venezuela, Colombia, Mỹ, Pháp,... thì phần thi ứng xử luôn được nhấn vào những vấn đề thời sự để thể hiện rõ quan điểm cũng như tri thức của các cô gái.
Gần đây nhất tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2016, câu hỏi được đặt ra cho top 6 đều mang tính thời sự như: vấn đề tị nạn, di cư bất hợp pháp ở châu Âu, câu chuyện bạo lực giữa các quốc gia, dân tộc, biểu tình đòi công quyền, sự bình đẳng cho phụ nữ,... hay thậm chí nhận xét về 10 ngày làm việc đầu tiên của Donald Trump khi nhậm chức.
Phần thi ứng xử vẫn là những câu hỏi mang thương hiệu Việt, có thể dự đoán trước
Ở phần trao giải thưởng phụ cho 6 thí sinh, “căn bệnh kinh niên” tại Việt Nam là quá tham lam về số lượng khách mời lên trao giải lại diễn ra. Sân khấu trở nên hỗn độn, rối mắt và không hề chuyên nghiệp. Ngay cả phần giới thiệu các chức danh đã chiếm sóng một lượng thời gian không hề nhỏ.
Trong khi đó, chỉ cách Việt Nam khoảng vài giờ bay, các cuộc thi Hoa hậu ở Thái Lan, Philippines hay Indonesia đều chỉ để 1 hoặc 2 khách mời đảm nhận vai trò trao giải, thậm chí chỉ là đương kim Hoa hậu và những người phụ trợ bưng bê giải thưởng giúp không gian sân khấu thực sự gọn gàng, chỉn chu và thể hiện rõ đẳng cấp của ban tổ chức.
Khách mời nhốn nháo trên sân khấu cho phần trao 6 giải phụ
Nếu chưa thể sáng tạo, điều đầu tiên chúng ta có thể làm là học hỏi đế rút kinh nghiệm. Nhưng ngay cả việc học cũng không học thì đến bao giờ Việt Nam mới đủ tầm để có được một sân chơi thực sự mang tầm khu vực, quốc tế?
Theo phunuonline.com.vn
Tin liên quan khác
Tin mới hơn
- Tân Nam vương Người Việt Thế giới 2017 chia sẻ sau đăng quang - 06/07/2017 09:03
- Siêu mẫu Khả Trang quyến rũ bên Siêu mẫu đàn anh Hồ Đức Vĩnh - 06/07/2017 08:19
- Tân Nam Vương dòng nhạc trữ tình bị fans vây quanh tại sân bay - 06/07/2017 07:34
- Hoa khôi du lịch Khánh Ngân đẹp ngất ngây trong BST áo cưới - 06/07/2017 03:49
- Kuroko Tuyển Thủ Vô Hình hứa hẹn khiến các otaku vô cùng thỏa mãn trong mùa hè - 05/07/2017 08:28
Tin cũ hơn
- Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và 4 lần bị tố cáo lừa đảo, quỵt tiền - 01/07/2017 17:44
- Dương Mịch gợi cảm trên tạp chí tháng 7 - 01/07/2017 17:23
- Á hậu Lâm Ngọc Trâm thanh lịch cuốn hút mọi ánh nhìn - 01/07/2017 01:32
- Minh Tú ăn vận giản dị vẫn đẹp hút hồn trong khu vườn xanh mát - 30/06/2017 03:15
- Sau single 'Đừng xa nhau' Lệ Nam lộng lẫy tham dự sự kiện - 29/06/2017 07:45