• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

'Ai nợ Đà Lạt một lời xin lỗi'

Đó là lời than thở đầy trách móc của một người yêu Đà Lạt khi thấy thành phố dần mất đi vẻ hoang sơ, yên bình bởi một bộ phận du khách thiếu ý thức.

“Mỗi ngày, tôi đều thức dậy lúc trời còn mờ sáng, đun ấm nước sôi, pha một tách cà phê nóng rồi chờ đến giờ đi làm. Bà nhà tôi khi rảnh cũng ra ngồi cạnh, nói đôi ba câu chuyện đồng áng, con cái. Gần nửa thế kỷ qua, chúng tôi đã quen với nếp sống như vậy, ở đây không có gì phải vội cả".

Ông Trần Văn Mạnh, một người Đà Lạt gốc, kể cho tôi nghe về cách người dân ở đây bắt đầu một ngày mới như thế nào. Ông bảo, người Đà Lạt đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét, nhưng vài năm qua mọi thứ đã thay đổi nhiều.

Nàng thơ qua bao cuộc bể dâu

Dù đến năm 1893, Đà Lạt mới được phát hiện bởi bác sĩ Yersin nhưng vùng đất này luôn giữ một vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.

Thời Pháp thuộc, Đà Lạt từng được quy hoạch là thành phố nghỉ dưỡng cao cấp. Đến thời cựu hoàng Bảo Đại, Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ (vùng đất của Vua).

Đà Lạt thời Pháp thuộc từng được quy hoạch một cách chỉn chu với những ngôi nhà không được cao quá 2 tầng. Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng.

Ngày nay, Đà Lạt được xem là một trong những thành phố du lịch trọng điểm của cả nước. Danh sách 10 điểm đến mới nổi của châu Á năm 2017 do chuyên trang du lịch TripAdvisor bình chọn cũng vinh danh Đà Lạt ở vị trí thứ 4.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, năm 2017 lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt tăng đột biến. Tính đến giữa tháng 11/2017, Đà Lạt đã đón hơn 5,8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước (tăng 7,8% so với năm 2016). Những chỉ số về phát triển du lịch của thành phố luôn tăng mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Du lịch phát triển, thành phố thay da đổi thịt. Nhiều cái đẹp hơn, đông vui hơn nhưng cũng nhiều cái dần biết mất, nhiều giá trị bị đảo lộn". Như bao người Đà Lạt khác, ông Mạnh là người cảm nhận được rõ ràng nhất những thay đổi của nơi mình sinh sống.

Cơn ác mộng của người Đà Lạt

Trên một diễn đàn du lịch, những hình ảnh nhếch nhác của Đà Lạt sau mùa nghỉ Tết Nguyên đán nhận về hàng trăm nghìn lời phản hồi. Phần đông những người này tỏ ra ngao ngán, bất bình khi thấy những dòng người ùn ùn kéo về thành phố, những điểm đến nổi tiếng ngập trong rác thải khi du khách rời đi.

Với những người kinh doanh, mùa lễ hội cũng là mùa làm ăn buôn bán bởi du khách từ khắp nơi đổ về mỗi năm một tăng. Nhưng với những người Đà Lạt sống bằng nghề nông thuần tuý. Mùa du lịch thật sự là cơn ác mộng.

Hình ảnh nhếch nhác trong khu vực trung tâm Đà Lạt sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Tam Huynh.

Có lần tôi ngồi uống cà phê ven đường, nói chuyện phiếm với mấy người lớn tuổi vừa đi tập thể dục về. Ông cụ ngồi đối diện tôi hỏi vui: “Đố cậu phân biệt được mấy người đang đi xe máy ngoài kia đâu là người Đà Lạt, đâu là khách du lịch?”.

Tôi lắc đầu bảo không biết, ông cụ phân trần: “Người Đà Lạt đi xe máy không bấm còi, ở đây chẳng ai ồn ào thế. Chỉ có du khác từ xa đến, mang theo nhiều thói quen, có cái chúng tôi nhìn không hợp mắt".

Đà Lạt bây giờ không còn riêng của người Đà Lạt nữa. Du khách từ khắp nơi đổ về.

“Có một thứ gì đó không phải của con người. Thứ rác của ý thức, của văn minh cứ trôi chảy ngược xuôi, rồi đổ tràn ra đô thị, nhầy nhụa ra những nơi mà họ đặt chân đến.” Dòng chia sẻ của Trương Việt Phong trên một diễn đàn du lịch nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng mạng.
"Bức tường sống ảo đã tử nạn sau một đêm". Ảnh: Demi Vu.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà du lịch đem lại, nhưng một đô thị nhỏ và dễ bị tổn thương như Đà Lạt cần được bảo vệ cẩn trọng để du lịch không phải là cơn ác mộng với người dân thành phố nghìn hoa.

“Đà Lạt đang tự đánh mất mình”

Tuy nhiên, người ta không thể đổ hết lỗi cho du khách, chính chúng ta cũng phải nhìn lại thành phố của mình.

Trả lời báo giới, KTS Ngô Quang Hùng, Giám đốc Phân viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và nông thôn miền Nam, nhận định: “Đà Lạt không nên có những khu nhà quá lớn, những khối bê tông gây choáng ngợp thành phố".

Theo ông Hùng, không chỉ quy hoạch đô thị mà nông nghiệp quy hoạch không đúng cách đã khiến “vườn địa đàng” Đà Lạt bị ảnh hưởng nặng. Đất đai, nước bị ô nhiễm.
Mỗi mùa du lịch đến, Đà Lạt lại ngập trong biển người. Ảnh: Đà Lạt trong tôi.

Chúng ta nghe nói nhiều về dự án quy hoạch “Đà Lạt và vùng phụ cận" nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại với một Đà Lạt hiện hữu chỉ bằng 1/8 so với quy hoạch, nhưng đã lộn xộn, bát nháo như hiện nay.

Nhưng đó là những chuyện lớn lao, chuyện của tương lai. Đà Lạt phải tự cứu lấy mình từ những việc nhỏ nhất trước khi chờ người khác đến cứu.

Không phải ai đến Đà Lạt cũng ra về với tâm trạng hạnh phúc. Phương Loan, cô gái Hà Nội vẫn chưa hết bức xúc sau chuyến đi Đà Lạt đầu tiên. “Bọn mình đang đi xe máy thì có một người chạy theo bảo dẫn vào vườn dâu của nhà, hái tại vườn với giá 30.000 đồng/kg. Trước khi vào vườn dâu, người này dẫn bọn mình đến một cửa hàng đặc sản địa phương. Sau này mình mới phát hiện ra giá ở đây đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 ở ngoài".

da lat tapchithoidai

Du lịch phát triển ồ ạt khiến Đà Lạt đối mặt với nguy cơ mất đi bản sắc của mình. Ảnh: Thuần Võ.

Như nhiều du khách bị “cò" dẫn đường khác, nhóm của Loan sau khi mua sắm xong cũng không thấy người đã hứa đưa đi vườn dâu đâu. “Bọn mình phải tự tìm đường ra vườn dâu nhưng giá ở đây cao hơn rất nhiều so với lời mời chào của cò”, Phương Loan bức xúc.

Không chỉ có “cò" đặc sản, thời gian gần đây Đà Lạt còn rộ lên những “cò" du lịch. Nhóm người này thường chèo kéo khách đến các điểm vui chơi, mua sắm với giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, các “cò" còn sẵn sàng gây hấn, đánh nhau với bảo vệ các khu du lịch. Những hình ảnh xấu xí ấy đã vô tình biến Đà Lạt thành một điểm đến bát nháo, thiếu kiểm soát.

Đã đến lúc người ta cần ngồi lại với nhau xem du lịch Đà Lạt nên phát triển theo hướng nào để không làm mất đi bản sắc. Những người làm du lịch và cả du khách cần nâng cao ý thức để không ai phải nợ Đà Lạt một lời xin lỗi.

Theo Khương Nha/ Zing