• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuộc đua Robot - 'đồng nghiệp' hay 'nô lệ' của con người ?

Cuộc chạy đua robot đang diễn ra khắp thế giới, thậm chí Nhật Bản còn bị 'vượt mặt'. Nhiều nơi sản xuất đang đưa robot vào hoạt động song hành với con người chứ không chỉ thay thế.

Các phân xưởng sản xuất thùng và sơn xe trong nhiều nhà máy của BMW tại Spartanburg, Hoa Kỳ từ lâu đã bị “thống trị” bởi thế hệ robot công nghiệp được đặt trong những chiếc lồng an toàn. Chúng được thiết kế để đảm nhận những nhiệm vụ tuy nhàm chán nhưng lại nguy hiểm hoặc đòi hỏi tính chính xác cao như hàn và nâng vật nặng.

robot-no-le-hay-dong-nghiep-con-nguoi

“Việc đưa robot ra khỏi những chiếc lồng an toàn để cùng làm việc với con người là một bước tiến lớn của ngành công nghiệp."

Khi "đồng nghiệp" của chúng ta là robot

Thế nhưng, ngày nay trên những dây chuyền lắp ráp cuối cùng, chúng ta không còn thấy sự xuất hiện của robot nhiều như trước nữa vì người lao động cần được đảm bảo rằng trong quá trình thực hiện những công việc phức tạp liên quan đến nội thất xe, họ sẽ không bị một cánh tay robot nào đó vô tình đánh trúng.

Giờ đây, BMW đang tạo điều kiện cho công nhân làm việc song hành với robot trên những dây chuyền lắp ráp cuối cùng mà không phải lo ngại đến những chiếc lồng bảo vệ lỉnh kỉnh. Những robot cộng sự trọng lượng nhẹ được sản xuất bởi công ty Universal Robots của Đan Mạch sẽ trợ giúp công nhân thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp và tốn công sức.

Ông Rick Walker thuộc công ty nghiên cứu về robot của Anh, Shadow Robits cho biết: “Việc đưa robot ra khỏi những chiếc lồng an toàn để cùng làm việc với con người là một bước tiến lớn của ngành công nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta, những con người khéo léo nhưng yếu đuối giờ đây sẽ có được sự trợ giúp từ những chú robot mạnh mẽ và chính xác”.

Sự hợp tác giữa người và máy chỉ là một trong vài xu hướng chính thuộc ngành khoa học nghiên cứu sử dụng robot trong công nghiệp chế tạo. Những xu hướng này dần đang được mở rộng và áp dụng cho nhiều thị trường khác bên cạnh sản xuất ô tô và chất bán dẫn, nơi mà trong nhiều thập kỉ qua, robot đã đóng vai trò như một trụ cột quan trọng.

Ngành nào sử dụng đến robot nhiều nhất?

Những cải tiến trong bộ cảm biến, thủy lực, tính di động và trí thông minh nhận tạo, tầm nhìn và lưu trữ dự liệu lớn đã khiến cho robot ngày một nhạy bén, linh hoạt, chính xác và chủ động hơn. Điều này có nghĩa robot có thể được sử dụng không chỉ trong sản xuất mà còn trong các lĩnh vực khác như y tế, thí nghiệm, vận tải - giao nhận, nông nghiệp và thậm chí là công nghiệp điện ảnh.

Liên đoàn Robot Quốc Tế (IFR), một tổ chức công nghiệp có trụ sở tại Đức, dự đoán rằng từ năm 2013 đến 2016, sẽ có khoảng 95.000 con robot dịch vụ được sử dụng một cách chuyên nghiệp cho các ứng dụng như quốc phòng và nông nghiệp.

Ngành công nghiệp ô tô, vốn tiên phong trong lĩnh vực sử dụng robot cho mục đích công nghiệp kể từ những năm 1960, sẽ tiếp tục đóng vai trò là nhân tố chủ đạo của nền tự động hóa toàn cầu. 

Cũng theo IFR, ngành công nghiệp này sẽ chiếm khoảng 40% tổng doanh số robot được bán trong năm 2013 (179.000), đánh dấu một năm kỷ lục của thị trường robot. Đứng thứ 2 trong mức độ sử dụng robot là ngành công nghiệp điện tử với doanh số vượt mức 35.000. Trong năm qua, ngành công nghiệp thực phẩm chỉ sử dụng trên 6.200 robot.

Với chi phí ngày càng giảm và mức độ sử dụng trực quan ngày một tăng, robot công nghiệp có thể sẽ được nhiều ngành nghề vừa và nhỏ khác sử dụng nhiều hơn để phục vụ sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phát biểu về vấn đề này, Martin Haegele thuộc Fraunhofer IPA, một tổ chức nghiên cứu của Đức nói: “Tất nhiên một robot không thể bắt chước đầy đủ các kỹ năng, khả năng về giác quan hoặc nhận thức của con người. Nhưng chúng tôi đang cố gắng tạo ra những robot linh hoạt hơn bằng việc tăng cường sử dụng những bộ cảm ứng cho phép robot thích ứng với từng thay đổi nhỏ liên quan đến công việc hoặc môi trường hoạt động.

Cuộc đua không chỉ ở phương Tây

Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới về số lượng robot được mua. Đây cũng là lần đầu tiên quốc gia này vượt mặt Nhật Bản, theo số liệu của IFR.

Hans-Dieter Baumtrog, người đứng đầu mảng robot và tự động hóa tại hiệp hội cơ khí VDMA của Đức cho biết: “Mặc dù mật độ sử dụng robot ở Trung Quốc vẫn còn khá thấp, tuy nhiên tiềm năng phát triển trong tương lai của quốc gia này là rất lớn”.

Các thị trường Châu Á khác bao gồm Đài Loan, Ấn Độ và Indonesia cũng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhưng tại các quốc gia này, số lượng robot được sử dụng vẫn còn ở mức khá nhỏ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Đức – các thị trường chiếm đến ½ doanh số toàn cầu. Ngược lại, vào năm 2013, Ấn Độ chỉ mua 1.917 robot.

Google cũng đã chính thức tham gia vào cuộc chơi này khi mua lại 8 công ty khởi nghiệp vào năm ngoái, bao gồm Boston Dynamics, một công ty sản xuất robot quân đội và Deepmind, một công ty trí tuệ nhân tạo của Anh.

Tuy nhiên Google cần phải xúc tiến thêm nhiều thương vụ hơn nữa nếu muốn bắt kịp các “người khổng lồ” trong lĩnh vực robot công nghiệp như Yaskawa và Fanuc của Nhật Bản, ABB của Thụy Sĩ và Kula của Đức, những công ty đang cùng nhau thống lĩnh thị trường toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất của Mỹ và Châu Âu cũng đang tận dụng năng lực sản xuất từ robot để hoàn thiện sản xuất đã được thuê với chi phí thấp tại Châu Á.

“Trong vòng 10 đến 15 năm tới, tất cả các nhà máy sản xuất trên thế giới đều sẽ sử dụng các robot công nghiệp”, Jim Lawton, Giám đốc tiếp thị của Rethink Robotics, một công ty có trụ sở tại Mỹ nơi đã cho ra đời robot Baxter cho biết.

Theo Cafebiz