• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bộ đồ hỗ trợ lặn sâu

Một bộ đồ lặn kích thước lớn sẽ được sử dụng trong các nghiên cứu đại dương và khắc phục hạn chế về độ sâu với phương pháp lặn thông thường.

suit-4997-1393647296.jpg

Thợ lặn trong bộ đồ Exosuit. Ảnh: NBC News

Bộ đồ lặn có chiều cao khoảng 2 m, nặng 240 kg, được làm bằng kim loại cứng và các vật liệu khác. Exosuit có 4 động cơ đẩy hỗ trợ thực hiện các chuyển động lên, xuống, tiến về phía trước, lùi phía sau hoặc di chuyển sang bên.

Để người mặc có thể lặn sâu trong thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã trang bị một hệ thống cung cấp oxy trong 50 giờ với bộ phận dây làm từ sợi quang học, cho phép duy trì quá trình giao tiếp, giám sát oxy và áp suất giữa người ở dưới nước và nhóm nghiên cứu trên bờ. Ngoài ra, Exosuit còn có một bộ phận quay và truyền video trực tiếp lên hệ thống giám sát trên mặt đất.

Với bộ đồ lặn này, người mặc có thể lặn xuống độ sâu khoảng 305 m so với mặt nước biển. Đây là môi trường không thể nghe thấy tiếng hét của con người.

Live Science cho hay, các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện hành trình đầu tiên với bộ đồ lặn Exosuit vào tháng 7 tới để thu thập hình ảnh và nghiên cứu các loài động vật sống ở khu vực "The Canyons", nằm ở ngoài khơi bờ biển New England.

Tại đây, các chuyên gia sẽ nghiên cứu hiện tượng phát quang sinh học và huỳnh quang sinh học thuộc vùng biển khơi trung (mesopelagic), ở độ sâu khoảng 200-1.000 m dưới về mặt đại dương. Đây là vùng ánh sáng mờ và áp suất có thể lớn hơn gấp 30 lần so với áp suất trên bề mặt.

Phát quang sinh học là hiện tượng ánh sáng được tạo ra bởi các loài sinh vật sống nhờ một phản ứng hóa học trong cơ thể của sinh vật. Huỳnh quang sinh học xảy ra khi các sinh vật hấp thụ ánh sáng bước sóng ngắn và năng lượng cao (như ánh sáng tia cực tím), sau đó phát ra ánh sáng ở bước sóng dài hơn. Quá trình này khiến các sinh vật phát ánh sáng màu, thường là màu xanh hoặc đỏ.

Nguồn: VNES