• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bí mật của đuôi công

Động tác rung đuôi của con công tạo ra âm thanh có tần số nằm ngoài ngưỡng nghe của con người, giúp chúng thu hút bạn tình hoặc duy trì lãnh thổ.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Animal Behaviour, Angela Freeman và James Hare thuộc Đại học Manitoba, Canada, kết luận công có thể tạo ra sóng hạ âm từ chính bộ lông đuôi của chúng. Dù có cường độ tương đương tiếng xe ôtô lướt qua cách chúng ta vài mét, âm thanh phát ra lại ở tần số rất thấp mà con người không thể nghe thấy được, hay còn gọi là hạ âm. Hai tác giả nghiên cứu cho rằng công cũng có thể cảm nhận và phản ứng lại âm thanh này.

bi-mat-duoi-cong

Khi rung lên bộ lông đuôi, công tạo ra một hạ âm với tần số nhỏ, nằm ngoài ngưỡng nghe của con người. Ảnh: BBC

Kết luận được đưa ra sau khi họ phân tích âm thanh do 46 con công tạo ra. Đối với con người, âm thanh này nghe như "tiếng cỏ sột soạt trong gió". Tuy nhiên, các đoạn ghi âm tiết lộ rằng chim công rung đuôi tạo ra hạ âm có cường độ từ 70 đến 108 decibel.

Khi đoạn ghi âm được phát ra cho các con công khác, các nhà khoa học nhận thấy cả con đực và con cái đều cảnh giác hơn. Chúng bước đi hoặc chạy nhiều hơn bình thường. "Ngoài ra, những con đực còn kêu lên để đáp lại tín hiệu này", Freeman nói.

Hiện chưa rõ nguyên nhân công có thể cảm nhận được hạ âm. Theo Freeman, một vài loài chim có khả năng cảm nhận được sóng âm thông qua đôi chân. Tuy nhiên, điều làm ông băn khoăn chính là âm thanh này có thể không đủ mạnh để cảm nhận theo cách đó.

"Một giả định khác là chúng nghe được bằng chính đôi tai. Cấu tạo tai trong của công dường như có thể giúp chúng cảm nhận hạ âm", Freeman nói thêm.

Theo nhóm chuyên gia, đặc điểm này có thể liên quan tới việc duy trì lãnh thổ. Một con đực có thể nghe được hạ âm do đối thủ đang tới gần phát ra và kêu to để cảnh cáo. Đây cũng là một cách thu hút bạn tình. Con công đực sở hữu bộ lông to sặc sỡ là dấu hiệu cho sức mạnh và hệ gene tốt. Trong khi đó, âm thanh phát ra sẽ củng cố thêm cho thông điệp đó.

Theo BBC